. |
Tại phiên tòa xét xử vụ án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, đại diện các doanh nghiệp, cơ quan được triệu tập đến tham gia tố tụng.
Đại diện của Mobifone đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ tội cho các bị cáo vì đã có những đóng góp to lớn cho công ty.
Trình bày trước tòa, đại diện Mobifone cũng cho biết, doanh nghiệp tiến hành xử lý hành chính và kinh tế, kỷ luật với tất cả Hội đồng thành viên tham gia các cuộc họp, tham gia trình và ký các văn bản bằng các quyết định nội bộ, kỷ luật lao động.
Ngoài ra, có 5 cá nhân cũng có biên bản họp xử lý. Tuy nhiên, theo nội quy lao động của doanh nghiệp hiện hành thì không có hành vi tương xứng nên chỉ nhắc nhở, kiểm điểm, phê bình. Công ty không ban hành quyết định vì không có hình thức kỷ luật.
Bộ Thông tin và Truyền thông là đại diện vốn Nhà nước tại Mobifone. Đại diện bộ này đề nghị tòa án xét xử đúng người, đúng tội song cũng cần xem xét những đóng góp của các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông).
Về phía AVG cũng đề nghị tòa án có chính sách khoan hồng đối với bị cáo Phạm Nhật Vũ (cựu Chủ tịch HĐQT AVG).
Đại diện Công ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX cho biết, công ty đã nộp số lại số tiền 240 triệu đồng.
Về trách nhiệm dân sự, vợ ông Trương Minh Tuấn đã nộp lại 2,3 tỷ đồng và mong tòa xem xét hủy bỏ căn nhà bị kê biên. Gia đình bị cáo Hoàng Duy Quang (Thẩm định viên Công ty AMAX) đã nộp 54 triệu đồng; bị cáo Lê Nam Trà (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone) đã nộp lại 54,7 tỷ đồng. Gia đình ông Trà cho biết, nếu tính theo tỷ giá còn thừa khoảng 800-900 triệu đồng nên đề nghị khoản tiền thừa thì trả lại cho gia đình.
Bị cáo Vũ được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ
Trình bày tại tòa, bà Kolmakova Ekaterina Valerievna (vợ bị cáo Phạm Nhật Vũ) nói: “Khi vụ việc xảy ra chồng tôi đã chịu trách nhiệm, không bỏ đi đâu dù có cơ hội ở lại nước ngoài. Chồng tôi từng tâm sự phải khắc phục để chứng minh mình không lấy tiền của Nhà nước. Tôi đồng ý để thực hiện việc này. Chúng tôi phải gom góp tiền trong một năm để trả lại cho Mobifone. Để trả lại được, chúng tôi phải nợ gần 1.000 tỷ đồng”.
Bà Kolmakova Ekaterina Valerievna khẩn khoản: “Thái độ, suy nghĩ việc làm của chồng tôi có được xem là rất tử tế? Có xứng đáng được hưởng sự khoan hồng đặc biệt không? Tôi sống ở Việt Nam lâu năm, nhưng vẫn còn nhiều điểm khác biệt với xã hội Việt Nam. Chồng tôi là sợi dây gắn bó với Việt Nam. Luật pháp có cần phải khắc nghiệt thế không khi bắt tù chồng tôi. Chồng tôi đã dám chịu trách nhiệm, thành tâm sửa chữa những việc đã làm. Mong tòa xem xét đặc biệt quan tâm”.
Theo cáo trạng, bị cáo Phạm Nhật Vũ đã phạm tội đưa hối lộ. Trong quá trình điều tra, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội và có trách nhiệm trong việc khắc phục số tiền đã chiếm đoạt.
Bị cáo Vũ mặc dù không phải chịu trách nhiệm chính về các hậu quả thiệt hại của Mobifone do hành vi phạm tội vi phạm về đầu tư công của Nguyễn Bắc Son và đồng phạm gây ra, nhưng đã tích cực khắc phục hậu quả.
Bị cáo Phạm Nhật Vũ còn tích cực phối hợp cung cấp tài liệu để CQĐT làm rõ hành vi của các bị cáo khác.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Giang, tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Cao Bằng có đơn đề nghị xem xét cho bị cáo được hưởng chính sách khoan hồng.
Với những tình tiết giảm nhẹ đáng kể như trên, cáo trạng cho rằng, cần áp dụng đầy đủ, triệt để các quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 3; khoản 1, 2 Điều 51 và các quy định khác của Bộ luật Hình sự năm 2015 để xem xét quyết định mức hình phạt tương xứng với những tình tiết giảm nhẹ nêu trên.