Doanh nghiệp
Xuất nhập khẩu hàng hóa đến ngày 15/8 đạt quy mô lớn
Minh Nhung - 28/08/2022 19:28
Kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa từ đầu năm đến ngày 15/8 cho thấy, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều đạt quy mô lớn nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay, cao hơn mức cả năm từ năm 2017 trở về trước.

Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước (17,7%) và đạt được ở cả 2 khu vực. Khu vực kinh tế trong nước tăng cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (19% so với 17,2%), chứng tỏ khu vực kinh tế trong nước đã cố gắng khắc phục khó khăn do đại dịch Covid-19, tranh thủ các ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Tăng trưởng mạnh đạt được ở nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ yếu. Trong 45 mặt hàng chủ yếu, có 30 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD. Trong đó, có 9 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD, đặc biệt có 6 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD (điện thoại 36,7 tỷ USD, máy tính 33,6 tỷ USD, máy móc 27,5 tỷ USD, dệt may 24,1 tỷ USD, giày dép 15,1 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ 10,4 tỷ USD.

Từ kết quả thời gian qua, có thể kỳ vọng cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu có thể vượt quy mô (363 tỷ USD) và tốc độ tăng (8%) như mục tiêu của Bộ Công thương. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 có thể vượt mốc 370 tỷ USD, tăng 2 chữ số so với năm trước.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, xuất khẩu hàng hóa còn có những hạn chế. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước còn rất nhỏ so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (26,1% so với 73,9%). Một số mặt hàng có tốc độ tăng kim ngạch chậm lại; có tốc độ tăng thấp; thậm chí còn bị giảm (như rau quả, hạt điều, clinker và xi măng, sản phẩm từ cao su, xơ sợi dệt...).

Trong khi đó, nhập khẩu cũng tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước (14,2%) và cũng diễn ra ở cả 2 khu vực, ở hầu hết các mặt hàng chủ yếu. Trong đó, những mặt hàng có mức tăng rất lớn (trên 1 tỷ USD) như than, dầu thô, xăng dầu, sản phẩm hóa chất, hóa chất, sắt thép, máy ảnh…

Trong 53 mặt hàng chủ yếu, có 36 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 12 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD, đặc biệt có 3 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD (lớn nhất là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 53,6 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng 28,6 tỷ USD; điện thoại và linh kiện 13 tỷ USD).

Cả nước tiếp tục xuất siêu, do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu lớn, với tỷ lệ xuất siêu đạt 12,6%. Tuy nhiên, nửa đầu tháng 8/2022, nhập siêu 0,11 tỷ USD, do xuất khẩu đạt quy mô nhỏ hơn nhập khẩu (hơn 15,129 tỷ USD so với 15,243 tỷ USD). Nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước quá lớn về quy mô tuyệt đối (20,255 tỷ USD), với tỷ lệ nhập siêu lên đến 33,3%.

Tổng kim ngạch nhập khẩu tăng khá, nhưng chủ yếu do giá nhập khẩu tăng cao. Do công nghiệp hỗ trợ còn yếu và tính gia công lắp ráp còn lớn, nên thực thu nhỏ, tính phụ thuộc vào nhập khẩu còn cao. Đáng lưu ý, lượng nhập khẩu một số mặt hàng giảm, như hạt điều, lúa mì, ngô, đậu tương, quặng và khoáng sản khác, than, dầu thô… Lý do là chuỗi cung ứng trên thế giới vẫn bị đứt gãy, giá nhập khẩu cao, nếu tăng lượng nhập khẩu, sẽ làm tăng chi phí, gia tăng nhập khẩu lạm phát, nhất là tỷ giá VND/USD bị sức ép tăng.

Tin liên quan
Tin khác