Cổ phiếu doanh nghiệp ngành thủy sản tăng mạnh trước triển vọng xuất khẩu sáng sủa |
Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay, có tới 6 mã cổ phiếu ngành thủy sản tăng trần là VHC (Vĩnh Hoàn), FMC (Sao Ta), CMX (Camimex Group), ACL (Thủy sản Cửu Long An Giang), ANV (Nam Việt), IDI (Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia). Theo chuyên gia phân tích các công ty chứng khoán, nguồn cung toàn cầu khan hiếm, đơn hàng xuất khẩu hồi phục khả quan sau Covid 9 là động lực tăng trưởng chính của nhóm cổ phiếu này.
Quý I/2021, doanh thu và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp thủy sản vẫn giảm nhẹ. Đơn cử, quý I/2021, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) có doanh thu thuần tăng 36% so với cùng kỳ song lợi nhuận sau thuế lại giảm 23% so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu do chi phí nguyên liệu (tôm nguyên liệu và thức ăn thủy sản) và chi phí logistic tăng cao. Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) doanh thu thuần tăng 9% trong quý I/2021 nhưng lợi nhuận lại giảm tới 14%. Cũng trông quý 1/2021, lợi nhuận của Camimex Group (mã CMX) giảm tới 46% so với cùng kỳ, chỉ đạt 8 tỷ đồng.
Tuy vậy, tình hình đang xoay chuyển mạnh mẽ trong hơn hai tháng qua nhờ đà phục hồi của thị trường xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản tháng 5/2021 tăng tới 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 5/2021, xuất khẩu tôm tăng 25%, xuất khẩu cá tra tăng 26%. Lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản cả nước tăng 14% đạt 3,27 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm tăng 14%, đạt 1,34 tỷ USD, xuất khẩu cá tra tăng 12%, đạt 623 triệu USD.
Mỹ, EU và các thị trường CPTPP là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Chiến dịch tiêm phòng cùng các gói kích thích kinh tế được triển khai kịp thời giúp nhu cầu tiêu thụ thủy sản của các nước này phục hồi thần tốc, không chỉ ở phân khúc bán lẻ mà cả các kênh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, giải trí…
VASEP cho hay, sau một thời gian bị “kìm nén” do hạn chế, giãn cách chống Covid, nhu cầu tiêu thụ của người Mỹ “bùng nổ” không chỉ với những mặt hàng như tôm, cá ngừ, cá hồi – những sản phẩm quen thuộc- mà còn với cả các sản phẩm khác như cá tra, mực, bạch tuộc, cua ghẹ và nhuyễn thể hai mảnh vỏ.
Việc Mỹ mở cửa hoàn toàn 50 bang từ 20/5 khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản – đặc biệt là tôm và cá tra - tăng mạnh, kéo theo triển vọng sáng sủa cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm và cá tra Việt Nam. Xuất khẩu cá tra sang Mỹ đã tăng tới 136% trong tháng 4 và tăng khoảng 200% trong tháng 5/2021. Xuất khẩu tôm sang Mỹ 5 tháng đầu năm đạt 270 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện Mỹ đang chiếm 21% xuất khẩu tôm của Việt Nam. Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang có cơ hội lớn mở rộng thị phần khi Ấn Độ - nguồn cung tôm lớn nhất của Mỹ hiện nay- bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid còn Trung Quốc lại giảm xuất khẩu sang Mỹ do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tất nhiên, doanh nghiệp Việt Nam sang Mỹ cũng sẽ phải cạnh tranh với hai đối thủ mạnh khác là Ecuador và Indonesia, song cơ hội mở rộng thị phần vẫn rất lớn.
Cùng với Mỹ, thị trường EU cũng đang có triển vọng lớn do nền kinh tế của Eu đang dần phục hồi, cộng thêm các chính sách ưu đãi thuế quan từ hiệp định EVFTA. Xuất thuỷ sản Việt Nam sang EU tháng 5 tiếp tục tăng 30% đạt gần 95 triệu USD sau khi tăng mạnh 36% trong tháng 4/2021. Mặc dù vậy, so với Mỹ, thị trường EU dự báo sẽ khó có tăng trưởng đột phá mà chỉ hồi phục ở mức độ vừa phải.
Riêng thị trường Nhật Bản và Trung Quốc, khả năng xuất khẩu thời gian tới sẽ khó tăng do kinh tế Nhật Bản phục hồi chậm, Trung Quốc thực hiện siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh…