Bị cáo Trương Mỹ Lan (hàng đầu; thứ hai, từ trái sang) tại tòa |
Phủ nhận nắm giữ hơn 91% cổ phần SCB
Theo cáo trạng, để có nguồn vốn lớn phục vụ hoạt động của hệ sinh tái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, từ trước thời điểm hợp nhất 3 ngân hàng tư nhân, Trương Mỹ Lan đã sở hữu phần lớn cổ phần của 3 ngân hàng này.
Sau khi thúc đẩy để 3 ngân hàng nhanh chóng hợp nhất thành SCB, Trương Mỹ Lan tiếp tục nhờ 73 cổ đông đứng tên sở hữu hơn 85% cổ phần SCB, đồng thời tiếp tục mua và sử dụng cá nhân đứng tên cổ phần SCB để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng này lên hơn 91% vào ngày 1/1/2018.
Tính đến tháng 10/2022 (thời điểm khởi tố vụ án), Trương Mỹ Lan sở hữu, chi phối 1.394.253.393 cổ phần SCB, chiếm hơn 91% vốn điều lệ, do 27 pháp nhân (trong và ngoài nước), cá nhân đứng tên giúp; trong đó Trương Mỹ Lan trực tiếp đứng tên sở hữu 75.888.800 cổ phần, chiếm hơn 4,9% vốn điều lệ.
Các bị cáo “buộc tội” Trương Mỹ Lan
Tại tòa, trước lời khai của Trương Mỹ Lan, nhiều bị cáo được thẩm vấn như Trương Khánh Hoàn, Bùi Anh Dũng, Võ Tấn Hoàng Văn, Tạ Chiêu Trung (nguyên lãnh đạo SCB) đều khẳng định, bị cáo Trương Mỹ Lan là người quyết định tại SCB. Về sổ sách, mặc dù Trương Mỹ Lan chỉ đứng 4,9% cổ phẩn, nhưng thực chất nắm phần phần lớn cổ phần SCB.
Theo các bị cáo này, những hồ sơ mà các bị cáo ký theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan là do tin tưởng bà Lan với tài năng kinh doanh có khả năng giúp ngân hàng. Bà Lan thường triệu tập cuộc họp với lãnh đạo SCB. Tại cuộc họp, bà Lan chỉ đạo giải ngân cho vay. Việc bổ nhiệm các lãnh đạo ngân hàng phần lớn cũng theo ý kiến của bà Lan. Khi bà Lan cần 1 khoản tiền, sẽ tổ chức họp, chỉ đạo lập hồ sơ, giải ngân, và thực hiện các công việc liên quan. Năm 2021, bà Lan mua lại Công ty Lavifood, có giao cho bị cáo Trương Huệ Vân tham gia các cuộc họp, tiền mà Ngân hàng cho vay là huy động từ chính những người dân gửi tiền ngân hàng.
“Bị cáo hoàn toàn tin tưởng bà Lan, tuy nhiên, khi nghe bà Lan trả lời sáng nay, bị cáo chỉ trách mình đã tin tưởng sai người. Mọi người trong SCB khi làm việc đều không nghi ngờ, tin tưởng tuyệt đối bà Lan, mọi người chỉ nghĩ cùng bà Lan vượt qua khó khăn, bị cáo cùng anh em SCB rất thất vọng vì những gì bà Lan đã phát biểu trước tòa”, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung nói.
Tuy nhiên, trả lời thẩm vấn của Hội đồng Xét xử, bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng, chỉ nắm giữ hơn 4,9% cổ phần SCB; hai con gái, mỗi người nắm giữ gần 5%. Tất cả thành viên trong gia đình bị cáo nắm giữ dưới 15%, còn lại là của bạn bè Việt kiều ở Canada, Australia, Mỹ.
Nói rõ hơn về cổ đông SCB là “bạn bè nước ngoài”, Trương Mỹ Lan khai, trước khi hợp nhất 3 ngân hàng, bị cáo được một số lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhờ kêu gọi cổ đông 3 ngân hàng đừng “quậy phá”, bằng mọi giá phải kêu họ tiếp tục hợp nhất. Tiếp theo, Ngân hàng Nhà nước nhờ bị cáo kêu gọi bạn bè đầu tư, để làm sao phải nắm số cổ phần trên 65% để nhóm này góp tiếng nói cùng bị cáo để hợp nhất thành công. Vì vậy, Trương Mỹ Lan mới thuyết phục bạn bè Việt kiều tham gia tái cơ cấu và giao cho nhân viên của mình quản lý.
Bị cáo Trương Mỹ Lan nói, không nhớ cụ thể các cổ đông này, nhưng các cổ đông này hoàn toàn có đi dự đại hội cổ đông. Bị cáo thực chất chỉ bảo lãnh cho các các cổ đông này, do đây là các cổ đông nước ngoài.
Trương Mỹ Lan còn cho rằng, mình chỉ cho mượn tài sản cứu ngân hàng; tình trạng tài chính, bất động sản của SCB tại thời điểm này là rất xấu. “Mong Hội đồng Xét xử xem xét hoàn cảnh của bị cáo khi tái cơ cấu hợp nhất. Bị cáo phải gồng gánh luôn phần của ông Bắc Hà đã hứa tham gia tái cơ cấu mà không thực hiện. Toàn bộ số tiền cáo buộc bị cáo đi vay thực chất là trả tiền lãi trước khi hợp nhất. SCB thực chất hoàn toàn không có tiền mà cáo buộc bị cáo chiếm đoạt, không lẽ bị cáo chiếm đoạt tiền của chính mình”, Trương Mỹ Lan nói.
Phủ nhận điều hành SCB
Bị cáo Trương Mỹ Lan cũng phản đối các cáo buộc như: tuyển chọn, bố trí nhân sự là những người thân tín vào vị trí lãnh đạo chủ chốt SCB để nắm quyền điều hành; thành lập các đơn vị thuộc SCB chỉ để cho vay, giải ngân theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan; chỉ đạo thành lập, sử dụng các công ty “ma”, thuê/nhờ các cá nhân để đứng tên hồ sơ vay, cổ phần, tài sản đảm bảo…; tạo lập hồ sơ vay vốn khống, hợp thức việc rút tiền của SCB; câu kết với các đối tượng là chủ sở hữu, đại diện theo pháp luật của các công ty có liên quan để tạo lập khoản vay, cùng sử dụng, chiếm đoạt tiền của SCB…
Trước phủ nhận trên của bị cáo Trương Mỹ Lan, đại diện Hội đồng Xét xử nêu rõ, tại tòa, các bị cáo như Võ Tấn Hoàng Văn (nguyên Tổng giám đốc SCB), Bùi Anh Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT SCB)… khai rất rõ việc quản lý vận hành SCB đều theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan. “Bị cáo giải thích sao về nội dung này?”, Hội đồng Xét xử hỏi.
Bị cáo Trương Mỹ Lan trả lời rằng, bản thân không có nghiệp vụ về ngân hàng, nên không chỉ đạo gì. Nhiệm vụ của bị cáo tại SCB chỉ là đi giải quyết những vấn đề liên quan đến tài sản, việc điều hành SCB là do Ngân hàng tự điều hành, chứ bị cáo không chỉ đạo. Ban lãnh đạo SCB hoàn toàn không phải thân tín của bị cáo, bị cáo cũng không lựa chọn cài người vào SCB, tất cả đều thực hiện đúng quy trình. Toàn bộ tiền bạc, tài sản của bị cáo đều nằm ở SCB, nếu bị cáo như cáo trạng ràng buộc thì không thể để sự việc xảy ra như vậy.
“Vị trí của tôi chỉ là giúp giải quyết tài sản, chứ không điều hành. Nếu tôi như cáo trạng nói, thì không thể ngày hôm nay tất cả tài sản của tôi đều nằm ở SCB...”, bị cáo Trương Mỹ Lan khai.
Phủ nhận chỉ đạo hối lộ 5,2 triệu USD
Cũng theo cáo trạng, để che giấu thực trạng đặc biệt yếu kém và các sai phạm của SCB, Trương My Lan đã trực tiếp gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với Đỗ Thị Nhàn, Trưởng đoàn Thanh tra, đồng thời chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB trực tiếp đưa cho Đỗ Thị Nhàn 5,2 triệu USD và đưa tiền, quà bồi dưỡng các thành viên trong Đoàn Thanh tra.
Trên cơ sở đó, Đỗ Thị Nhàn chỉ đạo thành viên trong Đoàn Thanh tra báo cáo không trung thực, không đầy đủ các sai phạm của SCB; cố tình che giấu, làm nhẹ sai phạm của SCB và kiến nghị đề xuất tạo điều kiện cho SCB được tái cơ cấu.
Trả lời Hội đồng Xét xử, bị cáo Trương Mỹ Lan phủ nhận nội dung này, cho rằng bản thân không biết bà Đỗ Thị Nhàn. Bị cáo gặp bà Nhàn là do Võ Tấn Hoàng Văn và Đinh Văn Thành nhờ gặp, để sớm kết thúc thanh tra để mời nhà đầu tư nước ngoài vào, nên hành vi liên hệ và trao đổi với Đoàn Thanh tra và đưa 5,2 triệu USD cho bà Nhàn cũng như quà cho Đoàn Thanh tra là lãnh đạo SCB liên hệ, thì lãnh đạo SCB... tự chịu trách nhiệm.
Phủ nhận “bắt tay” với thẩm định giá
Tương tự, liên quan đến cáo buộc thông đồng, câu kết với các công ty thẩm định giá để cấp Chứng thư nâng khống giá trị tài sản bảo đảm, bị cáo Trương Mỹ Lan khai rằng, không quen biết ai liên quan đến công ty thẩm định giá, không chỉ đạo ai ở SCB móc nối với thẩm định giá.
Thậm chí, bị cáo Trương Mỹ Lan còn mong Hội đồng Xét xử xem xét, thực tế giá bất động sản tại thời điểm thẩm định giá rất là cao. Công ty thẩm định giá thẩm định không đúng theo giá thị trường. Thị trường bất động sản có lúc này lúc khác, nên tài sản định giá chưa phù hợp với thực tế, giá thị trường còn cao hơn nhiều.
Bác nội dung mà bị cáo Trương Mỹ Lan khai, Chủ tọa phiên tòa nêu rõ, đơn vị thẩm định giá thẩm định theo yêu cầu của SCB, chứ không phải giá thị trường.
Thừa nhận chở tiền về nhà, nhưng…
Cáo trạng nêu, từ ngày 26/2 đến ngày 12/9/2022, theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, Bùi Văn Dũng (tài xế) vận chuyển hơn 108.878 tỷ đồng và 14,7 triệu USD từ SCB về trụ sở Vạn Thịnh Phát (193 - 203, Trần Hưng Đạo), hoặc về hầm B1, tòa nhà Sherwood (127, Pasteur, căn hộ mà bà Lan ở) hoặc giao, đưa cho một số cá nhân. Số tiền này, bà Lan dùng để trả nợ tiền mua các bất động sản; mua cổ phần các dự án và sử dụng vào các mục đích cá nhân khác.
Trương Mỹ Lan vòng vo, không trả lời thẳng vào câu hỏi của Hội đồng Xét xử, thậm chí còn nói rằng, “thật sự vào đây tôi mới biết con số” và kể về những công việc cần thu, chi ở SCB suốt 11 năm.
Chỉ đến khi Hội đồng Xét xử gọi Trần Thị Mỹ Dung (nguyên Phó tổng giám đốc SCB) lên đối chất, Trương Mỹ Lan mới thừa nhận có việc tài xế Dũng vận chuyển tiền, nhưng lại cho rằng không phải là do bị cáo chỉ đạo, mà do Trần Thị Mỹ Dung yêu cầu Dũng chở về; số tiền này không phải tiền vay của SCB, mà là tiền của bạn bè bị cáo gửi về SCB. Tiền mà tài xế Dũng mang đi giao là tiền trả nợ cho SCB nhằm phục vụ cho tái cơ cấu…
Phiên tòa đã kết thúc phần xét hỏi hành vi phạm tội của 86 bị cáo, bước sang phần xét hỏi của các luật sư.