Xuất khẩu xi măng, clinker 9 tháng 2021 tăng trưởng mạnh với gần 32,7 triệu tấn, trị giá 1,253 tỷ USD. |
Xuất khẩu xi măng, clinker của nước ta tiếp tục tạo kỷ lục trong 9 tháng năm 2021 với tổng sản lượng tăng mạnh, đạt gần 32,7 triệu tấn, giúp mang về doanh thu 1,253 tỷ USD, tăng 16,3% về lượng và tăng 20,9% về trị giá so cùng kỳ 2020.
Theo Hiệp hội Xi măng, Việt Nam đang đứng thứ năm thế giới về năng lực sản xuất chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nga, hiện nay sản lượng sản xuất xi măng của Việt Nam đạt xấp xỉ 110 triệu tấn/năm. Nhưng nếu cần phát huy công suất lớn hơn, ngành xi măng có thể sản xuất trên 130 triệu tấn/nâm thông qua điều chỉnh tỷ lệ phụ gia.
Thị trường tiêu dùng trong nước chỉ hấp thụ được sản lượng khoảng 62-65 triệu tấn/năm, do đó, một sản lượng đáng kể xi măng, clinker đang được tiêu thụ qua kênh xuất khẩu, chủ yếu sang các thị trường Trung Quốc, Bangladesh, Philippines, Campuchia...
rong đó, xuất khẩu đã giúp ngành xi măng tiêu thụ một lượng lớn sản phẩm, trong bối cảnh thị trường nội địa những tháng gần đây ảm đạm vì nhiều địa phương trên cả nước thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ để phòng chống dịch Covid-19.
Xuất khẩu xi măng, clinker tiếp tục là động lực tăng trưởng của ngành xi măng trong những năm gần đây. Năm 2020, thị trường trong nước tiêu thụ 62,12 triệu tấn sản phẩm, kênh xuất khẩu tiêu thụ 38,02 triệu tấn, đánh dấu là năm có sản lượng xi măng, clinker xuất khẩu kỷ lục từ trước tới nay.
Xi măng, clinker cũng đã gia nhập Câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD từ năm 2018. Liên tiếp từ đó tới nay, ngành này đều đạt mức tăng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, cao điểm là 2020 với 1,46 tỷ USD.
Với đà xuất khẩu như 9 tháng qua, dự báo xuất khẩu xi măng, clinker trong năm nay sẽ vượt ngưỡng 40 triệu tấn. Tính riêng trong 2 tháng 8 và 9, mỗi tháng ngành này đều xuất bán từ 4 - 4,3 triệu tấn sản phẩm, tăng mạnh so mức 3,5 triệu tấn của tháng 7 và mức 2,77 triệu tấn thực hiện trong tháng 6/2021.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành này đang lo ngại khi mới đây Bộ Tài Chính đã đề xuất Chính phủ tăng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng clinker từ mức hiện tại 5% lên 10%. Nếu tăng thuế, giá xuất khẩu clinker Việt Nam sẽ tăng lên và nguy cơ khó duy trì được sản lượng xuất khẩu.
Nhưng Bộ Tài chính lập luận, việc tăng xuất khẩu clinker còn làm cạn kiệt tài nguyên trong nước, gây ra nhiều tác động xấu đến môi trường trong quá trình khai thác. Do đó, tăng thuế là cần thiết.
Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 cũng định hướng hạn chế xuất khẩu những sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoáng sản không tái tạo.
Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2030, Chiến lược nêu rõ, tỷ lệ xuất khẩu clinker và xi măng không vượt quá 30% tổng công suất thiết kế. Giai đoạn 2031 - 2050, tỷ lệ xuất khẩu clinker và xi măng không vượt quá 20% tổng công suất thiết kế. Điều đáng nói, hiện nay xuất khẩu xi măng, clinker đã đạt đến ngưỡng khống chế này.