Các doanh nghiệp này đã có hành vi gian dối khi làm hồ sơ, chứng từ trong quá trình làm thủ tục tạm nhập tái xuất 26 ô tô tại TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, có dấu hiệu vi phạm Luật Hải quan.
Trước đó, theo kết luận của Tổng cục Hải quan, đối tác giao dịch của các công ty ở Hồng Kông, Trung Quốc trong hoạt động tạm nhập, tái xuất ô tô là không có thật.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp gồm Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và Xuất nhập khẩu Hải Long Thăng, Công ty TNHH Trường Giang Móng Cái, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Đức Thịnh đã gửi thư kêu cứu và cho rằng, kết luận của Tổng cục Hải quan là không khách quan.
Các công ty cũng cho biết, trong lĩnh vực tạm nhập tái xuất hàng hóa sang Trung Quốc, các đơn vị ở Việt Nam đều chỉ làm dịch vụ để hưởng hoa hồng, việc thanh toán tiền hàng đều do các chủ hàng nước ngoài tự thanh toán với nhau. Do đó, nếu lô hàng bị tịch thu chỉ vì các công ty không phải là chủ sở hữu thực sự thì sẽ tạo ra tâm lý hoảng loạn đối với hàng nghìn doanh nghiệp khác cũng đang kinh doanh theo phương thức tạm nhập tái xuất. Các đối tác cũng không dám làm ăn với doanh nghiệp Việt Nam vì lo sợ hàng hóa sẽ bị tịch thu bất cứ lúc nào.
Cũng liên quan đến hoạt động tạm nhập tái xuất ô tô, Phó thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan liên quan đề xuất cơ chế, chính sách thời gian tới, có cho phép tiếp tục tạm nhập, tái xuất hay không đối với một số mặt hàng như ô tô, rượu ngoại, thuốc lá ngoại nhằm chấn chỉnh, tăng cường quản lý hoạt động này, không để các đối tượng lợi dụng việc tạm nhập, tái xuất thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế gây thất thu ngân sách nhà nước; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1/2017.