Thời sự
Xuất siêu và nỗi lo phụ thuộc
Hà Nguyễn - 01/09/2019 08:49
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam ước tính đã xuất siêu tới 3,4 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm và đây là một tin đáng mừng cho nền kinh tế. Mặc dù vậy, diễn biến nhập - xuất siêu từ đầu năm tới nay cho thấy nhiều điều đáng bàn.
Nghe bài viết này tại đây :
Your browser doesn’t support HTML5 audio
Tính riêng tháng 8/2019, mức xuất siêu ước đã lên tới 1,7 tỷ USD, tương đương giá trị xuất siêu của 7 tháng năm 2019.

Thực tế, hồi đầu năm, dư luận không khỏi lo ngại khi nền kinh tế liên tục nhập siêu. Tình hình chỉ được cải thiện vào giữa năm nay và khả quan hơn vào tháng 8/2019, khi Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ riêng tháng này, mức xuất siêu ước đã lên tới 1,7 tỷ USD, tương đương giá trị xuất siêu của 7 tháng năm 2019.

Có điều, theo nhận định của Tổng cục Thống kê, mức xuất siêu này chủ yếu là nhờ sự đóng góp của nhóm hàng điện thoại và linh kiện. Tháng 8/2019, xuất khẩu điện thoại và linh kiện đã tăng tới 37,8%, chủ yếu do Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm Galaxy Note 10. Nhờ vậy, đã đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này lên 33 tỷ USD trong 8 tháng, tăng 4,3% so với cùng kỳ và chiếm 19,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Thực tế, đây là “kịch bản” mang tính thường niên. Bởi thông thường, vào thời điểm này, Samsung - nhà đầu tư nước ngoài có đóng góp lớn nhất cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam - sẽ đẩy mạnh xuất khẩu dòng smartphone đỉnh cao Galaxy Note.

Tháng 8 năm ngoái, khi Galaxy Note 9 ra mắt, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này cũng đạt tới 5,16 tỷ USD, tăng 33,6% so với tháng trước, góp phần không nhỏ đưa mức xuất siêu của nền kinh tế lên tới 4,69 tỷ USD sau 8 tháng. Còn nếu chỉ tính trong tháng 8, con số xuất siêu là 2,2 tỷ USD.

Nói vậy để thấy, dù mức xuất siêu 1,7 tỷ USD là tích cực, 3,4 tỷ USD cũng rất đáng ghi nhận, song nếu so với mức đạt được của năm ngoái, thì vẫn thua một bậc. Điều này phần nào cho thấy, tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay không được như kỳ vọng.

Trong 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước đạt gần 170 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. 8 tháng đầu năm ngoái, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu là 16,7%.

Mức tăng trưởng xuất khẩu chưa được như kỳ vọng có nhiều nguyên nhân, mà một trong số đó là sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng nông, thủy sản. Chẳng hạn, 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 2,6%; rau quả giảm 6%; hạt điều giảm 9,4%...

Nhưng nguyên nhân lớn nhất có lẽ nằm ở sự chững lại của xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện. 8 tháng năm nay, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của mặt hàng này chỉ là 4,3%, trong khi 8 tháng năm ngoái tăng 18,5%. Cũng vì mặt hàng này thậm chí có tăng trưởng âm trong mấy tháng đầu năm, đặc biệt trong tháng 3, tháng 4, mà chủ yếu là do sản xuất và xuất khẩu linh kiện điện thoại gặp khó, nên tăng trưởng xuất khẩu của cả nước thời điểm đó khá thấp, nền kinh tế có nhập siêu.

Hiện nay, tình hình vẫn chỉ khả quan ở sản xuất và xuất khẩu điện thoại, còn linh kiện, sản xuất công nghiệp trong 8 tháng qua giảm 18,3% so với cùng kỳ. Điều đó có nghĩa, sau giai đoạn mang tính thời điểm - tăng cường xuất khẩu Galaxy Note 10, thì rất có thể, tăng trưởng xuất khẩu của mặt hàng điện thoại và linh kiện sẽ khó tiếp tục đạt ở mức cao, ảnh hưởng tới tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước, ảnh hưởng tới cả tăng trưởng sản xuất công nghiệp, tăng trưởng kinh tế.

Hơn một lần, các chuyên gia kinh tế đề cập nỗi lo nền kinh tế phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài, vào một doanh nghiệp hay một mặt hàng nào đó. Tình hình có thể chưa đến mức như vậy, song những phân tích ở trên cho thấy, dấu hiệu phụ thuộc không phải là không có và đó là điều đáng lo ngại.

Tiếp tục thúc đẩy sản xuất của khu vực trong nước, nâng cao năng lực, cơ cấu lại nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài là bài toán cần có lời giải rốt ráo hơn bao giờ hết.

Tin liên quan
Tin khác