Phan Văn Anh Vũ được đưa đến tòa trước phiên xử hơn một tiếng. Ảnh: Hữu Khoa (VnExpress) |
Để phục vụ cho công tác xét xử, tòa triệu tập nguyên đơn dân sự là Ngân hàng Đông Á cùng 27 tổ chức, 306 cá nhân với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng.
Phiên xử do thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM) làm chủ tọa, dự kiến kéo dài đến ngày 25/12.
Có 60 luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo, người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Trong đó, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP HCM) bào chữa cho Vũ Nhôm. Ông Bình có 3 luật sư là Phan Trung Hoài, Phạm Công Hùng (Đoàn luật sư TP HCM) và Bùi Thị Hồng Giang (Đoàn luật sư Hà Nội).
Trong số các bị can bị truy tố đưa ra xét xử lần này có Trần Phương Bình (59 tuổi, nguyên Tổng giám đốc (TGĐ) DAB, Phó Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTD và bà Nguyễn Thị Kim Xuyến (60 tuổi, nguyên Phó TGĐ, thành viên HĐQT DAB)...
Là người đầu tiên được gọi lên thẩm tra lý lịch, ông Bình cho biết, đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc DongA Bank từ năm 1998 và là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) từ năm 2013 đến 2015. Ông là cử nhân kinh tế, nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy kinh tế, trước khi chuyển sang gây dựng và điều hàng ngân hàng DAB trong hơn 23 năm qua.
Liên quan đến vụ án, Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, 43 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79) và Phạm Văn Phước (56 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Lương thực Nam Định) cũng bị truy tố và đưa ra xét xử về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Trả lời chủ tọa trong phần kiểm tra lý lịch sáng nay, bị cáo Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm” cho biết ngoài tên chính bị cáo còn dùng 2 tên khác là Lê Văn Sáu và Trần Đại Vũ. Về quốc tịch bị cáo khai có 2 quốc tịch gồm Việt Nam và và Antigua.
Ngoài chức danh nguyên Chủ tịch Công ty Xây dựng Bắc Nam 79, bị cáo còn là nguyên chủ tịch Công ty No Va Bắc Nam.
Theo cáo trạng, trong thời gian ông Trần Phương Bình giữ vai trò là tổng giám đốc, phó chủ tịch HĐQT và chủ tịch hội đồng tín dụng DAB đã chỉ đạo cấp dưới chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định gây thiệt hại cho DAB hàng nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, ông Trần Phương Bình đã tổ chức, chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ và đầu tư tại DAB, qua đó ông Bình đã lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho DAB hơn 3.405 tỷ đồng, bao gồm 1.160 tỷ đồng trong việc mua hơn 74.000 cổ phần DAB; 437 tỷ đồng và 650 lượng vàng chi lãi ngoài; hơn 24 triệu USD và hơn 15.000 lượng vàng trong kinh doanh ngoại hối và kinh doanh vàng tài khoản trái phép...
Ngoài ra, Cơ quan điều tra cũng xác định ông Bình dùng gần 65 tỷ đồng để tất toán cho khoản vay của Nguyễn Hồng Ánh (nguyên cán bộ điều tra Công an TPHCM - người cũng bị đề nghị truy tố trong vụ án này).
Trong vụ án này, ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, SN 1975, trú tại quận Hải Châu, thành phố Ðà Nẵng) - người vừa bị TAND TP Hà Nội trong phiên xử ngày 30/7 tuyên phạt 9 năm tù về tội “ Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”, cũng bị Cơ quan điều tra quy kết tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Theo kết luận điều tra, sai phạm của Vũ “nhôm” liên quan đến việc “sở hữu” 12,73% cổ phần của DAB, gây thiệt hại cho ngân hàng DAB 200 tỷ đồng.
Cụ thể, Cơ quan tố tụng cho rằng, Phan Văn Anh Vũ đồng phạm với ông Trần Phương Bình chiếm đoạt tài sản của DAB 203 tỷ đồng và phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền này. Ngoài ra, theo cáo trạng, Vũ “nhôm” phải nộp lại 13.400.000 USD và 90.525.420.000 đồng mua cổ phần DAB.
Tính đến thời điểm hiện nay, Cơ quan chức năng đã kê biên 50 triệu cổ phần DAB đứng tên Công ty Bắc Nam 79 của Vũ “nhôm”; gần 14 triệu cổ phần của cá nhân Vũ “nhôm”; 447 m2 đất đứng tên chung Vũ “nhôm” cùng vợ tại địa chỉ 78-84 đường Trần Quốc Toản, TP Đà Nẵng. Anh trai Vũ “nhôm” nộp giúp bị can này 13 tỷ đồng khắc phục hậu quả.
DAB được thành lập năm 1992 theo quyết định của Thống đốc NHNN. Sau 39 lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hiện tại DAB có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, trong đó nhóm gia đình Trần Phương Bình chiếm 10,24% cổ phần, PNJ chiếm 7,7%, Công ty Bắc Nam 79 chiếm 12,73%, Văn phòng Thành uỷ TP.HCM chiếm 12,79% cổ phần.