Xuất khẩu mật ong lo ngại bị Mỹ áp thuế chống bán phá. |
Sáng nay (2/11) tại Báo Nông thôn Ngày nay/ Điện tử Dân Việt diễn ra buổi Tọa đàm: “Ngành mật ong ứng phó với việc Mỹ điều tra chống bán phá giá”.
Tháng 5/2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) quyết định điều tra chống bán phá giá với sản phẩm mật ong từ Brazil, Ấn Độ, Ucraina, Argentina và Việt Nam. Quyết định này được DOC đưa ra sau 20 ngày thụ lý đơn phản ánh từ Hiệp hội các nhà sản xuất mật ong Mỹ và Hiệp hội Mật ong Sioux.
Theo đó, biên độ bán phá giá do DOC ước tính áp với các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm mật ong của Việt Nam là 47,56-138,23%. Thời gian điều tra là 12 tháng, có thể gia hạn thêm 6 tháng theo quy định của Mỹ.
Số liệu của hải quan Mỹ cho biết, kim ngạch xuất khẩu mật ong của Việt Nam vào thị trường Mỹ đạt khoảng 50.700 tấn năm 2020, chiếm khoảng 25,8% tổng lượng nhập khẩu mật ong của quốc gia này.
Hiện tại, hơn 95% sản lượng mật ong của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ. Nếu Mỹ áp thuế chống bán phá giá, mật ong Việt Nam sẽ rất khó khăn về đầu ra, kéo theo đó là sinh kế của 35.000 người nuôi ong Việt Nam bị thiệt hại nặng nề.
Ông Lê Thanh Vân, Chủ tịch Hội Xuất khẩu mật ong Việt Nam thông tin, năm 2020, Việt Nam xuất khẩu gần 50.000 tấn mật ong sang Mỹ, chiếm tới 95% tổng lượng xuất khẩu, cho thấy vị trí quan trọng của thị trường này với mặt ong xuất khẩu của Việt Nam. Việc Mỹ điều tra mật ong từ các nước trong đó có Việt Nam đã tác động đến thị trường sản xuất trong nước.
"Giá mật ong đã xuống và rất nhiều người nuôi ong lo lắng. Hầu hết những doanh nhỏ rất nhỏ và vừa, người nuôi ong rất vốn nhỏ, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân và doanh nghiệp rất khó khăn", ông Vân cho hay.
Theo Chuyên gia Nông nghiệp, Hoàng Trọng Thủy, hiện phía Mỹ vẫn đang tiến hành điều tra mật ong nhập từ Việt Nam và các nước. Từ kết quả điều tra, nếu chứng minh mật ong Việt Nam bán phá giá, chắc chắn Mỹ sẽ sử dụng một số biện pháp như trong phòng vệ thương mại với mật ong của nước ta.
Cần nói thêm, xuất khẩu hàng hóa nông sản của Việt Nam mặc dù đứng top đầu, xếp thứ 15 trên thế giới, nhưng chỉ 1% nằm trong vụ kiện. Dù con số này là ít nhưng nằm trong tầm tầm ngắm của Mỹ, châu Âu cũng rất lớn.
Hiện tại, theo thống kê, nước ta phải đối mặt trên 270 vụ kiện tụng, ảnh hưởng đến nền kinh tế xuất khẩu khoảng 12 tỷ USD, và mật ong nằm trong chuỗi 1% rất ít này. Như vậy mặt hàng nông sản của Việt Nam, kể cả trồng trọt, chăn nuôi, đặc biệt là các sản phẩm trong chăn nuôi đặc biệt gặp nhiều khó khăn.
Bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương)
Việt Nam đã và đang phải đối diện với rất nhiều vụ việc phòng vệ thương mại từ các thị trường lớn. Do đó, Chuyên gia Nông nghiệp, Hoàng Trọng Thủy cho rằng, cần phối hợp tốt để cung cấp dữ liệu theo phía Mỹ yêu cầu. Trong vụ việc này, Hiệp Hội nuôi ong của cần chuẩn bị kỹ các câu trả lời cho phía Hoa Kỳ về chất lượng mật ong, về việc có hay không hàng hóa lẩn tránh thuế nhập khẩu.
Theo Hội Xuất khẩu mật ong Việt Nam, trước vụ việc Mỹ điều tra mật ong Việt Nam, về phía Hiệp hội đã hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong vụ việc này.
Ông Vân cho hay, chúng tôi đã cung cấp đầy đủ giấy tờ với thông tin chính xác, minh bạch cho phía Mỹ, đồng thời cũng đề nghị cơ quan có thẩm quyền có sự tác động với đối tác Mỹ trong việc xem xét chứng minh về việc phá giá trong sản phẩm mật ong của Việt Nam. Từ đó đình chỉ hoặc có mức thuế phù hợp, điều này không chỉ giúp cho nhà sản xuất mà chính cho người tiêu dùng của Mỹ.
Về các giải pháp để tránh xảy ra sự việc tương tự, không chỉ mật ong mà nhiều nhóm hàng nông sản cần tiếp tục đa dạng hóa hóa thị trường, mở rộng xuất khẩu ra nhiều nước khác trên thế giới, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường như hiện tại.
"Thực tế là ngành mật ong đang phụ thuộc quả nhiều vào Mỹ, để đến khi xảy ra vụ việc sẽ dẫn tới những ảnh hưởng nặng nề cho ngành sản xuất mật ong trong nước và nguy cơ sụt giảm xuất khẩu rất cao", ông Vân nói.
Thông tin thêm về vụ việc, bà Phạm Châu Giang, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) nói, do Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường, nên trong vụ việc này, gần như chắc chắn Cơ quan điều tra Mỹ sẽ sử dụng chi phí tại Ấn Độ để xác định giá thông thường làm căn cứ so sánh với giá xuất khẩu của Việt Nam.
Theo các doanh nghiệp, đây là điểm bất lợi nhất đối với doanh nghiệp của ta trong vụ việc do chi phí sản xuất mật ong tại Ấn Độ được cho là cao hơn Việt Nam.
Cần phải nói thêm, Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi nên chi phí sản xuất cũng thấp hơn - vốn là lợi thế của Việt Nam trong điều kiện thông thường. Vì vậy, đó là lý do cáo buộc nước ngoài đối với Việt Nam, bởi biên độ của chúng ta cao hơn các nước khác.
Nếu không có gì thay đổi, Cơ quan điều tra của Mỹ dự kiến sẽ ban hành kết luận sơ bộ về vụ việc vào ngày 17/11 tới đây.