XUất khẩu đồ gỗ cả năm 2020 dự kiến đạt 12,6 tỷ USD, khai thác hiệu quả các FTA. |
Với kim ngạch xuất khẩu đạt 10,9 tỷ USD, tăng 14,1% sau 11 tháng, gỗ và sản phẩm gỗ là ngành hàng xuất khẩu khai thác tốt các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực như CPTPP, KVFTA, EVFTA. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 diễn ra sáng 1/12/2020.
Số liệu của Bộ NN&PTNT, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu lâm sản ước đạt trên 12,6 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2019, tiếp tục đứng trong 10 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, chiếm hơn 30% tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp.
Giá trị lâm sản xuất siêu đạt trên 10 tỷ USD cao nhất từ trước đến nay. Sản phẩm gỗ và lâm sản Việt Nam tiếp tục có mặt và giữ vững uy tín và mở rộng đến 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là 5 thị trường lớn, thị trường truyền thống: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Trung Quốc.
Ước giá trị xuất khẩu vào 5 thị trường này đạt trên 11 tỷ USD, chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu, riêng Hoa Kỳ đạt trên 6 tỷ USD, tăng trên 30% so với cùng kỳ 2019.
Thứ trưởng Bộ Công Thương, Cao Quốc Hưng khẳng định, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng ngành chế biến và xuất khẩu gỗ vẫn đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ, là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của nước ta trong năm 2020.
"Tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành gỗ Việt Nam trong thời gian qua có sự đóng góp rất lớn từ sự thông thoáng của hệ thống pháp luật trong nước cùng với các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới được Việt Nam ký kết như: CPTPP, EVFTA. Các FTA thế hệ mới có mức độ cam kết cao, toàn diện sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới, giúp doanh nghiệp gỗ Việt tiệm cận vị trí “mắt xích” quan trọng trong các chuỗi giá trị sản phẩm gỗ hiện có với khách hàng toàn cầu", Thứ trưởng Hưng nhận định.
Các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới hướng tới việc tạo ra một môi trường kinh doanh cởi mở, thuận lợi, minh bạch cho hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ, đầu tư sản xuất sản phẩm gỗ. Về thuế suất, các nước ký Hiệp định thường đưa ưu đãi mức thuế nhập khẩu về 0% ngay hoặc trong 4-6 năm cho ngành gỗ Việt Nam; giúp nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm gỗ Việt Nam với sản phẩm từ các nước xuất khẩu gỗ khác.
Trong thời gian tới. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phổ biến lợi ích mà các FTA mang lại để hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác tối ưu thị trường.
Nhận định về cơ hội của ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản trong giai đoạn mới, Bộ NN&PTNT cho biết, thị trường thương mại đồ nội thất của thế giới là rất lớn, khoảng 450 tỷ USD giá trị thương mại/năm; trong đó khoảng 150 tỷ USD giá trị thương mại của đồ nội thất bằng gỗ. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng trên 6% thị phần toàn cầu nên dư địa xuất khẩu đồ gỗ của DN Việt Nam còn rất lớn.