Tiêu dùng
Xuất khẩu thủy sản năm 2025 kỳ vọng vượt mốc 10 tỷ USD
Linh Nguyễn - 20/12/2024 07:24
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là những thiệt hại nặng nề từ bão số 3, ngành thủy sản vẫn tự tin vượt qua thách thức, kiên định mục tiêu và quyết tâm hoàn thành kế hoạch đề ra cho năm 2024.

Xuất khẩu thuỷ sản bật tăng trở lại

Sau một năm 2023 khá trầm lắng, ngành thủy sản Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong năm 2024. Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Xuất khẩu nông sản năm 2024 - Kỷ lục mới, vị thế mới” do Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 19/12, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết động lực phát triển ngành thuỷ sản đến từ hai nhóm sản phẩm trọng điểm: sản phẩm nuôi trồng và sản phẩm khai thác.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) (bìa trái).

Ngay từ đầu năm, các doanh nghiệp và địa phương đã đẩy mạnh chiến lược mở cửa thị trường. Cụ thể, VASEP đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Bộ Công thương để mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung vào các khu vực trọng điểm như Mỹ và châu Âu. Nổi bật trong số đó là xuất khẩu tôm, với giá trị đạt 4 tỷ USD, tăng gần 17% so với năm 2023. Tiếp theo là cá ngừ, khi Việt Nam tận dụng hiệu quả hạn ngạch 11.500 tấn/năm từ thị trường châu Âu, mang lại những kết quả tích cực.

Trên nền tảng thắng lợi của năm 2024, ông Nguyễn Hoài Nam nhận định triển vọng xuất khẩu thủy sản năm 2025 là rất khả quan, với nhiều cơ hội tiếp tục mở rộng thị trường và gia tăng giá trị.

“Ngày 23/12, chúng tôi sẽ tổ chức lễ tổng kết mốc sự kiện xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD. Qua sự kiện này chúng tôi sẽ đúc kết kinh nghiệm để định hướng xuất khẩu cho năm 2025. Vừa qua Mỹ điều tra chống trợ cấp tôm nước ấm đông lạnh với Việt Nam, chúng tôi đang chờ thêm kết quả của DOC, các nước khác như Ấn Độ, Ecuador... cũng đang như chúng ta. Chính bởi cạnh tranh toàn cầu sẽ là cơ hội để chúng ta thay đổi và thực hiện các quy định tốt để xuất khẩu tốt hơn. Cá tra chúng ta có 8 doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ, cá tra Việt Nam sang bên đó bị kiểm soát chống bán phá giá nên giá cao”, ông Nam thông tin.

Đó cũng chính là động lực để các doanh nghiệp thay đổi nhận thức và thực hiện các quy định mới của các thị trường để xuất khẩu thuận lợi. Từ năm 2023 đến nay các ngân hàng có ba gói tín dụng cho thủy sản, giờ đang thực hiện 60.000 tỷ đồng cho các đơn vị vay ưu đãi... 

“Đây là chính sách, cơ hội cho doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch sản xuất, xuất khẩu trong năm tới. Năm nay chúng ta tăng trưởng 13%, từ các cơ hội mà chúng ta đang có, năm tới chúng tôi dự báo và cố gắng duy trì mức tăng trưởng được 10 - 15% tương ứng với mức khoảng trên 10 tỷ USD”, ông Nam nhìn nhận.

Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cũng bày tỏ niềm tin và gửi gắm thông điệp đến các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong năm 2025: "Chúng tôi tin rằng các doanh nghiệp sẽ chủ động hơn, đồng hành chặt chẽ với các địa phương và cơ quan nhà nước để mở cửa thị trường, tháo gỡ rào cản một cách phù hợp và hiệu quả. Qua đó, các doanh nghiệp có thể truyền tải tiếng nói và mong muốn của mình đến các bên liên quan một cách mạnh mẽ hơn."

Theo ông Nam, thủy sản là ngành hàng gắn liền cả với sản xuất và xuất khẩu, vì vậy việc chuẩn bị cho các vấn đề về thuế là ưu tiên hàng đầu trong năm 2025. Sau mỗi đợt thanh tra định kỳ, ngành thuế thường phát sinh những bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đã đề nghị ngành thuế cân nhắc đặc thù của lĩnh vực thủy sản để có cách tiếp cận phù hợp hơn.

Ông Nam đưa ra ví dụ về việc ngành thuế yêu cầu doanh nghiệp cung cấp bảng kê chi tiết về tàu thuyền từ 10 năm trước. Điều này không chỉ gây trở ngại lớn cho doanh nghiệp, mà còn khó khả thi, vì các chủ tàu sau thời gian dài khó có thể nhớ hoặc hợp tác đầy đủ. Những quy định như vậy cần được điều chỉnh để giảm bớt gánh nặng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Giải bài toán nguyên liệu và chính sách

Liên quan đến lĩnh vực khai thác biển, ông Nam cho biết hiện nay các cấp ngành và địa phương đang tích cực thực hiện quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, và không theo quy định (IUU). Tuy nhiên, doanh nghiệp - khâu cuối trong chuỗi cung ứng, chịu trách nhiệm mua hàng để xuất khẩu sang châu Âu vẫn gặp nhiều bất cập trong việc tiếp cận thông tin đầy đủ và xác minh tính hợp lệ của các lô hàng.

Một trong những vấn đề lớn là doanh nghiệp chỉ mua cá khi tàu đã cập bến, nhưng lại không thể xác định được tàu đã đi qua những lộ trình nào. Hơn nữa, doanh nghiệp thường không được cấp giấy xác minh lộ trình cho lô hàng, khiến quy trình kiểm tra tính minh bạch của sản phẩm gặp khó khăn nghiêm trọng.

Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ các thị trường lớn như Ecuador, Ấn Độ, và Indonesia với mặt hàng tôm và cá tra.

Tương tự, ngành cá ngừ dù đã đạt nhiều tiến bộ, từ giá trị xuất khẩu loanh quanh 600 - 700 triệu USD vài năm trước lên gần 1 tỷ USD năm nay, nhưng vẫn đối mặt với những “điểm nghẽn”. Một trong số đó là Nghị định 37/2024/NĐ-CP, trong đó quy định cá ngừ vằn được phép khai thác phải có chiều dài từ 0,5m trở lên. Quy định này nhằm bảo vệ nguồn lợi cá ngừ và ngăn chặn việc khai thác cá kích thước nhỏ, nhưng trong thực tế, cá có chiều dài trên 0,5m chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong mỗi mẻ lưới. 

Kết quả là, doanh nghiệp không mua, ngư dân không bán được cá, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của họ. Trong khi đó, nhiều quốc gia có nghề khai thác cá ngừ phát triển chỉ quy định mùa vụ khai thác chứ không áp dụng giới hạn về kích thước. Vì vậy, cần sớm sửa đổi quy định này để tạo động lực cho ngư dân tiếp tục bám biển, tăng sản lượng, và đảm bảo nguồn cung ổn định cho xuất khẩu.

Đối với mặt hàng tôm và cá tra, Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ các thị trường lớn như Ecuador, Ấn Độ, và Indonesia. Hai mặt hàng này đã đóng góp hàng tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có duy trì được vị thế trên thị trường hay không?

Câu trả lời phụ thuộc lớn vào vấn đề nguyên liệu. Làm thế nào để người nuôi tôm và cá tra có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng để duy trì sản xuất? Làm sao để họ có được con giống chất lượng cao, góp phần giảm giá thành? Những vấn đề này đòi hỏi sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách tín dụng, quy hoạch nuôi trồng khoa học, và đặc biệt là sự cải tiến trong sản xuất giống.

“Chỉ khi nông dân và ngư dân được tiếp thêm động lực sản xuất, nguồn cung nguyên liệu cho ngành thủy sản xuất khẩu mới được đảm bảo, góp phần giữ vững và nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường thế giới.”, ông Nam khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác