Phan Văn Anh Vũ tại tòa. |
Bị cáo Nguyễn Đình Thống, nguyên Giám đốc Công ty Quản lý và Khai thác đất Đà Nẵng khai nhận, thực hiện tổ chức quản lý khai thác quỹ đất theo chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng. Những dự án được giao cho công ty thì thực hiện, có rất nhiều đơn vị cùng thực hiện nhiệm vụ về đất không riêng công ty bị cáo.
Tại Dự án đường ven biển Trường Sa, bị cáo tham mưu, đề xuất cho phép Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 được giảm 10% tiền sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất từ công ty sang cá nhân Vũ. Bị cáo Thống cho rằng, quy định là sai nhưng chức năng bị cáo là chấp hành.
“Sai ở chỗ là không đấu giá nhưng có văn bản đề nghị của Bộ Công an. Chủ tịch đã ký thì bị cáo thực hiện. Bị cáo không có động cơ, mục đích, không hưởng lợi, không có quan hệ và không hiểu biết Vũ. Khi ký hợp đồng bị cáo mới biết, bị cáo không biết Vũ đứng sau công ty”, bị cáo Thống khai.
Bị cáo Nguyễn Ngọc Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã ký các văn bản liên quan đến việc chuyển nhượng 6 nhà, đất công sản, tạo điều kiện cho vũ nhận chuyển nhượng 3/5 nhà, đất.
Bị cáo Tuấn khai nhận, tại Dự án Khu du lịch ven biển Trường Sa, bị cáo ký vào văn bản giao quyền sử dụng đất.
“Tôi biết không đấu giá khu đất là sai. Tôi ký nhưng có cơ sở. Cuộc họp giao ban thành phố sau đó có thông báo thống nhất với đề xuất của Sở, Sở hướng dẫn Công ty xây dựng Bắc Nam 79 liên hệ hủy hợp đồng chuyển tên, liên hệ thuế hoàn trả trước bạ.. làm xong thì mới cấp. Cuộc họp thống nhất giao cho Sở Tài nguyên Môi trường hướng dẫn thực hiện các bước. Lẽ ra phải kiểm tra trước khi ký nhưng tôi mới được bổ nhiệm, nhiều việc không có thời gian kiểm tra từ đầu, đã để xảy ra sai sót”, bị cáo Tuấn thừa nhận.
Theo cáo trạng, các bị can trong vụ án này là người giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt của UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và bộ máy hành chính của thành phố Đà Nẵng, lãnh đạo và tổ chức thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Tuy nhiên, vì những động cơ khác nhau, Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và các đồng phạm đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cố ý làm trái các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, các quy định về quản lý đất đai trong thời gian dài từ năm 2006 đến năm 2014 giúp cho Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm) thu lợi bất chính đặc biệt lớn thông qua việc nhận nhiều đất dự án, mua nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước.
Từ hành vi trái pháp luật trên đã tạo điều kiện cho Phan Văn Anh Vũ trực tiếp được nhận chuyển giao tài sản, quyền quản lý, khai thác đối với 15/22 nhà, đất công sản và 06/7 Dự án đất trên cơ sở đó tạo cơ hội cho Phan Văn Anh Vũ có quyền quyết định việc chuyển nhượng, khai thác, sử dụng... nhằm trục lợi từ những giá trị tăng thêm của các bất động sản. Hậu quả là nhà nước thiệt hại 22.047 tỷ đồng.
Để dẫn đến hậu quả thiệt hại nêu trên bị can Trần Văn Minh và đồng phạm đã cố ý làm trái các quy định của pháp luật về quản lý tài sản Nhà nước, các quy định của pháp luật về đất đai trong việc chuyển giao tài sản, cho phép chuyển quyền sử dụng đất.
Do vậy, ngoài 4 bất động sản trị giá 874 tỷ đồng đã được Tòa án tuyên thu hồi tài sản cho Nhà nước (Bản án hình sự phúc thẩm số 346/2019/HSPT ngày 13/6/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội) thì toàn bộ 42 tài sản là bất động sản liên quan đến hành vi phạm tội hoặc sở hữu của Phan Văn Anh Vũ đã được kê biên trong vụ án này và 2 dự án gồm: Dự án 29 ha và Dự án Phú Gia Compound đã bị chuyển dịch trái pháp luật với tổng giá trị được định giá là: 15.703 tỷ đồng cần phải thu hồi để bảo vệ tài sản của Nhà nước.