Từ những lý giải thiếu thuyết phục ...
Trong số 152 (ra ngày 19/12/2016), Báo Đầu tư đăng bài viết “Phép vua thua lệ làng” phản ánh việc loại nhà thầu tại 3 gói thầu xây lắp huyện Nhà Bè (TP.HCM) vì lý do cam kết cấp tín dụng dành riêng cho thực hiện gói thầu. Ngày 16/12, Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng công trình huyện Nhà Bè (Ban Quản lý), đơn vị làm chủ đầu tư dự án, lần lượt có văn bản phúc đáp kiến nghị gửi các nhà thầu.
Theo đó, về kiến nghị của nhà thầu Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc, Ban Quản lý cho rằng, về nguồn lực tài chính cho gói thầu, hồ sơ mời thầu (gói thầu đường Nguyễn Bình, giai đoạn II) yêu cầu ứng thầu thực hiện theo Mẫu 02, Thông tư 03/2015/TT-BKHĐT. Hồ sơ mời thầu chỉ quy định nội dung, không quy định mẫu cam kết, khi tham gia dự thầu nhà thầu có thể sử dụng các mẫu cam kết khác nhau tùy thuộc vào từng tổ chức tín dụng, nhưng phải có nội dung phù hợp và đáp ứng theo yêu cầu hồ sơ mời thầu.
Đường Nguyễn Bình, tuyến đường đầu tiên công bố kết quả đấu thầu trong 3 gói thầu của huyện Nhà Bè. Ảnh: Ngọc Tuấn |
Trên cơ sở đó, Ban Quản lý cho rằng, thư xác nhận cung cấp tín dụng cho nhà thầu Phúc Lộc được đánh giá không đạt là hoàn hợp với tiêu chí của hồ sơ mời thầu và quy định của pháp luật, bởi thư cam kết cấp tín dụng “có nhiều điều kiện đi kèm”. Cụ thể, khi xác nhận cung cấp tín dụng của Ngân hàng TMCP Quân đội - Chi nhánh Ninh Bình (cho nhà thầu Phúc Lộc) và Ngân hàng TMCP Quân đội - Chi nhánh Đông Sài Gòn (cho nhà thầu Công ty TNHH Xây dựng và Cầu đường Đại Việt) đã đưa ra điều kiện “nhà thầu phải đáp ứng điều kiện tín dụng hiện hành của Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng TMCP Quân đội”. Riêng đối với nhà thầu Phúc Lộc, Ban Quản lý khẳng định, nhà thầu này “không yêu cầu làm rõ hồ sơ mời thầu về nội dung này”, nên kiến nghị của nhà thầu là không phù hợp.
Lý giải những ý kiến của bên mời thầu, trong văn bản gửi Ban Quản lý, Ngân hàng TMCP Quân đội - Chi nhánh Đông Sài Gòn khẳng định, các xác nhận cấp tín dụng đều đáp ứng yêu cầu được bên mời thầu đưa ra và hoàn toàn phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng TMCP Quân đội. Ngoài ra, phía Ngân hàng TMCP Quân đội - Chi nhánh Đông Sài Gòn còn phân tích thêm rằng: Ngân hàng đã phát hành Thư xác nhận cấp tín dụng cho nhà thầu có kèm theo các điều kiện “nhà thầu phải đáp ứng điều kiện tín dụng hiện hành của Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng TMCP Quân đội” là bởi, theo Quy chế Cho vay số 1627/2001/QĐ - NHNN của Ngân hàng Nhà nước, tại thời điểm cấp tín dụng, ngân hàng phải có đầy đủ hồ sơ chi tiết về dự án đầu tư để thẩm định theo đúng quy định căn cứ vào các khoản 2, 3, 4, 5, Điều 7, Quy chế 1627/2001/QĐ - NHNN.
Thông tin cho phóng viên Báo Đầu tư vào cuối tuần qua, các nhà thầu đều cho biết, họ không đồng tình với phúc đáp của Ban quản lý và để ngỏ khả năng kiến nghị lên cấp cao hơn.
… đến vội vã để thành chuyện đã rồi
Có thể nói, việc bên mời thầu áp dụng quy định của pháp luật đấu thầu vào khâu chứng minh nguồn lực tài chính nhà thầu bằng thư xác nhận cam kết tín dụng mà không minh bạch những “ngoại lệ” đã gây khó hiểu cho nhà thầu.
Trong trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, chuyên gia đấu thầu Phạm Đại Hải cho rằng, Thông tư số 03/2015/BKHĐT có độ mở cao, tạo điều kiện tốt nhất cho bên tham gia đấu thầu, khi họ được phép chứng minh tài chính bằng nhiều phương án, bởi vậy, sự cứng nhắc của bên mời thầu sẽ làm mất hẳn tác dụng đó của Thông tư.
Điều lạ thường là, trong các thông báo danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật số 1482/TB-BQLĐTXD; 1483/TB-BQLĐTXD; 1483/TB-BQLĐTXD ban hành ngày 13/12/2016 chưa gửi tới tay nhà thầu bằng đường công văn chính thức, thì theo kế hoạch, cả 3 gói thầu đã tiến hành mở hồ sơ đề xuất tài chính vào sáng ngày 15/12/2016, sau thời điểm thông báo kết quả chấm kỹ thuật chỉ 2 ngày. Sáng ngày 24/12, thông tin trên mạng đấu thầu quốc gia (http://muasamcong.mpi.gov.vn) cho thấy, Ban quản lý đã công bố kết quả đấu thầu gói thầu đường Nguyễn Bình (giai đoạn 2) sau khi mở và đánh giá xong hồ sơ đề xuất tài chính. Theo kết quả này, nhà thầu trúng thầu là Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên Xung Phong với giá trúng thầu 109.502.943.102 đồng.
Điều khó có thể tưởng tượng được là, kết quả trúng thầu chỉ thấp hơn giá gói thầu 0,27% - có lẽ, mục tiêu tiết kiệm ngân sách khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi đã trở nên không còn ý nghĩa.
Cũng cần nhắc lại rằng, việc loại hàng loạt nhà thầu vì lý do còn đang gây tranh cãi nêu trên, cuộc đấu ở vòng chấm hồ sơ đề xuất tài chính ở 3 gói thầu chỉ còn mang ý nghĩa thủ tục, vì mỗi gói chỉ còn duy nhất một ứng viên độc diễn trên sàn.
Ngoài ra, nhìn vào các thông báo danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật được Ban quản lý công bố ngày 13/12/2016 cũng lộ diện nhiều bất thường. Cụ thể, 1 nhà thầu bị loại vì không có văn bản cam kết cấp tín dụng; 1 nhà thầu bị loại vì Đơn dự thầu và hồ sơ đề xuất kỹ thuật đều không có thời gian hiệu lực; 2 nhà thầu đều bị loại vì không có văn bản cam kết cấp tín dụng.
Điều dễ nhận thấy là, lý do các nhà thầu trên bị loại đều mang tính chất “vỡ lòng” trong đấu thầu và lại thêm một lần nữa, chuyện các nhà thầu này đã “đi cày quên trâu” một cách phi lý như thế khiến dư luận không khỏi liên tưởng đến chuyện “quân xanh” - “quân đỏ” trong đấu thầu.