Tại Hội nghị Đánh giá tình hình xuất khẩu gạo quý I/2023 định hướng điều hành kinh doanh gạo trong thời gian tới do Bộ Công thương tổ chức tại TP.HCM sáng 26/4, Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, tính đến ngày 15/4, Việt Nam đã xuất khẩu được 2,371 triệu tấn gạo, trị giá 1,251 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2022, tăng 33,7% về số lượng và tăng 44,55% về trị giá.
Và đà tăng trưởng này được dự đoán sẽ tiếp tục trong thời gian tới do những tháng cuối năm, giá lương thực sẽ tiếp tục có những biến động do tình hình biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang… khiến các nước tăng cường dự trữ lương thực.
Trong khi đó, nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới khác như Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế, giá gạo Thái Lan tăng do đồng Baht tăng giá trở lại. Việt Nam lại đang có lợi thế nguồn cung có sớm từ vụ Đông Xuân, sản lượng, chất lượng lúa gạo ổn định nên dự báo trong ngắn hạn, giá gạo Việt Nam vẫn ở mức tốt.
Ông Nam nhận định, với thế cục này đầu ra cho gạo của Việt Nam đang rất thuận lợi, vấn đề mà các doanh nghiệp cần giải quyết hiện nay là sản xuất và liên kết sản xuất sao cho có các loại gạo phù hợp với nhu cầu thị trường.
Hội nghị Đánh giá tình hình xuất khẩu gạo quý I/2023 định hướng điều hành kinh doanh gạo trong thời gian tới. |
Tương tự, ông Trần Quốc Toản, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, mặc dù tình hình kinh tế thế giới biến động, phức tạp nhưng gạo Việt Nam xuất khẩu quý I/2023 thắng lợi lớn.
Giá gạo xuất khẩu của ta tiếp tục giữ đà tăng trưởng, nhiều thời điểm giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan, Ấn Độ. Điều đó cho thấy tiềm năng mở rộng thị trường, gia tăng thị phần gạo chất lượng cao của Việt Nam.
Trong khi đó, đứng từ góc độ doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Khỏe, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Đại Dương Xanh (Lotus Rice), nhận định rằng, khó khăn của xuất khẩu gạo hiện nay là không đủ gạo chất lượng theo tiêu chuẩn thị trường châu Âu (EU), Mỹ để xuất khẩu theo nhu cầu khách hàng.
Theo ông Khỏe, hiện công ty ông đang xuất khẩu vài ngàn tấn gạo/năm sang thị trường EU nhưng chưa là gì so với nhu cầu của thị trường này. Vì vậy, việc các doanh nghiệp ngành gạo cần làm hiện nay là mở rộng vùng nguyên liệu để sản xuất đủ số lượng, chất lượng nhằm cung cấp cho khách hàng.
"Trước khách hàng mua gạo Việt Nam vì giá rẻ, nay họ mua gạo của chúng ta vì chất lượng", ông Khỏe nhấn mạnh.