Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn giữ vững đà tăng trưởng tích cực. |
Bộ Công thương cho biết, năm 2021, dù phải đối mặt với những diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn giữ vững đà tăng trưởng tích cực, đang tiến gần mốc kỷ lục 660 tỷ USD.
Tính đến hết tháng 11 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa đạt 602 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 11 tháng đạt 301,73 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 ước đạt khoảng 331,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020.
Đến nay, đã có 34 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,4%, bao gồm: Điện thoại, máy tính và linh kiện, máy móc thiết bị, gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép và sắt thép.
Kim ngạch nhập khẩu đạt trên 300 tỷ USD, tăng 27,9 %, tương ứng tăng 65,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có 43 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,7% tổng kim ngạch nhập khẩu
Bộ Công thương dự báo, xuất nhập khẩu cả năm nay sẽ vượt 660 tỷ USD, trong đó dự kiến xuất khẩu trên 331,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với 2020.
Năm 2020, kim ngạch xuất, nhập khẩu của nước ta năm 2020 vẫn đạt trên 545 tỷ USD, trong đó xuất khẩu gần 245 tỷ USD, xuất siêu cao nhất từ trước tới nay với 19 tỷ USD. Dự báo năm 2021 sẽ vượt mốc 660 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Để đạt được mục tiêu xuất nhập khẩu cả năm, Bộ Công thương đang triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu, trong đó tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và tình hình trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia để tham mưu cho Chính phủ các giải pháp điều hành ứng phó với các yếu tố bất lợi;
Chú trọng công tác triển khai thực hiện các Hiệp định thương mại tự do nói chung, nhất là các FTA thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA. Mục tiêu là không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp nắm được nội dung cam kết CPTPP, EVFTA mà còn vận dụng và phát huy có hiệu quả ưu đãi của Hiệp định, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế các thách thức đặt ra từ những Hiệp định này.
Đồng thời, thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, giảm các chi phí khai thác hạ tầng vận tải, chi phí logistics trong các hoạt động xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trong nước, chú trọng công tác đảm bảo tiến độ lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cảng biển, cửa khẩu biên giới...