Sau hơn một năm giữ lãi suất tham chiếu ở mức 5,25-5,50%, Fed đã bỏ phiếu thống nhất cắt giảm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp ngày 17-18/9, đưa lãi suất tham chiếu xuống còn 4,75-5%. Mức giảm 50 điểm phần trăm có vẻ đồng thuận với quan điểm ôn hòa hơn căn cứ theo định giá của thị trường, chứng minh cho lập trường ôn hòa hơn của thị trường.
Điều đáng nói là, sau động thái trên của Fed, tỷ giá và lãi suất VND đã phản ứng tích cực. Cụ thể, ngày 25/9, tỷ giá trung tâm giữa VND với USD do Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.134 VND/USD, giảm 12 VND so với hôm 24/9. Giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng đi xuống, Vietcombank giảm 40 VND ở cả chiều mua và bán; Eximbank giảm 80 VND ở chiều mua và 60 VND ở chiều bán…
Nguyên nhân một phần do giá USD thế giới quay đầu sụt giảm, Chỉ số USD-Index ngày 25/9 rớt xuống dưới ngưỡng 100 điểm và chỉ còn 99,95 điểm, giảm 0,65 điểm so với hôm trước đó. Đồng bạc xanh bị nhiều nhà đầu tư bán tháo sau khi Fed chính thức giảm lãi suất.
Theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, giá USD thế giới giảm kéo theo tỷ giá trong nước giảm sau thời gian dài tăng cao. Việc Fed cắt giảm lãi suất USD lần này cũng làm đảo ngược xu hướng các đợt tăng lãi suất tiết kiệm VND trong nửa đầu năm 2024.
Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB cho rằng, Fed có khả năng giảm thêm 0,5% lãi suất trong năm nay. “Chúng tôi duy trì kỳ vọng cắt giảm lãi suất 100 điểm cơ bản vào năm 2025 (cắt giảm 25 điểm cơ bản mỗi quý). Mức lãi suất USD cuối cùng mà chúng tôi dự báo là 3,25% dự kiến đạt được vào đầu năm 2026, trong khi quan điểm dài hạn của Fed là 2,9%”, ông Suan nói.
Theo ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối Ngoại hối, Thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam, HSBC dự báo, Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm phần trăm tại mỗi cuộc họp chính sách từ nay tới cuối năm, cũng như 4 cuộc họp tiếp theo vào năm sau, đưa phạm vi lãi suất tham chiếu xuống còn 3,25 - 3,50% vào tháng 6/2025. Điều này sẽ tác động tích cực lên tỷ giá và lãi suất VND.
Các chuyên gia của Ngân hàng UOB cho rằng, cùng chung diễn biến với các đồng tiền trong khu vực, VND đã ghi nhận mức tăng theo quý lớn nhất kể từ năm 1993, phục hồi 3,2%, đạt mức 24.630 VND/USD. Tuy nhiên, áp lực từ sức mạnh của USD đang giảm dần khi Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng như kỳ vọng, trong khi các yếu tố nội tại cho thấy sự ổn định hơn của VND. Đà tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam được thúc đẩy bởi cả hoạt động sản xuất và thương mại nhiều khả năng sẽ kéo dài sang năm 2025.
UOB kỳ vọng, chính sách tiền tệ ổn định từ Ngân hàng Nhà nước với trọng tâm là thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cũng hỗ trợ cho VND. Tuy nhiên, đà tăng thêm của VND khó có thể diễn ra với tốc độ tương tự quý III/2024. Dự báo, tỷ giá ở mức 24.500 VND/USD trong quý IV/2024, 24.300 VND/USD trong quý I/2025, 24.100 VND/USD trong quý II/2025 và 23.900 VND/USD trong quý III/2025.
“NHNN có thể áp dụng cách tiếp cận theo trọng tâm hơn để hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong khu vực của họ, thay vì triển khai một công cụ hỗ trợ rộng rãi trên toàn quốc như cắt giảm lãi suất. Chúng tôi dự đoán, NHNN sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5%, trong khi tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và các biện pháp hỗ trợ khác”, ông Suan Teck Kin nói.
Theo PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM), việc Fed giảm lãi suất USD vừa qua và dự kiến còn hai lần cuối năm nay sẽ tác động tích cực và giảm áp lực lên tỷ giá. Thực tế, áp lực lên tỷ giá đã giảm đáng kể trong tháng 8/2024 nhờ sự suy yếu của USD khi thị trường gần như đạt được kỳ vọng Fed giảm lãi suất.