Doanh nghiệp
Xuất khẩu thủy sản sang Anh cần chứng thư vệ sinh mới
Thế Hải - 06/04/2021 13:22
Các giấy chứng nhận hiện tại mà các quốc gia không thuộc EU sử dụng chỉ có giá trị ở Vương quốc Anh đến ngày 1/4/2021, nên thủy sản Việt Nam vào Anh cần chứng từ vệ sinh mới.
Các giấy chứng nhận hiện tại mà các quốc gia không thuộc EU sử dụng chỉ có giá trị ở Vương quốc Anh đến ngày 1/4/2021. Đối với thủy sản nhập khẩu vào Anh sau ngày này sẽ cần giấy chứng thư vệ sinh mới

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề liên quan đến thủ tục, chứng từ và thuế quan khi xuất khẩu vào Vương quốc Anh. Lý do là các giấy chứng nhận hiện tại mà các quốc gia không thuộc Liên minh châu Âu sử dụng chỉ có giá trị ở Vương quốc Anh đến ngày 1/4/2021 nên đối với thủy sản nhập khẩu vào Anh sau ngày này sẽ cần giấy chứng thư vệ sinh mới.

Theo đó những doanh nghiệp đang xuất khẩu thủy sản sang Vương quốc Anh có thể phải điều chỉnh hoạt động của mình cho phù hợp với các quy định mới. Bởi lẽ Brexit và thỏa thuận thương mại mới ảnh hưởng đến hải quan, thuế quan, kiểm tra an toàn thực phẩm và nhãn mác. Nếu doanh nghiệp có đại diện làm việc tại EU, họ có thể không đến được Anh và hãy đảm bảo rằng người đại diện này có thị thực hoặc giấy phép cư trú hợp lệ.

Để khai thác thị trường Anh, VASEP cho rằng, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản cũng như người nông dân, ngư dân, cần phải lưu ý thực hiện đồng bộ các giải pháp: Tự giác thực hiện nghiêm túc và tuân thủ chặt chẽ các quy định về truy xuất nguồn gốc; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc kháng sinh trong khâu sản xuất, chế biến của mình để phục vụ xuất khẩu; đồng thời kiểm soát tốt vấn đề về kiểm dịch thủy sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong toàn bộ chuỗi bảo quản, chế biến để có sản phẩm hàng hóa thủy sản xuất khẩu chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Bên cạnh đó, đối với các nhà xuất khẩu, điều quan trọng cần biết là EU và Anh sẽ quy định các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm riêng của họ. Điều này có nghĩa là sẽ có các cuộc kiểm tra tại cửa khẩu để đảm bảo sản phẩm nhập khẩu đáp ứng tiêu chuẩn. Các giấy chứng nhận hiện tại mà các quốc gia không thuộc Liên minh châu Âu sử dụng chỉ có giá trị ở Vương quốc Anh đến ngày 1/4/2021. Đối với thủy sản nhập khẩu vào Anh sau ngày này sẽ cần giấy chứng thư vệ sinh mới.

Ngoài ra, nếu sản phẩm thủy sản của doanh nghiệp Việt phải đi qua EU để đến Anh thì sản phẩm đó phải vào lãnh thổ EU thông qua Trạm kiểm soát biên giới. Mỗi lô hàng sẽ cần một chứng nhận y tế nhập cảnh chung, các nhà nhập khẩu cần thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền của Anh bằng cách sử dụng hệ thống báo cáo nhập khẩu mới: Hệ thống nhập khẩu sản phẩm, động vật, thức ăn và thức ăn chăn nuôi (IPAFFS). Công cụ này thay thế hệ thống trực tuyến TRACES của EU.

Anh và EU sẽ không áp dụng thuế quan đối với sản phẩm thủy sản được mua bán giữa các vùng lãnh thổ của họ. Trong trường hợp này, các sản phẩm được giao dịch phải có xuất xứ từ Vương quốc Anh hoặc một quốc gia thành viên EU. Các nhà xuất khẩu từ các nước không thuộc EU phải kiểm tra với chính phủ của họ về các thỏa thuận thương mại và thuế quan hiện đang được áp dụng.

VASEP cũng lưu ý rằng, hiện tại cả Anh và EU vẫn đang đối phó với tác động của Covid-19. Vì thế logistics và thương mại từ nước ngoài EU đang gặp nhiều khó khăn và một số chính sách vẫn có thể thay đổi. Việc kiểm tra thủy sản nhập khẩu vào Anh từ các nước không thuộc EU sẽ vẫn như cũ. Tuy nhiên trong tương lai Anh có thể thực hiện các thay đổi dựa trên các rủi ro cụ thể của nước này.

Trên thực tế, việc xuất khẩu thủy sản của Việt Nam qua Vương quốc Anh trong năm 2020 và các tháng đầu năm 2021 đã có tăng trưởng mạnh, đặc biệt nhờ Hiệp định UKVFTA có hiệu lực tạm thời từ 1/12021. Thống kê Hải quan cho thấy, năm 2020, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Anh đạt khoảng 355 triệu USD, trong đó, tôm, cá tra, cua, ghẹ và các loại cá biển là những sản phẩm đạt mức tăng trưởng tích cực.

Với xu hướng và thị hiếu tiêu dùng đã có sự thay đổi rõ rệt tại khu vực EU nói chung và thị trường Anh nói riêng sau tác động của dịch Covid-19, các sản phẩm chế biến với giá trị gia tăng cao của ta đã và đang chiếm lĩnh dần thị trường Anh, cụ thể tôm chân trắng chế biến tăng 33%, tôm sú chế biến tăng gần 120%, cua ghẹ đóng hộp tăng 61%, cá biển phile đông lạnh tăng 127%...

Tính đến nay, Anh là một trong 10 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, thị phần thủy sản xuất khẩu của ta tại thị trường này năm 2020 đạt hơn 4% (năm 2015 đạt 1,03%).

Tin liên quan
Tin khác