Thời gian gần đây, hàng loạt khách hàng vay ô tô mua xe lo lắng vì bị cảnh sát giao thông xử phạt ô tô không có giấy tờ đăng ký xe bản chính mà chỉ có bản sao, do giấy tờ gốc đang thế chấp tại ngân hàng để vay vốn mua xe trả góp. Theo số liệu của Cục đăng ký giao dịch bảo đảm quốc gia (Bộ Tư pháp), hiện tại cả nước có gần 1,3 triệu phương tiện giao thông đang thế chấp giấy tờ tại các ngân hàng và những chủ phương tiện này có nguy cơ bị công an xử phạt vì lưu thông không có đăng ký xe bản chính.
Chuyên gia Cấn Văn Lực: Ngân hàng - công an nên bắt tay gỡ vướng
Để gỡ vướng về vấn đề trên, tôi đề nghị giải pháp sau: Ngân hàng, tức bên cho vay nhận ô tô làm tài sản thế chấp được xem xét để tiếp tục được giữ hồ sơ gốc.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế |
Vậy công an xử phạt như thế nào? Công an có thể dựa vào bản sao có công chứng của lái xe. Tất nhiên, sẽ có người băn khoăn là bản sao đó có thực sự là thật không.
Băn khoăn này có thể khắc phục bằng cách chủ sở hữu xe - bên đi vay- xin xác nhận của ngân hàng. Ngân hàng sẽ xác nhận ô tô kèm hồ sơ gốc đang được giữ tại ngân hàng.
Nếu công an đồng ý được cách giải quyết này sẽ gỡ vướng cho người vay mua xe trả góp.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế: Xử phạt giao thông không cần quan tâm đến vấn đề sở hữu
Theo tôi, giám sát, xử phạt giao thông chỉ nên quan tâm đến việc người lái xe có giấy phép lái xe hay không, có đi đúng luật không, xe có được đăng kiểm không, tức là có đủ yếu tố an toàn để tham gia giao thông hay không.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế |
Còn giấy đăng ký xe - chứng minh sở hữu xe- chỉ là thứ giấy tờ phụ nhất. Cảnh sát giao thông đòi hỏi chứng minh ai sở hữu xe là phi lý. Giống như tôi vay mua nhà, nhưng ngân hàng giữ sổ đỏ, vậy bắt tôi phải ra khỏi nhà là vô lý. Như tôi đã nói, việc của giám sát giao thông là đảm bảo xe lưu hành an toàn, còn của ai, chủ nào k quan trọng.
Luật sư Trương Thanh Đức:Tín dụng ô tô có nguy cơ rơi vào khủng hoảng
Theo quy định trước đây (Nghị định 163/2006 của Chính phủ), ngân hàng được phép giữ giấy tờ gốc khi cho vay mua ô tô trả góp. Tuy nhiên, theo quy định mới (Nghị định 11/2012), từ năm 2012 đến nay, ngân hàng không còn được phép giữ giấy tờ gốc, để phù hợp với Luật giao thông đường bộ năm 2008. Tuy nhiên, từ đó đến nay, ngân hàng vẫn làm theo cách cũ, mãi gần đây khi cảnh sát giao thông tiến hành xử phạt thì dư luận mới rộ lên.
Việc cảnh sát xử phạt người vay mua ô tô không có giấy tờ gốc không phải lỗi của bên công an hay của NHNN, Chính phủ, bởi đây là điều đã được quy định cách đây tận 5 năm.
Luật sư Trương Thanh Đức |
Để tín dụng vay trả góp xe ô tô, tín dụng sản xuất kinh doanh thế chấp bằng ô tô và 1,3 triệu chủ xe không rơi vào khủng hoảng, không còn cách nào khác là phải sửa luật.
Cá nhân tôi ủng hộ ngân hàng giữ giấy tờ gốc. Là luật sư, tôi đã từng giải quyết một trường hợp khách hàng thế chấp xe ô tô ở VIB nhưng ôồi mang đi bán vì thua bạc, khiến ngân hàng mất trắng. Cách đây mấy năm, một ngân hàng khác từng đăng báo trao thưởng 50 triệu nếu ai phát hiện ra tung tích một chiếc ô tô mà ngân hàng nhận thế chấp nhưng đã bị khách hàng tẩu tán.
Cách đây mấy ngày, một ngân hàng ở Quảng Bình vừa phản ánh với tôi đã nhận cho vay thế chấp xe ô tô, giữ cả giấy tờ gốc nhưng khách hàng vẫn mang ô tô đi cầm cố. Quá hạn, ngân hàng không thu được xe, báo công an nhưng quá một tháng vẫn không nhận được câu trả lời. Trong khi đó, nếu kiện ra tòa mất vài năm có khi vẫn không giải quyết được, mà nếu giải quyết được thì khi đó có khi chiếc xe cũng đã trở thành cũ nát.
Với những bất cập này và với lượng khách vay mua ô tô trả góp lớn, việc tiếp tục xử phạt xe không có giấy tờ gốc sẽ gây ảnh hưởng lớn đến ngân hàng và người dân. Do đó, tôi đề nghị nên tạm dừng xử phạt trong khi tìm hướng giải quyết.Cách giải quyết căn cơ nhất là sửa từ luật.
Còn nếu giữ nguyên quy định như hiện nay, chắc chắn ngân hàng sẽ dừng cho vay thế chấp xe hoặc sẽ phải lách luật bằng cho vay cầm cố. Khi đó, ngân hàng và doanh nghiệp có thể sẽ "lách" bằng hợp đòng gửi giữ tài sản mà người vay sẽ có đơn "tha thiết" để nghị ngân hàng giữ hộ giấy tờ gốc.