Tiêu dùng
Xuất nhập khẩu cả năm 2023 dự kiến dưới 700 tỷ USD
Thế Hoàng - 16/12/2023 10:55
Nếu duy trì kim ngạch trên 60 tỷ USD trong tháng 12, kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2023 dự kiến về đích ở mức 680 - 685 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với kỷ lục trên 730 tỷ USD của năm 2022.
Xuất nhập khẩu năm 2023 dự kiến về đích dưới 700 tỷ USD.

Chiều 15/12, Tổng cục Hải quan công bố kết quả hoạt động xuất nhập khẩu trong kỳ 2 tháng 11/2023 (từ ngày 16/11 đến ngày 30/11/2023).

Kim ngạch xuất nhập khẩu trong kỳ 2 đạt 30,96 tỷ USD, tăng 5,2% (tương ứng tăng 1,53 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 11/2023.

Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 11/2023 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 11 tháng/2023 đạt 619,36 tỷ USD, giảm 8,2% (tương ứng giảm 55,56 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 425,27 tỷ USD, giảm 9,3% (tương ứng giảm 43,5 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 194,09 tỷ USD, giảm 5,8% (tương ứng giảm 12,06 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, 11 tháng/2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 25,86 tỷ USD, gấp 2,5 lần so với con số 10,32 tỷ USD thặng dư của cùng kỳ năm trước.  Xuất siêu góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ lớn cho cán cân thanh toán quốc tế.

Nếu duy trì kim ngạch trên 60 tỷ USD trong tháng 12 này, kết thúc năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước dự kiến sẽ đạt từ 680 - 685 tỷ USD, giảm khoảng 45 - 50 tỷ USD so với năm 2022.

Dù giảm nhiều so với năm 2022, nhưng kim ngạch đạt được trong năm nay vẫn là con số cao thứ 2 trong lịch sử ngoại thương của Việt Nam. 

Năm 2022, lần đầu tiên, xuất nhập khẩu hàng hóa vượt 730 tỷ USD, là con số kỷ lục. 

Theo Bộ Công thương, sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế toàn cầu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới khi nước ta là nền kinh tế có độ mở lớn

Đi kèm là xu hướng phi toàn cầu hoá đang trỗi dậy mạnh mẽ; Chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng, các nước phát triển quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, là tiền đề để họ dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu (dự luật chống phá rừng, CBAM của EU; Mỹ gắn các vấn đề lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ...).

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp, cầu tiêu dùng toàn cầu còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, kết quả xuất xuất hàng hóa đạt được từ đầu năm tới nay là một nỗ lực lớn của cơ quan quản lý nhà nước và các ngành hàng, doanh nghiệp.

11 tháng có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 07 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%).

Cụ thể, điện tử, máy tính và linh kiện đạt 51,421 tỷ USD; điện thoại và linh kiện 48,827 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 39,397 tỷ USD; dệt, may 30,271 tỷ USD; giày dép 18,243 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng 12,562 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 12,11 tỷ USD.

Hiện, nhiều ngành hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam đã ghi dấu ấn khi liên tục giữ vị trí nhóm đầu trong kim ngạch xuất khẩu của thế giới, góp phần đưa Việt Nam vào trong nhóm 23 nước có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất thế giới.

Tin liên quan
Tin khác