Ngân hàng - Bảo hiểm
Xử lý nợ xấu cần các giải pháp đồng bộ
P.V - 01/04/2022 17:36
Theo các chuyên gia, cùng với việc kéo dài thời hạn xử lý nợ xấu, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần thực hiện những giải pháp đồng bộ khác để có thể bảo đảm an ninh tài chính.

Kéo dài thời hạn xử lý nợ xấu - giải pháp hợp lý

Ngày 25/3/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 45/NQ-CP về việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước.

Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng để trình Quốc hội theo quy định, đảm bảo chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả, kịp thời, đúng trình tự, thủ tục và quy định pháp luật.

Các chuyên gia đánh giá, vấn đề nợ xấu và xử lý nợ xấu cực kỳ quan trọng, nếu không có biện pháp có thể dẫn đến sự nguy hiểm của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng và nền kinh tế nói chung.

Từ khi có Nghị quyết 42, việc xử lý nợ xấu đã đạt kết quả tích cực, trong đó xử lý nợ xấu bằng hình thức khách hàng tự nguyện trả nợ tăng mạnh. Khách hàng chủ động và hợp tác hơn trong việc trả nợ tổ chức tín dụng, hạn chế tình trạng chủ tài sản cố ý chây ỳ, chống đối nhằm kéo dài thời gian xử lý.

Nhưng theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng liên tục từ năm 2020 đến nay, đến cuối năm 2021 đã lên tới khoảng 2%.

Trong khi đó, thời gian hiệu lực của Nghị quyết 42 chỉ có 5 năm, theo đó dự kiến đến tháng 8/2022, nghị quyết sẽ hết hiệu lực. Nghị quyết 42 nếu chấm dứt và không được kéo dài tiếp thì việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ phải thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không được ưu tiên áp dụng một số chính sách được quy định tại Nghị quyết 42.

Do đó, việc tiếp tục duy trì một công cụ pháp luật đủ mạnh để đảm bảo hiệu quả xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong bối cảnh hiện tại là khá cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu đều đang có xu hướng gia tăng.

Vì vậy, trong bối cảnh nợ xấu tiềm ẩn gia tăng do ảnh hưởng từ dịch, nhu cầu cần tiếp tục kéo thời gian thực hiện Nghị quyết 42 là cần thiết, duy trì công cụ hiệu quả cho giới ngân hàng cũng như các tổ chức tín dụng tiếp tục xử lý nợ xấu.

Bán đấu giá khoản nợ - phương án tối ưu

Tuy nhiên, kéo dài việc thí điểm chỉ là một trong những giải pháp và việc xử lý nợ xấu tiếp tục cần thực hiện song hành với các giải pháp đồng bộ khác. Và một trong những giải pháp được đặt ra là việc thị trường hóa các khoản nợ xấu theo đúng quy định của pháp luật.

Đấu giá được xem là một trong các phương thức xử lý tài sản thế chấp tối ưu mà các ngân hàng lựa chọn khi xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ.

Thời gian qua, OceanBank xác định xử lý, thu hồi nợ xấu, nợ ngoại bảng là hoạt động trọng tâm, xuyên suốt, trách nhiệm từ mọi cấp trong chỉ đạo, thực hiện, bám sát tình hình thực tế. Song song với các biện pháp phân loại khách hàng, OceanBank cũng tích cực áp dụng biện pháp bán nợ, đặc biệt là các khoản nợ lớn, phức tạp.

Theo OceanBank, việc cho vay và nhận thế chấp tài sản là phương thức được coi là tương đối an toàn, một loại hình giao dịch được sử dụng rộng rãi. Và đấu giá được xem là một trong các phương thức xử lý tài sản thế chấp tối ưu mà các ngân hàng lựa chọn khi xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ. Với phương thức này, OceanBank đã tổ chức thành công nhiều phiên đấu giá và thu hồi được rất nhiều khoản nợ xấu.

Đây cũng là cách làm mà nhiều ngân hàng đang áp dụng. Những ngày gần đây, nhiều ngân hàng như VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank… liên tiếp rao bán các tài sản đảm bảo, phát mại đất và tài sản gắn liền có trị giá hàng nghìn tỷ đồng nhằm thu hồi nợ. OceanBank cũng phát đi thông báo đấu giá tài sản là khoản nợ của các công ty như Công ty cổ phần đầu tư và phát triển nhà Trường Linh, Công ty Cổ phần Đầu tư Nông nghiệp Công nghệ Cao Hà Nội, Công ty CP đầu tư và xây lắp dầu khí Sài Gòn….

Theo các chuyên gia, phương thức này giúp nhiều đơn vị yếu kém tìm được lối thoát và cũng là tạo cơ hội cho doanh nghiệp có thế mạnh về tài chính và quản trị. Đây là một hình thức tối ưu góp phần bảo đảm an ninh tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Tin liên quan
Tin khác