Lý giải về sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu rau quả trong năm 2024, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho rằng có hai yếu tố tác động mạnh nhất, trước hết là nhờ các Nghị định thư được ký kết. Gần đây nhất là sầu riêng đông lạnh và dừa tươi đã được bổ sung vào danh mục xuất khẩu vào ngày 19/8/2024, tạo cú hích lớn cho kim ngạch.
Thứ hai là nhờ sản lượng của một số loại trái cây xuất khẩu chủ lực tăng mạnh. Chẳng hạn, nhiều diện tích sầu riêng được trồng cách đây 5 - 6 năm, đến năm 2024 những diện tích này cho thu hoạch, qua đó giúp cho sản lượng sầu riêng Việt Nam tăng lên khá nhiều. Đây là cơ sở quan trọng để xuất khẩu sầu riêng không chỉ vượt kỷ lục hơn 2,2 tỷ USD của năm 2023 mà còn có lần đầu tiên vượt mốc 3 tỷ USD và đóng góp khoảng 50% vào tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả.
Sầu riêng đông lạnh được xuất khẩu sang Trung Quốc dự kiến thu về mỗi năm hơn 400 triệu USD. |
Bên cạnh Trung Quốc, các thị trường khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Xuất khẩu sang Mỹ đạt 320 triệu USD (tăng 37%), Hàn Quốc 289 triệu USD (tăng 40%), Thái Lan 259 triệu USD (tăng 79%), và Nhật Bản 189 triệu USD (tăng 15%). Công tác xúc tiến thương mại và quảng bá hình ảnh rau quả Việt Nam cũng được triển khai mạnh mẽ, góp phần mở rộng thị trường và nâng cao giá trị xuất khẩu.
“Kết quả này là do sự tích lũy thành quả của các năm trước. Các loại cây ăn quả đa số đều cần thời gian đầu tư dài, từ 3 - 5 năm. Số lượng rau quả xuất khẩu chính ngạch ngày càng tăng. Hiện Trung Quốc hiện cấp phép 15 mặt hàng rau quả của Việt Nam, góp phần những sản phẩm như sầu riêng, chuối, dừa… tăng trưởng tích cực.
Các hoạt động xúc tiến thương mại về rau quả được các cấp, các ngành, hiệp hội ngành hàng ngày càng quan tâm, đầu tư. Đồng thời với 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã được Việt Nam ký kết, ngành rau quả ngày nay có rất nhiều cơ hội tiếp cận những thị trường tiềm năng”, ông Nguyễn Thanh Bình nhận định.
Mặc dù đạt nhiều kết quả ấn tượng, ngành rau quả Việt Nam không tránh khỏi những thách thức lớn trong năm 2025. Chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ tăng thuế nhập khẩu, kéo theo căng thẳng mới trong thương chiến Mỹ - Trung. Điều này có thể tác động trực tiếp đến thị trường Trung Quốc và ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam ngày càng lớn cũng có thể khiến Mỹ áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Việt Nam, bao gồm rau quả.
Dẫu vậy, ông Nguyễn Thanh Bình tin rằng với nền tảng sản xuất và thị trường đã có nền móng vững chắc, ngành rau quả Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025 và các năm tiếp theo. Mục tiêu dài hạn là đưa kim ngạch xuất khẩu đạt mốc 10 tỷ USD đến năm 2027.
Dự báo về triển vọng của năm 2025, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả cho rằng xuất khẩu rau quả còn rất nhiều dư địa mở rộng ở các thị trường lớn. Trong đó, có nhiều yếu tố mới xuất hiện như mặt hàng sầu riêng đông lạnh, dừa tươi xuất khẩu sang Trung Quốc, chanh dây hiện nay đang đàm phán với Hoa Kỳ.
"Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu rau quả nói chung và trái cây nói riêng đang đứng trước thời cơ lớn để gia tăng kim ngạch xuất khẩu, bởi nhu cầu thị trường thế giới về nguồn hàng này ngày càng cao, trong khi Việt Nam đang làm rất tốt công tác mở cửa thị trường", ông Nguyên nhấn mạnh.
Với trái chanh dây của Việt Nam, ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin: Dự kiến năm 2025 sẽ chính thức được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Đây là kết quả từ quá trình đàm phán giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về các biện pháp kiểm dịch thực vật đối với loại trái cây này.
“Hiện các bước đàm phán kỹ thuật về xuất khẩu chanh dây sang Hoa Kỳ đã được hoàn thiện và hiện tại hai bên đang hoàn tất những thủ tục pháp lý cần thiết. Việc chanh dây được phép thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ hứa hẹn tạo động lực lớn để ngành rau quả Việt Nam tiếp tục mở rộng xuất khẩu, đặc biệt vào các thị trường khó tính khác”.
Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết để xuất khẩu bền vững hơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường, hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về các mặt hàng chủ lực. Cùng với đó, có những thiết chế luật pháp chặt chẽ hơn, giúp bảo vệ những nhà sản xuất chân chính.
Tuy nhiên, để duy trì, mở rộng thị trường và gia tăng giá trị xuất khẩu, Thứ trưởng Hoàng Trung khuyến cáo các doanh nghiệp phải tuân thủ tuyệt đối các tiêu chuẩn mà nước nhập khẩu đưa ra. Đồng thời xây dựng chuỗi liên kết sản xuất bền vững và thực chất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật, xuất khẩu để tạo ra sản phẩm chất lượng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần quan tâm đến công nghệ sau thu hoạch để vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng, vừa hạn chế rủi ro mùa vụ.