Dự kiến từ ngày 19/7 đến 18/8/2016, Tòa án Nhân dân TPHCM sẽ xét xử bị cáo Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng, nguyên Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh và 35 bị cáo khác.
Năm 2012, Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank) do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện nhóm cổ đông Phú Mỹ sở hữu 84,92% cổ phần, được xác định rơi vào tình trạng khó khăn đặc biệt. Theo kết luận thanh tra ngân hàng này, vốn chủ sở hữu bị âm hơn 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 6.061 tỷ đồng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép nhóm cổ đông cũ của TrustBank là Phú Mỹ chuyển nhượng cổ phần cho nhóm cổ đông mới là Tập đoàn Thiên Thanh - đại diện là ông Phạm Công Danh làm Chủ tịch HĐQT. Chủ trương này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý phương án tái cơ cấu.
. |
Từ cuối tháng 2/2013, ngân hàng này hoạt động dưới sự điều hành của nhóm cổ đông mới và ông Phan Thành Mai (45 tuổi) được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngày, vì cả ông Danh và ông Mai đều thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính. TrustBank cũng được đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB). Khi đó, VNCB đưa ra kế hoạch tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng và thực hiện một gói tín dụng lĩnh vực xây dựng, bất động sản trị giá 50.000 - 70.000 tỷ đồng.
Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn tiếp nhận, ông Danh tiếp tục đẩy ngân hàng này vào nợ nần, thất thoát trầm trọng hơn. Và chỉ một năm sau đó, vào ngày 29/7/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an công bố quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Danh.
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, là Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh, ông Danh từng sở hữu khối tài sản hàng ngàn tỷ đồng cùng nhiều dự án tại Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Dương, Vũng Tàu, TP.HCM... Quá trình điều hành ngân hàng này, ông Danh đã có hàng loạt sai phạm trong việc vay và cho vay, gây thất thoát cho Ngân hàng hơn 9.000 tỷ đồng.
Cụ thể, từ ngày 28/12/2012 đến 11/3/2014, do cần tiền để sử dụng, Phạm Công Danh với vai trò là Chủ tịch HĐQT VNCB đã chỉ đạo cấp dưới là các đối tượng Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương… sử dụng pháp nhân của 12 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và 2 pháp nhân khác do mối quen biết, xây dựng các bộ hồ sơ kinh doanh mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống, lập các biên bản họp HĐQT không có thật, lập các biên bản họp HĐQT khống, định giá nâng giá các lô đất thuộc Sân vận động Chi Lăng và lô đất tại TP. Đà Nẵng lên nhiều lần làm tài sản đảm bảo vay 5.000 tỷ đồng của VNCB. Sau đó, ông Danh chỉ đạo 15 cá nhân là nhân viên của Thiên Thanh chuyển khoản hoặc rút tiền mặt bằng các hồ sơ vay VNCB với số tiền 4.700 tỷ đồng để trả nợ (trả nợ một ngân hàng 2.600 tỷ đồng thay cho các công ty của Thiên Thanh vay trong khoản vay 4.700 tỷ đồng của ngân hàng nói trên; trả 500 tỷ đồng cho nhóm của Trần Ngọc Bích (của cá nhân Danh); trả nhóm Phú Mỹ 135 tỷ đồng (cho việc mua cổ phần). Số còn lại 1.465 tỷ đồng, Danh khai chi chăm sóc khách hàng, nhưng không giải trình được cụ thể, gây thiệt hại cho VNCB.
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, có 36 bị can bị truy tố trong vụ án này, vì hàng loạt vi phạm về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tất cả các hành vi trên của ông Danh và đồng phạm đã bị Viện KSND Tối cao truy tố tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài tội danh trên, ông Danh và đồng phạm còn bị truy tố vì hàng loạt vi phạm về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Sau khi hai lãnh đạo cao nhất của VNCB bị bắt (tháng 7/2014), NHNN đã mua lại toàn bộ cổ phần của nhà băng này và trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của VNCB. Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) được chỉ định tham gia quản trị, điều hành VNCB. VNCB được đổi tên viết tắt thành CB và đang từng bước được cải tổ.