Cho rằng, không thể để khu vực đang tạo ra khoảng 30% GDP của nền kinh tế nằm ngoài các văn bản luật do Quốc hội ban hành, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị xác định hộ kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp.
Chính thức hóa hộ kinh doanh bằng việc đưa hình thức kinh doanh này vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp được ông Lộc coi là một yêu cầu cấp thiết.
“Nước ta đang có đến gần 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Các hộ kinh doanh cá thể có đóng góp rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, chiếm đến hơn 30% GDP, nhưng khung khổ chính sách áp dụng đối với chủ thể kinh doanh này hiện còn rất thiếu, có sự chưa bình đẳng so với các doanh nghiệp hoạt động chính thức”, ông Lộc lý giải tại Hội thảo Lấy ý kiến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.
Ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ quan điểm này, cho biết sẽ xem xét, cân nhắc. Vì thực tế, đã có nhiều quy định để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, nhưng việc này chưa đạt được kết quả.
Lý do được cho là nhiều chính sách hiện tại khiến cho các hộ kinh doanh cá thể ngần ngại, nhất là các quy định về hoạt động của các loại hình doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp không phù hợp với hoạt động của mô hình hộ kinh doanh.
“Tất nhiên, liên quan đến chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể có nhiều văn bản khác (về thuế, kế toán, đất đai, lao động…) nhưng với tư cách là đạo luật gốc về doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp cần đưa họ vào pham vi điều chỉnh”, ông Lộc chia sẻ quan điểm.
Cũng có ý kiến cho rằng, với việc chính thức hóa này, Việt Nam sẽ có ngay hàng triệu doanh nghiệp, dù là những doanh nghiệp rất nhỏ.
Nhưng ông Lộc cho rằng, mục đích của đề nghị này không phải là để đếm số lượng, mà là đưa hộ kinh doanh ra ánh sáng.
“Tại sao những đơn vị hộ kinh doanh sử dụng hàng chục, hàng trăm lao động… nhưng không được xem là doanh nghiệp? Họ chính là các doanh nghiệp tư nhân đích thực nhất. Tại sao không thúc đẩy họ áp dụng những tiêu chuẩn quản trị tốt để dần trở thành thành những doanh nghiệp đủ lớn? Chúng ta cần phải tháo bỏ các rào cản về thuế, về sổ sách kế toán… để hàng triệu hộ kinh doanh có động lực trở thành một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đủ mạnh”, ông Lộc nói.
Cụ thể, giải pháp cần làm trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này một mặt là giảm tối đa các điều kiện hoạt động cho nhóm doanh nghiệp chính thức nhỏ và siêu nhỏ, tạo tiền đề để sửa các luật thuế và Luật Kế toán thời gian tới, mặt khác tạo ra cơ chế để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.