Con người là “ưu tiên số 1”
Câu chuyện được ông Bùi Văn Hải, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhắc lại khi nói về việc tạo lợi thế trong thu hút đầu tư, đó là tiềm năng con người. Một vùng đất, muốn có “khách đến chơi nhà”, trước hết, chủ nhà phải cởi mở, thân thiện.
| ||
Một góc Thành phố Bắc Giang |
Theo ông Hải, với phương châm đó, từ nhiều năm nay, Bắc Giang đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa, một cửa liên thông; tham mưu thành lập bộ phận dịch vụ sau cấp phép đầu tư để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nhanh chóng tiếp cận mặt bằng sản xuất.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng áp dụng “một cửa điện tử” trong việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính về lĩnh vực đầu tư; tiếp tục triển khai áp dụng có hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO: 9001-2008 trong việc giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư.
Cùng với đó, ưu đãi đầu tư của địa phương trong vấn đề đất đai, cơ sở hạ tầng giao thông, cấp điện, nước sạch... cho doanh nghiệp là những nội dung được chính quyền ưu tiên giải quyết.
Với những nỗ lực của mình, năm 2012, Bắc Giang đã thu hút được 16 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký 132,02 triệu USD (tương đương 2.706,4 tỷ đồng). Bên cạnh đó, tỉnh đã cấp điều chỉnh, bổ sung vốn đầu tư cho 2 dự án FDI, với vốn đăng ký bổ sung là 870,4 triệu USD.
Trong sáu tháng đầu năm 2013, tỉnh Bắc Giang đã thu hút được 15 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đạt 41 triệu USD. Tính đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 119 dự án FDI còn hiệu lực và đang triển khai thực hiện, với tổng vốn đăng ký đạt trên 1,9 tỷ USD. Vốn giải ngân thực hiện ước đạt khoảng 654,5 triệu USD, bằng 34,4% vốn đăng ký.
Ở một khía cạnh khác, các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào Bắc Giang đều quan tâm tới vấn đề chất lượng và ý thức kỷ luật của người lao động. Nhất là các nhà đầu tư đều lo ngại thiếu lao động có chất lượng cho các dự án công nghệ cao và về tình trạng đình công tự phát.
Để khắc phục tình trạng trên, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã có nghị quyết riêng về vấn đề này. Trong đó, nhấn mạnh đến việc đổi mới tư duy cho người lao động chính là người chủ của quá trình sản xuất, là người làm nên mọi thành công của doanh nghiệp. Do vậy, người lao động phải được giáo dục - đào tạo, huấn luyện toàn diện, như huấn luyện người lính trước khi ra trận; đào tạo lao động trong nước cũng phải kỹ như đào tạo lao động đi làm việc ở nước ngoài. Người lao động cần được trang bị kiến thức pháp luật lao động và rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Hiện tại, Bắc Giang có hệ thống các cơ sở đào tạo gồm: 1 trường đại học, 4 trường cao đẳng, 7 trường trung cấp và 82 cơ sở đào tạo nghề. Dân số toàn tỉnh có hơn 1,56 triệu người, trong đó có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 65% tổng dân số. Số lao động đang tham gia hoạt động kinh tế là 973.900 người, chiếm 62,1% dân số, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50,5%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 32%.
Phát huy lợi thế văn hoá và đất đai
Trong câu chuyện với phóng viên Báo Đầu tư về tiềm năng, lợi thế của Bắc Giang trong thu hút đầu tư, ông Trịnh Hữu Thắng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh không giấu được niềm tự hào về vùng đất lưu giữ kho tài nguyên văn hóa vô cùng phong phú, bao gồm cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.
“Đến với Bắc Giang, bạn sẽ ngỡ ngàng với 2.237 di tích, trong đó nhiều di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh, quốc gia và được UNESCO vinh danh. Tiêu biểu, như dân ca quan họ (cùng với Bắc Ninh) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; Bộ Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận và vinh danh là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương với giá trị, ý nghĩa quý hiếm, độc đáo; những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt; chùa Vĩnh Nghiêm được mệnh danh là “Đại danh lam cổ tự”, có lịch sử hơn một ngàn năm, gắn với dòng thiền phái Trúc Lâm, là trung tâm phật giáo, lưu trữ nhiều kinh sách, chiếm vai trò qua trọng trong tâm linh người Việt...”, ông Thắng nói.
Ngoài ra, Bắc Giang còn có nhiều hồ có diện tích mặt nước lớn, như hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, Suối Mỡ..., cùng nhiều khu rừng nguyên sinh như: Khe Rỗ, Khu bảo tồn Tây Yên Tử... Đây là điều kiện thuận lợi để Bắc Giang phát triển du lịch văn hoá tâm linh, du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng.
Bắc Giang mời gọi các nhà đầu tư xây dựng các khu du lịch, trung tâm vui chơi giải trí lớn, các khu nghỉ dưỡng cao cấp, nhà hàng, khách sạn...
Một lợi thế khác của Bắc Giang là sở hữu một vùng trung du - bán sơn địa rộng lớn, thuận lợi cho việc hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung lớn, như vùng cây ăn quả, với tổng diện tích 50.000 ha, trong đó đặc biệt nổi tiếng với vùng chuyên canh vải thiều Lục Ngạn, với diện tích, sản lượng lớn nhất toàn quốc; vùng trồng rau chế biến lớn cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn; vùng chăn nuôi “Gà đồi Yên Thế”; vùng chuyên canh thủy sản...
Những lợi thế về đất đai, khí hậu và các vùng chuyên canh nông nghiệp cộng đức tính cần cù, chịu khó... của người nông dân, Bắc Giang hội tụ đủ các điều kiện để phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa lớn, hiện đại.
Lan toả để bền vững
Ông Trịnh Hữu Thắng cho biết, định hướng thu hút đầu tư nói chung và thu hút nguồn vốn FDI nói riêng đã được tỉnh Bắc Giang cụ thể bằng Kế hoạch Tổng thể xúc tiến đầu tư giai đoạn 2011-2015. Theo đó, Bắc Giang sẽ ưu tiên thu hút đầu tư các dự án theo định hướng có chọn lọc và bảo đảm an ninh, quốc phòng, chú trọng chất lượng dự án phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm ưu tiên, đảm bảo phát triển bền vững.
Với mong muốn chuyển đổi mô hình từ tăng trưởng chiều rộng sang chiều sâu, từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, sang sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao, mang lại giá trị thặng dư lớn cho người nông dân và nhà đầu tư, tận dụng tài nguyên đất đai, bảo vệ môi trường, Bắc Giang hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp xanh theo hướng công nghệ hiện đại.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề Bắc Giang còn thiếu là các trung tâm nghiên cứu sản xuất giống, trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, các vùng rau sạch, rau an toàn, trồng hoa, trồng nấm, nuôi trồng thuỷ sản công nghệ cao...
Trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tỉnh ưu tiên thu hút các dự án có có hiệu ứng lan toả cao (có khả năng lôi kéo các dự án đầu tư khác), sử dụng công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao, chiếm ít diện tích, thân thiện với môi trường; sử dụng tiết kiệm năng lượng. Bên ngoài các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, tỉnh ưu tiên thu hút các dự án sử dụng nhiều lao động tại chỗ, hạn chế đến mức thấp nhất các dự án có công nghệ, thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và sử dụng đất lớn.
Quang Hưng