Thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm |
Theo đó, Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Kỳ Phong (địa chỉ: Tầng 7, Đoàn Hải Plaza, 756-758 Trường Chinh, Phường 15, Quận Tân Bình, TP.HCM) đã quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng Red Krill oil+Glucosamine có nội dung quảng cáo không đúng với nội dung đã đăng ký, được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Công ty TNHH Nhóm Thiên Minh (địa chỉ: 181A Điện Biên Phủ, Phường Đa Kao, Quận 1, TP.HCM) quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng Smart kidta khi chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.
Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xuất nhập khẩu Việt Nam JSC (địa chỉ: Tầng 2, số 2 ngõ 4 đường Kim Đồng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội) quảng cáo 2 sản phẩm thực phẩm chức năng Dược lực Maca và Entive Dược Viramax có nội dung quảng cáo không đúng với nội dung đã đăng ký, được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Dược phẩm Tâm Bình (địa chỉ: 349 Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội) đã quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng Viên Khớp Tâm Bình có nội dung gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Y tế và Hóa chất VQTECH (địa chỉ: Thôn Đông Sen, Phường Thụy Phương, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lưu hành sản phẩm thực phẩm chức năng Royal Jelly Evening Primrose Oil 2600 có nội dung ghi nhãn không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn thực phẩm.
Cùng với xử phạt bằng hình thức phạt tiền, các cơ sở vi phạm về quảng cáo buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: Cải chính thông tin và tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm.
Đối với vi phạm về nhãn sản phẩm, cơ sở phải thu hồi sản phẩm thực phẩm vi phạm về nhãn đang lưu thông trên thị trường và tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm.
Chí Tín