Thủy sản là một trong những ngành về đích sớm 1 tháng với giá trị xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD. Ảnh: Đức Thanh |
Nhiều ngành hàng thắng lớn
Trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa toàn cầu đang chậm lại, đặc biệt từ hai thị trường hàng đầu là Mỹ và EU, lượng đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu giảm tốc từ tháng 9, nhưng hết 11 tháng đã xuất hiện một số ngành hàng có quy mô vài chục tỷ USD cầm chắc khả năng cán đích.
Điển hình là da giày, túi xách. Dù đơn hàng những tháng cuối năm sụt giảm sâu, nhưng ngành này không những đã chắc cửa về đích với kim ngạch xuất khẩu trên 25 tỷ USD đề ra từ đầu năm, mà có nhiều khả năng vượt mục tiêu.
Báo cáo về tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành da giày năm 2022 mới đây, ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, lạm phát cao, kinh tế suy giảm tại các thị trường chủ lực đang tác động rất lớn đối với những ngành hàng xuất khẩu, trong đó có da giày. Nhưng nhờ tăng trưởng xuất khẩu đạt cao suốt từ đầu năm nên tổng thể, xuất khẩu toàn ngành vẫn đạt và vượt chỉ tiêu.
Thủy sản cũng về đích sớm 1 tháng với giá trị xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD. Năm 2022, ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD, nhưng thị trường khả quan hơn dự kiến, tạo cơ hội để các doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu từ tôm, cá ngừ, cá tra - basa đến nhóm sản phẩm nhuyễn thể. Các nhóm hàng này đều tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ.
Dấu ấn của năm 2022 là mặt hàng cá ngừ chắc chắn sẽ đạt kỷ lục 1 tỷ USD, vì đến cuối tháng 10, cá ngừ đã mang về 884 triệu USD, tăng 49% so với cùng kỳ 2021.
Như vậy, dự báo hết tháng 12, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thủy sản sẽ đạt trên 11 tỷ USD, tăng về giá trị tuyệt đối khoảng 2,2 tỷ USD so với năm 2021.
Dù không về đích sớm như giày dép - túi xách hay thủy sản, nhưng dệt may, xơ sợi, nguyên liệu cũng đã mang về 40 tỷ USD sau 11 tháng. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) tin tưởng, xuất khẩu cả năm sẽ đạt 42-43 tỷ USD, Ngoài sản phẩm may mặc, ngành dệt may còn xuất khẩu được lượng vải trị giá hơn 2 tỷ USD, xơ sợi hơn 4 tỷ USD và xuất khẩu phụ liệu may hơn 1 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, trước tác động không thuận của thị trường, có những ngành hàng suy giảm xuất khẩu, trong đó, sắt thép sẽ rời câu lạc bộ xuất khẩu trên chục tỷ USD. Hay rau quả cũng hụt hơi hàng trăm triệu USD do thị trường Trung Quốc áp dụng chính sách Zero Covid. Ngành xi măng, clinker sau năm 2021 tăng trưởng phi mã với gần 46 triệu tấn, dự kiến cả năm 2022 giảm khoảng chục triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu vì vậy cũng giảm 20%.
Đau đầu lo đơn hàng năm 2023
Xuất khẩu năm 2022 cán đích, song còn nhiều nỗi lo cho năm 2023 khi tình hình kinh tế toàn cầu chuyển biến xấu, người dân Mỹ và châu Âu thắt chặt chi tiêu. Bởi vậy, dù đã hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra, nhưng ngành da giày, túi xách đặt kế hoạch năm 2023 khá thận trọng, với mức tăng trưởng chỉ 6-7%.
“Lạm phát, chi phí sản xuất và xăng dầu tiếp tục tăng, làm tăng giá thành và đẩy các doanh nghiệp vào thế khó. Thị trường tiêu thụ chậm lại, nhiều nhà nhập khẩu hủy/hoãn nhận hàng khiến chi phí lưu kho và các chi phí hậu cần khác tăng”, đại diện Lefaso chỉ ra những khó khăn mà doanh nghiệp nói chung, ngành da giày nói riêng phải đối mặt.
Tương tự, xuất khẩu thủy sản cũng phải đối mặt với sự chững lại về đơn hàng khi các nhà mua hàng giảm nhập khẩu sau khi ngấm đòn lạm phát.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) cho rằng, nhu cầu hàng hóa và thực phẩm năm 2023 sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng giảm về khối lượng và cả giá nhập khẩu so với năm 2022.
Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Vasep lo ngại, doanh nghiệp đang đối mặt câu chuyện thiếu vốn để quay vòng sản xuất, thu mua nguyên liệu cho bà con nông, ngư dân. “Hiện, cả doanh nghiệp và bà con nông dân, ngư dân đều khó tiếp cận vốn vay khi các ngân hàng đóng room tín dụng, không giải ngân. Việc này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến toàn ngành trong thời gian tới, dẫn đến đình trệ sản xuất, thiếu nguyên liệu, thiếu vốn để đầu tư”.
Thêm vào đó, Nhật Bản, thị trường tiêu thụ khá lớn thủy, hải sản sẽ kiểm soát chặt chẽ về khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (khai thác IUU) đối với thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam.
Với dệt may, năm 2023 cũng chuyển gam trầm. Ngoài tổng cầu suy giảm thì yêu cầu từ các nhãn hàng, nhà nhập khẩu về hàng dệt may phải có quy trình sản xuất xanh, tái chế được, đặt các nhà sản xuất vào thế khó hơn. Cụ thể, EU đã đưa ra chiến lược mới về xanh hóa dệt may, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt yêu cầu sắp tới sản phẩm dệt may nhập khẩu có thể tái chế được, sử dụng lâu dài, tức là thay thời trang nhanh bằng thời trang bền vững. Điều này đặt doanh nghiệp phải đối diện với bài toán đầu tư chuyển đổi sản xuất, phải chuyển được từ thời trang nhanh sang thời trang bền vững.