Thương hiệu gạo “Cơm ViệtNam Rice” của Tập đoàn Lộc Trời được xuất khẩu nhiều sang EU. |
Xuất khẩu gạo sang các thị trường châu Á trong những năm qua tăng trưởng mạnh, nhưng ngay cả với các thị trường khó tính và tiêu chuẩn cao như EU, gạo Việt tiếp tục mở rộng được thị phần và tăng được sản lượng xuất khẩu.
Theo số liệu thống kê của cơ quan Hải quan, trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 7,1 triệu tấn với trị giá 3,46 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 5,1% về kim ngạch so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân đạt 486,2 USD/tấn, giảm 7,7% so với mức bình quân năm 2021.
Châu Á tiếp tục là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất trong năm 2022, đạt 4,96 triệu tấn, chiếm gần 71% trong tổng lượng xuất khẩu, tăng 15,5% so với năm 2021.
Châu Phi là thị trường khu vực xuất khẩu lớn thứ hai, đạt gần 1,25 triệu tấn, chiếm 17,8% tổng lượng xuất khẩu, tăng nhẹ 0,2% so với năm 2021.
Tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ khoảng 2,45% trong tổng lượng xuất khẩu nhưng khu vực thị trường châu Âu đã có tăng trưởng mạnh mẽ lên tới 90,7% so với năm 2021, đạt 172.200 tấn.
Bộ Công thương nhận định, xuất sang EU về lượng tuy không lớn so với các thị trường khu vực khác nhưng giá trị gia tăng lại cao do 27 nước EU là thị trường tiêu thụ các sản phẩm gạo thơm chất lượng cao của Việt Nam.
Các doanh nghiệp cũng tận dụng tối đa lượng gạo xuất khẩu theo hạn ngạch thuế quan để hưởng thuế 0% mà EU dành cho Việt Nam. Cụ thể, năm qua xuất khẩu gạo sang thị trường EU tăng mạnh, đạt 94.510 tấn gạo và vượt hạn ngạch 80.000 tấn gạo hàng năm mà EU dành cho Việt Nam theo cam kết từ Hiệp định EVFTA.
Điều này cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam ngày càng gia tăng và đáp ứng được yêu cầu khắt khe từ các thị trường khó tính đồng thời cho thấy các thương nhân tận dụng tốt ưu đãi của Hiệp định.
Với đa phần là các loại gạo có giá trị gia tăng cao, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường EU trong năm 2022 đạt bình quân 688 USD/tấn, cao hơn 41,4% so với mức giá xuất khẩu chung là 486 USD/tấn của cả nước.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam vào thị trường EU trong năm qua có thể kể đến như Công ty TNHH XNK Đại Dương Xanh, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP Thương mại Dịch vụ Gạo Thịnh, Công ty CP Chế biến Và Xuất khẩu lương thực Đồng Xanh, Công ty TNHH Thành Phát...
Ngành sản xuất lúa gạo trong nước vẫn đang điều chỉnh theo hướng giảm sản lượng, tăng chất lượng, với các chủng loại gạo cao cấp, gạo thơm, tập trung vào các yêu cầu cao của thị trường thế giới, như sản xuất xanh, giảm phát thải, giảm thuốc trừ sâu, tăng sử dụng phân bón hữu cơ…
Điều này lý giải một phần vì sao giá gạo Việt Nam luôn ở mức cao trong thời gian gần đây. Đặc biệt, giá một số loại gạo có thương hiệu nổi tiếng như ST24, ST25 đã tăng đột biến, lên trên 1.200 USD/tấn.
4 tháng đầu năm 2023, trong khi xuất khẩu hầu hết các nhóm hàng nông sản chính yếu xuất khẩu đều giảm mạnh gạo lại tăng tốc. Tính chung cả 4 tháng đầu năm 2023 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt gần 2,9 triệu tấn, tương đương gần1,53 tỷ USD, tăng 40,7% về khối lượng, tăng 51,6% về kim ngạch so với 4 tháng đầu năm 2022, giá trung bình đạt 527 USD/tấn, tăng 7,8%.
Trong đó, xuất sang một số thị trường thuộc EU tăng mạnh, như Hà Lan tăng 44%, Ba Lan tăng 68%, Tây Ban Nha tăng 89%, Bỉ tăng 149%...
Với nhu cầu ổn định, đặc biệt đối với các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao, EU sẽ tiếp tục là thị trường nhiều tiềm năng với doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.