Doanh nghiệp
Xuất khẩu da giày tăng mạnh đơn hàng
Thanh Vũ - 06/07/2014 08:02
Nhiều dấu hiệu cho thấy, doanh nghiệp ngành da giày Việt Nam được hưởng lợi từ những hiệp định thương mại tự do chuẩn bị ký kết. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này, doanh nghiệp cần xác định rõ thế mạnh của mình về thị trường, cũng như sản phẩm cùng hàng loạt điều kiện đi kèm.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Dệt may, da giày: Bấm nút nhiều dự án lớn
Doanh nghiệp FDI hưởng lợi nhất từ TPP
Ba điểm yếu cần khắc phục khi tham gia TPP

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Giày Vinh Thông (nhà máy đặt tại Khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM) cho biết, đến thời điểm hiện tại, Công ty đã có đơn hàng đến hết tháng 10/2014 và hiện đang phải “chạy nước rút” sản xuất cho kịp đơn hàng. “Năm nay, Công ty đặt kế hoạch sản xuất 3 triệu đôi giày, dép các loại, xuất khẩu chủ yếu đi châu Âu. Hiện Công ty đã sản xuất đạt 90% kế hoạch”, ông Tuấn nói.

   
  Nhiều dấu hiệu cho thấy, doanh nghiệp ngành da giày Việt Nam được hưởng lợi từ những hiệp định thương mại tự do chuẩn bị ký kết   

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty Giày Liên Phát tại Bình Dương cho biết, Công ty đã có đơn hàng đến cuối năm nay. Trong đó, riêng đơn hàng cho mùa đông (tháng 4 đến tháng 8) đạt 800.000 đôi.

Theo bà Trương Thị Thúy Liên, sở dĩ thời điểm hiện nay đơn hàng tăng mạnh so với cùng kỳ các năm trước là do tác động tích cực từ những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam chuẩn bị ký kết, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan (Nga, Kazakhstan, Belarus).

“Ngành giày dép Việt Nam sắp tới sẽ được hưởng nhiều ưu đãi hơn các quốc gia lân cận. Do đó, đang có sự chuyển hướng đơn hàng từ các khách hàng lớn, chủ yếu là từ Trung Quốc”, bà Liên nói.

Trên thực tế, khách hàng từ các nước châu Âu, Nhật Bản, Mỹ đang chuyển hướng đơn hàng sang Việt Nam, tìm những nhà máy có thể đáp ứng được đơn hàng của họ. Mục đích là để khi các hiệp định thương mại kể trên được ký chính thức, thì họ có thể bổ sung đơn hàng, tăng số lượng một cách nhanh chóng.

Nói như ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) tại Hội thảo về Triển vọng kinh doanh ngành da giày - dệt may 2014 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức tại TP.HCM, hiện các doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc… đang tích cực đổ vốn vào Việt Nam để đầu tư lĩnh vực nguyên phụ liệu, nên nếu doanh nghiệp không chủ động, thì sẽ vuột mất cơ hội.

Ông Phan Chí Dũng cho biết, khi Việt Nam đã là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), mọi chính sách hỗ trợ cho xuất khẩu đều có thể bị “đèn đỏ”, bằng chứng là ngành dệt may liên tiếp bị Mỹ đưa vào diện giám sát.

“Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực đào tạo nhân lực, công tác nghiên cứu sản phẩm, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và hỗ trợ giải quyết vấn đề môi trường ở các khu công nghiệp”, ông Dũng khuyến cáo.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam cho biết, để tận dụng tốt cơ hội, doanh nghiệp xuất khẩu phải nắm rõ đặc tính từng thị trường. Chẳng hạn, xuất sang Mỹ, phải chú trọng về số lượng, năng lực sản xuất phải trên 150 triệu đôi/năm. Với thị trường châu Âu, cần chú ý sự khác biệt trong mẫu mã thiết kế giữa các khu vực Bắc Âu và Nam Âu, Tây Âu và Đông Âu. Đặc điểm của thị trường Nhật Bản là không mua hàng số lượng lớn, nhưng yêu cầu về chất lượng sản phẩm rất cao.

Tin liên quan
Tin khác