Tiêu dùng
Xuất siêu vọt lên 13,25 tỷ USD
Hải Yến - 20/07/2023 14:17
Lũy kế từ đầu năm đến nửa đầu tháng 7/2023, hoạt động nhập khẩu hàng hóa vẫn giảm sâu hơn chiều xuất khẩu, thành thử, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu vọt lên 13,25 tỷ USD.
Nhập khẩu hàng hóa suy giảm mạnh hơn so với xuất khẩu, đẩy xuất siêu tăng lên 13,25 tỷ USD.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 7/2023, xuất nhập khẩu cả nước đạt 27,2 tỷ USD, giảm 4,1% so với nửa cuối tháng 6, trong đó, xuất khẩu đạt 13,81 tỷ USD, nhập khẩu 13,38 tỷ USD, xuất siêu 0,43 tỷ USD.

Lũy kế từ đầu năm đến 15/7, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 178,5 tỷ USD, giảm 11,4% so với cùng kỳ, nhập khẩu đạt 165,2 tỷ USD, giảm 18,4%. Với mức thực hiện này, đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần  343,65 tỷ USD, giảm 14,9%.

Cán cân thương mại tính đến 15/7 xuất siêu 13,25 tỷ USD.

Nhìn vào kết quả xuất khẩu nửa đầu tháng 7 vẫn thấy rõ khó khăn bao trùm hoạt động thương mại. Tuy nhập khẩu đã tăng so với kỳ trước 5,5%, nhưng lũy kế từ đầu năm đến 15/7 vẫn giảm 18,4% (tương đương mức giảm hơn 37 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái).

Sự suy giảm này cho thấy những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu, nhu cầu hàng hóa thế giới giảm, đơn hàng ít đi,  nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất để xuất khẩu chưa thể hồi phục.

Lãnh đạo Bộ Công thương đánh giá, xuất siêu tăng cao một mặt góp phần ổn định cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng trong tình hình hiện nay, nếu xuất siêu do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm do thiếu vắng đơn hàng thì chưa hẳn đã tích cực.

Do những khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu nên kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ hầu hết các thị trường đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu 6 tháng ghi nhận, nhập khẩu hàng hóa từ  Trung Quốc đạt 50,09 tỷ USD, giảm 18,7% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc, ước đạt 24,2 tỷ USD, giảm 25,6%; thị trường ASEAN ước đạt 20,3 tỷ USD, giảm 16,9%; Nhật Bản đạt 9,8 tỷ USD, giảm 18,7%; EU đạt 7,06 tỷ USD, giảm 10,7%; Mỹ đạt 7 tỷ USD, giảm 7,3%.

Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng chủ lực đều giảm như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 38,27 tỷ USD, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 12,3%, đạt 19,7 tỷ USD; vải các loại giảm 19,2%, đạt 6,4 tỷ USD; thép các loại giảm 32,3%; xăng dầu các loại giảm 18,4%..

Đặc biệt là kim ngạch nhập khẩu điện thoại và linh kiện các loại tiếp tục giảm mạnh khi chỉ đạt 3,45 tỷ USD, giảm 66,5%.

Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, áp lực lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng còn ở mức cao, nhu cầu tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm nên các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu như Việt Nam bị tác động mạnh. Xuất khẩu hàng điện tử và các hàng hóa chế tạo khác đã sụt giảm sâu kéo theo hoạt động nhập khẩu giảm.

Đặc thù của các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của nước ta, từ điện tử, giày dép, dệt may..., với 90% sản lượng sản xuất để  phục vụ xuất khẩu, chỉ 10% cho tiêu dùng trong nước, thành thử, khi tổng cầu thế giới sụt giảm, hoạt động sản xuất bị yếu đi nhiều.

Mới nhất, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) điều chỉnh dự báo tăng trưởng Việt Nam năm nay xuống 5,8% từ mức 6,5% đưa ra trước đó.

ADB cho biết lý do là sản xuất công nghiệp và chế biến chế tạo tại Việt Nam tiếp tục chịu sức ép từ nhu cầu bên ngoài yếu. Tốc độ tăng trưởng trong năm 2024 cũng bị điều chỉnh giảm từ 6,8% xuống 6,2%. Lạm phát được dự báo chậm lại ở mức 4% trong năm 2023 và 2024.

Tin liên quan
Tin khác