>> Ngân hàng không thể quá kỳ vọng vào VAMC
Trích lập dự phòng rủi ro không thể xử lý nợ xấu
Nguyên nhân khiến nợ xấu giảm mạnh thời gian qua, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là do các ngân hàng thương mại cổ phần đã đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng quỹ này để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đó là giải thích thiếu thuyết phục.
PGS - TS Tô Ngọc Hưng, Giám đốc Học viện Ngân hàng cho rằng, giải thích trên là chưa hoàn toàn chính xác, bởi trích lập dự phòng của ngân hàng chỉ là một nghiệp vụ của công tác kế toán theo nguyên tắc thận trọng. Chỉ khi ngân hàng dùng dự phòng rủi ro để xóa nợ, thì nợ xấu mới thực sự được xóa khỏi bảng cân đối của ngân hàng.
Đồng tình với ý kiến này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng chỉ ra rằng, trích lập dự phòng chỉ là một cách hạch toán để tạo ra tính an toàn cho ngân hàng.
“Giảm nợ xấu không liên quan đến trích lập dự phòng rủi ro. Nợ xấu chỉ có thể giảm trong hai trường hợp. Một là, doanh nghiệp có đủ tiền để trả nợ cho ngân hàng; hai là, ngân hàng phải thanh lý tài sản đảm bảo của món nợ. Nhưng như chúng ta đã thấy, thời gian qua, rất ít các doanh nghiệp được tái cơ cấu nợ, giãn nợ có thể hồi phục để trả nợ ngân hàng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Theo những phân tích ở trên, nợ xấu giảm thời gian qua chỉ là về mặt số liệu báo cáo, chứ không giảm về bản chất. Nói cách khác, trích lập dự phòng rủi ro là cách đưa nợ xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán, còn khoản nợ thì vẫn chưa được thu hồi.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cũng thừa nhận, nợ xấu giảm thời gian qua không phải do doanh nghiệp tốt lên, mà chủ yếu là do các ngân hàng thực hiện cơ cấu nợ và trích lập dự phòng rủi ro. “Điều này có nghĩa, các con số có thể “đẹp” trên sổ sách, nhưng bản chất nợ xấu thì chưa được giải quyết”, ông Cấn Văn Lực, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bình luận.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho hay, số liệu nợ xấu theo một báo cáo của NHNN vào tháng 9/2012, nếu tính cả những khoản nợ được tái cơ cấu, là 17,21%. Và như vậy, nợ xấu hiện nay có thể lên tới 20% tổng dư nợ, nếu những khoản nợ được tái cơ cấu không thể phục hồi. Điều này có nghĩa, nợ xấu của Việt Nam đã lên tới 540.000 tỷ đồng (27 tỷ USD), tương đương với khoảng 20% trên GDP – một con số rất đáng báo động.
Xử lý tài sản đảm bảo là mấu chốt
Hiện nay, việc xử lý nợ xấu đang được kỳ vọng rất lớn vào việc thành lập VAMC. Tuy nhiên, VAMC chỉ giãn thời gian xử lý nợ xấu, còn trách nhiệm chính về nợ xấu vẫn thuộc về ngân hàng. Như vậy, dù có thành lập VAMC, ngân hàng cũng phải tự thân thu hồi nợ.
PGS - TS Tô Ngọc Hưng cho rằng, giải pháp chính để xử lý nợ xấu hiện nay là, các ngân hàng phải tập trung xử lý tài sản đảm bảo. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, khoảng 80% tổng số nợ xấu có tài sản đảm bảo, trong đó 57% được đảm bảo bằng bất động sản. Sẽ có 3 kịch bản xảy ra.
Kịch bản thứ nhất, nền kinh tế phục hồi nhanh chóng, việc xử lý tài sản đảm bảo trở nên nhanh chóng và hiệu quả, mức độ thu hồi nợ là 70% giá trị tài sản đảm bảo. Kịch bản thứ hai, nền kinh tế phục hồi dần dần, mức độ thu hồi giá trị tài sản đảm bảo đạt mức trung bình hòa vốn khoảng 50%. Kịch bản thứ ba, nền kinh tế chưa thoát khỏi tình trạng suy thoái, việc phát mại tài sản đảm bảo vô cùng khó khăn, mức độ thu hồi giá trị tài sản đảm bảo chỉ khoảng 30%.
Dù ở kịch bản nào, thì việc xử lý tài sản đảm bảo cũng sẽ giúp ngân hàng xử lý được phần lớn số nợ xấu hiện nay. Trong trường hợp thanh lý tài sản đảm bảo mà ngân hàng vẫn chưa xử lý được nợ xấu, thì có thể phải sử dụng đến vốn tự có. Tất nhiên, một khi bị nợ xấu ăn mòn vốn điều lệ, ngân hàng buộc phải tăng vốn để bảo đảm vốn pháp định. Điều này có thể làm gia tăng tình trạng vốn ảo, vốn đang gây nhiều hệ lụy cho hệ thống ngân hàng.
“Xử lý tài sản đảm bảo vẫn là giải pháp chính để giải quyết phần lớn nợ xấu ngân hàng. Vấn đề đặt ra là thủ tục thanh lý tài sản đảm bảo thường phức tạp và kéo dài. Do đó, để xử lý nợ xấu, không chỉ riêng ngân hàng thương mại và NHNN vào cuộc, mà đòi hỏi sự phối hợp rất lớn của Bộ Xây dựng và Bộ Tư pháp. Ngoài ra, cần có sự hỗ trợ từ phía Bộ Tài chính, chính quyền địa phương trong xử lý nợ xấu xây dựng cơ bản, từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương trong giải quyết hàng tồn kho…”, PGS - TS Tô Ngọc Hưng nhấn mạnh.
Hà Tâm