Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đã cho biết như vậy khi nhìn nhận về tương lai năm 2017 của ngành dệt may, đồng thời cho biết, 9 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho hay, dệt may xuất khẩu đạt mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây |
“Tháng 9/2016, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đã giảm 7% so với tháng 8, đạt 2,69 tỷ USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2016 lên 21,1 tỷ USD, chỉ tăng 6% so với cùng kỳ 2015, hoàn thành 68% so với kế hoạch.
Đáng quan ngại, trong sự tăng trưởng chậm về xuất khẩu so với các năm gần đây, tín hiệu về xuất khẩu sang các nước thành viên TPP và EU, vốn là 2 khu vực thị trường rất quan trọng của dệt may đều tăng trưởng thấp, thậm chí giảm”, ông Giang dẫn chứng..
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sang TPP 8 tháng đầu năm đạt 10,2 tỷ USD, tăng chưa đầy 4% so với cùng kỳ 2015, chiếm tỷ trọng 36,4% trên tổng xuất khẩu dệt may cả nước, trong đó Nhật Bản đang hồi phục tốt với mức tăng trưởng 22,6% trong tháng 8, đưa kim ngạch 8 tháng đầu năm lên 1,88 tỷ USD, tăng 6,21% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 6,21%, Xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 7,64 tỷ USD, tăng 4,48%, xuất khẩu sang Hàn Quốc 1,39 tỷ USD, tăng 15,2% so cùng kỳ 2015…
Với thực tế nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may toàn cầu như hiện nay, Vitas dự báo, xuất khẩu hàng dệt may chỉ có thể đạt khoảng 28 đến 29 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2015. Tuy nhiên, để đạt được 28-29 tỷ USD, 3 tháng cuối năm, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam phải đạt ít nhất 2,5 tỷ USD/tháng, với mức tăng 8 - 10% so với trung bình quý 4/2015.
Các doanh nghiệp đang nỗ lực hoàn thành các đơn hàng mùa cuối năm và xây dựng kế hoạch xuất khẩu trong năm 2017, trong tâm thế đơn hàng xuất khẩu ngày càng bị cạnh tranh dữ dội với các nước xuất khẩu trong khu vực.