Gạo, thủy sản… tăng tốc sớm
Sau khi thắng lớn với 36,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2017, ngành nông nghiệp với những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế đã duy trì đà tăng trưởng của năm trước, mang về giá trị xuất khẩu “vượt cả mong đợi” ngay trong 2 tháng đầu năm 2018.
Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu lớn của ngành thủy sản tại Đà Nẵng. Dù thông báo ra quân vào mùng 6 Tết, nhưng những ngày trước đó, hoạt động xuất khẩu của Công ty vẫn được duy trì, đóng góp vào con số 1,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản mang về 6,1 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2018, tăng hơn 30% so với cùng kỳ và đạt giá trị thặng dư gần 820 triệu USD. |
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho hay, tăng trưởng xuất khẩu của ngành thủy sản năm 2018 tiếp tục có tác động từ Trung Quốc, do nhu cầu nhập khẩu của thị trường này gia tăng mạnh. “Trước đây, Trung Quốc xuất khẩu thủy sản, nay chủ yếu là nhập khẩu, mở thêm thị trường cho Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng cá tra đang gặp khó khăn ở những thị trường truyền thống là Mỹ, EU”, ông Lĩnh chia sẻ.
Trong khi đó, tháng 2/2018, xuất khẩu gạo đạt 369.000 tấn với kim ngạch 179 triệu USD, nâng lượng xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt 861.000 tấn với giá trị 419 triệu USD, tăng 17,2% về lượng và gần 34% về giá trị so với cùng kỳ 2017. Đầu tháng 1/2018, tại lễ mở thầu nhập khẩu gần 500.000 tấn gạo của Cơ quan Lương thực quốc gia Indonesia, nhưng chỉ chốt gần 350.000 tấn, Việt Nam đã trúng thầu với khối lượng lớn nhất là 141.000 tấn.
Thặng dư thương mại nhờ đó đạt 819,3 triệu USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ.
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Ông Nguyễn Ngọc Nam, quyền Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) cho biết, ngay mùng 6 Tết, Công ty đã hoạt động tất bật trở lại vì phải hoàn tất đơn hàng gạo xuất đi Indonesia trong tháng 2/2018.
Sức bật của rau quả
Ít ai ngờ, chỉ trong một thời gian ngắn, kim ngạch xuất khẩu rau quả đã vượt gạo hàng tỷ USD, trở thành mặt hàng có sức bật và tiềm năng xuất khẩu lớn, với giá trị 3,5 tỷ USD trong năm 2017. Tính đến ngày 15/2/2018, sức bật của rau quả đáng kinh ngạc hơn, khi mang về 560 triệu USD, tăng 68% so với cùng kỳ.
Bà Lê Hoàng Thúy, Tham tán thương mại Việt Nam tại Australia cho rằng, sau trái xoài, vải, thanh long…, Thương vụ sẽ chủ động theo dõi các động thái, chính sách của Australia, kịp thời thông tin, nhằm mở cửa cho hàng nông sản Việt Nam vào Australia, cụ thể là với tôm nguyên con và quả nhãn.
Ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản khẳng định, lô thịt gà hơn 300 tấn được xuất khẩu sang Nhật đã chứng minh sản phẩm nông sản của Việt Nam có thể chinh phục được khách hàng Nhật khó tính. Các doanh nghiệp nên dồn sức vào các mặt hàng được thị trường này đánh giá cao như thịt sạch, chuối, xoài… Tất nhiên, để đi đường dài, cạnh tranh được với hàng Thái Lan, doanh nghiệp cần cập nhập và đầu tư công nghệ bảo quản trái cây tươi xuất khẩu nhằm tăng thời gian bảo quản, đồng thời sử dụng nhiều phương tiện vận chuyển để giá cả cạnh tranh hơn.
Một tín hiệu thị trường tích cực cho trái cây Việt, đó là sau khi Công ty TNHH Sản xuất, chế biến nông sản Cát Tường xuất khẩu thành công 2 tấn vú sữa sang Mỹ, cuối tháng 2, tỉnh Tiền Giang đã xuất khẩu sang thị trường này 48 tấn vú sữa tươi. Trong đó, Công ty Cát Tường xuất 42 tấn, Công ty Xuất - nhập khẩu Đại Lâm Mộc xuất 6 tấn.
Tương lai với xuất khẩu rau quả đang rộng mở nhờ sự tiếp sức của hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia và các kênh tham tán thương mại. Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương chia sẻ, năm 2018 sẽ ưu tiên đàm phán mở cửa các thị trường nhiều tiềm năng, có sức tiêu thụ lớn, gần Việt Nam, nơi mà sản phẩm nông sản, trái cây Việt có sức cạnh tranh cao. Ngoài Trung Quốc, sẽ tiếp tục xúc tiến ở các thị trường Đông Bắc Á, New Zealand, Australia... Với thị trường Hàn Quốc và New Zealand, Bộ Công thương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xúc tiến nhanh các thủ tục để xuất khẩu chôm chôm…