Điểm nóng
Xử phạt nặng hành vi cố tình vượt đèn đỏ
T.H - 25/11/2020 20:32
Thời gian qua, tại các điểm giao cắt có tín hiệu đèn giao thông, vẫn còn tình trạng người tham gia giao thông cố tình vượt đèn đỏ. Đây là tình trạng cần phải được ngăn chặn kịp thời.
Tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn

Gần đây nhất, chiều ngày 21/11, tại khu vực ngã tư Cổng Ô (TP. Bắc Ninh) xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa một xe ô tô tải và một người phụ nữ đi xe đạp điện. Theo nhận định của những người có mặt, 1 trong 2 chiếc xe trên đã vượt đèn đỏ vì đi từ 2 tuyến đường khác nhau đến khu vực ngã tư này. Hậu quả, người phụ nữ đi xe đạp tử vong tại chỗ.

Trước đó, sáng ngày 8/11, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 2 người tử vong và 1 người bị thương nặng xảy ra trên đường Huỳnh Văn Lũy giao nhau với đường Nguyễn Văn Linh thuộc phường Hòa Phú (TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).

Vào thời điểm trên Trần Hùng Mạnh (16 tuổi, quê Đồng Tháp) điều khiển xe máy không biển số lưu thông trên đường Huỳnh Văn Lũy, hướng từ Thủ Dầu Một đi thị xã Tân Uyên. Khi đến ngã tư giao nhau với đường Nguyễn Văn Linh thì xảy ra va chạm với xe máy do anh Danh Na (37 tuổi) điều khiển chở theo chị Thị Thùy Nhiên (41 tuổi). Va chạm mạnh khiến chị Thị Thùy Nhiên tử vong tại hiện trường. Danh Na và Trần Hùng Mạnh bị thương nặng được người dân đưa đi cấp cứu ngay sau đó. Tuy nhiên do vết thương quá nặng, Trần Hùng Mạnh đã tử vong.

Tháng 5/2020, tại ngã tư cây xăng 68 (phường Tân Đông Hiệp, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương), một tài xế có dấu hiệu say xỉn điều khiển ô tô vượt đèn đỏ đã gây ra tai nạn liên hoàn khiến tài xế phải nhập viện cấp cứu. Cụ thể, vào lúc 22h45 phút, xe container chạy tới địa điểm trên thì va chạm với ô tô 4 chỗ đang băng qua đường. 

Theo ông Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, hành vi vượt đèn đỏ đã diễn ra từ lâu trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và đã không ít lần đã gây ra những vụ tai nạn thương tâm cho người tham gia giao thông như những vụ việc kể trên. Tuy đây là vấn đề không mới nhưng vẫn chưa thể giải quyết tận gốc do số lượng vi phạm quá nhiều, lực lượng cảnh sát giao thông lại khá mỏng nên không thể bao quát hết những điểm giao cắt có đèn tín hiệu giao thông.

“Đã có rất nhiệu vụ tai nạn thương tâm xảy ra do lỗi vượt đèn đỏ, chỉ vì muốn nhanh vài giây mà có khi chậm cả đời. Vượt đèn đỏ có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu xuất phát từ ý thức kém của người tham gia giao thông. Họ thừa biết hành vi đó là sai, nhưng vẫn cố tình vi phạm chỉ vì tiếc vài giây, vì thấy người khác cũng vượt, và hơn hết là vì không có cảnh sát giao thông ở đó nên vượt. Đó là lối suy nghĩ vô cùng lệch lạc của bộ phận người vi phạm”, ông Minh nhấn mạnh. 

Cần tăng cường xử lý vi phạm

Theo các chuyên gia về giao thông, việc vượt đèn đỏ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ tai nạn giao thông trong thời gian qua, vì vậy, cần phải dùng mọi biện pháp giáo dục cho người dân, nhất là thế hệ trẻ để xây dựng một nền tảng ý thức tham gia giao thông an toàn. Đã đến lúc phải thực hiện kiên quyết theo phương châm “luật lệ tạo dựng ý thức” thì mới giải quyết được tận gốc thực trạng vượt đèn đỏ nhức nhối này. Đáng chú ý, chế tài xử phạt cũng cần được điều chỉnh, theo hướng tăng nặng mức xử phạt và lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường xử lý vi phạm này.

Luật sư Phạm Văn Phất, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo quy định tại Nghị dịnh 171/2013/NĐ – CP, mức cao nhất xử lý hành vi vượt đèn đỏ là 400.000 đồng đối với xe máy, còn với ô tô chỉ 1.200.000 đồng. Với mức xử phạt trên còn ở mức thấp, thiếu tính răn đe. Vì vậy, theo quy định hiện hành tại Nghị định 100/2020/NĐ-CP, kể từ 1/1/2020 đã tăng nặng mức xử phạt các hành vi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng là hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông với mức phạt là như nhau.

Cụ thể, đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện): Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng (điểm e, khoản 4 và diểm b, khoản 10, Điều 6). Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng; từ 02 đến 04 tháng nếu gây tai nạn giao thông (điểm a, khoản 5, điểm b, c, khoản 11, Điều 5). Đối máy kéo, xe máy chuyên dùng: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 1 tháng đến 3 tháng; từ 2 đến 4 tháng nếu gây tai nạn (điểm đ, khoản 5; điểm a, b, khoản 10, Điều 7).

“Hành vi vượt đèn đỏ rất nguy hiểm, dễ gây ra các vụ tai nạn giao thông. Do đó, để giảm thiểu tai nạn, người tham gia giao thông cần nghiêm chỉnh chấp hành tín hiệu đèn và các quy tắc về an toàn giao thông, góp phần xây dựng văn minh đô thị”, luật sư Phạm Văn Phất nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác