Việc đấu giá băng tần có thể sẽ mang lại từ 6.000 - 8.000 tỷ đồng cho Nhà nước. |
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện đấu giá băng tần 2.6 GHz.
Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thôngkiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các Bộ liên quan xây dựng Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện được cấp phép thông qua đấu giá. Việc triển khai đấu giá băng tần 2.6 GHz sẽ thực hiện theo quy định của Nghị định mới (Nghị định quy định về quản lý, sử dụng băng tần số vô tuyến điện được cấp phép thông qua đấu giá).
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện đấu giá băng tần 2.6 GHz. Đây là băng tần được các nhà mạng dành cho phát triển 4G.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, một trong những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 là trình Chính phủ Nghị định theo trình tự rút gọn về thu tiền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá và chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần thay thế Quyết định số 16/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.
Trong quá trình triển khai đấu giá băng tần 2,6 GHz, phải áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Đấu giá tài sản, Luật Quản lý tài sản công nên việc đấu giá quyền sử dụng tần số cần rà soát lại trình tự, thủ tục cho phù hợp với quy định mới. Thêm vào đó, việc xác định giá khởi điểm với băng tần này cũng gặp nhiều khó khăn do đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện (một loại tài sản vô hình), trong khi Quyết định số 16/2012/QĐ-TTg chỉ quy định về nguyên tắc xác định giá, chưa quy định phương pháp cụ thể xác định giá khởi điểm.
Trước đó, tháng 1/2020,Chính phủ đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác băng tần 2,6 GHz triển khai mạng 4G cho các doanh nghiệp viễn thông trước ngày 20/6.
Một trong những kịch bản tăng trưởng kinh tế được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra cuối năm 2019 là phải tháo gỡ các vướng mắc để có thể đấu giá băng tần 4G và 5G trong quý I/2020 sẽ thu về từ 6.000 đến 8.000 tỷ đồng cho ngân sách, đồng thời kích cầu cho xã hội và tạo ra các dịch vụ mới.