Tại Hội nghị tổng kết xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2016, tìm giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu 6 tháng cuối năm, đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đã thừa nhận thực tế sụt giảm xuất khẩu nêu trên.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó chủ tịch Vitas cho hay, so với mục tiêu xuất khẩu 30-31 tỷ USD đề ra từ đầu năm, thì ngành dệt may mới hoàn thành được 41% .
Doanh nghiệp dệt may trong nước đang gặp nhiều khó khăn về tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu mới. |
Trong tháng 6, xuất khẩu đạt 2,43 tỷ USD, tăng 14,4% so với tháng 5 nhưng chỉ tăng 0,26% so với cùng kỳ, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 12,6 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ, hoàn thành 41% kế hoạch xuất khẩu cả năm. Trong đó, xuất khẩu dệt may đạt 10,7 tỷ USD, còn lại là xơ sợi, vải, nguyên phụ liệu.
“Như vậy, xuất khẩu hàng dệt may trong 6 tháng qua đã không đạt tăng trưởng như kỳ vọng, chủ yếu là do các yếu tố khách quan như giá cả hàng hóa trên thế giới giảm, cùng với sự chững lại về nhu cầu tiêu dùng ở nhiều thị trường lớn”, theo Vitas.
Đáng quan ngại hơn, sự tăng trưởng xuất khẩu của ngành 6 tháng qua chủ yếu là do các doanh nghiệp FDI đóng góp, trong khi doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn và “đuối” trong tìm kiếm đơn hàng mới, điển hình với nhóm hàng sơ mi, jacket.
Nghiêm trọng hơn là đã có những doanh nghiệp nội đã phải đóng cửa do mất khả năng cạnh tranh và điều kiện xuất khẩu quá khó.
Với bức tranh xuất khẩu nhiều gam màu xám và dự kiến nhu cầu thị trường tiêu dùng thế giới, Vitas dự báo, xuất khẩu ngành cả năm 2016 chỉ đạt 29 tỷ USD.