Y tế - Sức khỏe
Y tế tư nhân đồng hành trong cuộc chiến chống Covid-19
Mộc An - 10/09/2021 08:09
Không chỉ các cơ sở y tế công lập đang vất vả nơi tuyến đầu chống Covid-19, mà cả hệ thống y tế tư nhân cũng đang vào cuộc rất tích cực với nỗ lực chung sức cùng cả nước.
Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu đã đăng ký tham gia tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19

Đóng góp nhân lực, vật lực

Dù đang phải đối diện với nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh gây ra, nhưng nhiều cơ sở y tế tư nhân vẫn đang nỗ lực để có thể đóng góp nhiều nhất cho công tác phòng chống dịch.

Ngay khi dịch bệnh bùng phát trên cả nước, Hệ thống y tế Medlatec (Medlatec Group), trong đó có Bệnh viện Đa khoa Medlatec đã có nhiều đóng góp về nhân lực, vật lực. Theo đó, trong tháng 7/2021, Medlatec trao tặng vật tư y tế, tặng 25.000 bộ kit xét nghiệm Covid-19 tới các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch. Trong tháng 8, thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế Hà Nội, sau 2 đợt lấy mẫu ngoài cộng đồng, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cơ bản hoàn thành nhiệm vụ lấy 200.000 mẫu xét nghiệm.

Nhận sự phân công của Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Medlatec được chọn là nơi tiêm chủng miễn phí theo danh sách thành phố đưa xuống và vắc-xin do thành phố cung cấp (dưới sự điều phối trực tiếp của Trung tâm Y tế quân Ba Đình). Lãnh  đạo Bệnh viện cam kết sẽ tập trung nguồn lực, trang thiết bị, vật tư tham gia lấy mẫu xét nghiệm diện rộng của TP. Hà Nội ngay khi có nhiệm vụ, kế hoạch được giao tiếp theo.

Ngay từ đầu đợt tiêm vắc-xin phòng Covid-19 giữa tháng 6/2021, theo đề nghị từ Sở Y tế TP.HCM, Công ty cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC) đã cử 350 nhân viên y tế tham gia các đội tiêm chủng, góp phần đẩy nhanh tiến độ cho thành phố đang là tâm dịch này.

Còn tại Bệnh viện Thẩm mỹ Hiệp Lợi, cơ sở này đã huy động 14 y, bác sỹ tinh nhuệ để tham gia chống dịch, hỗ trợ tiêm chủng. Các thành viên trong đoàn được trang bị đầy đủ kiến thức tiêm an toàn. Cán bộ y tế của Bệnh viện cũng tự trang bị đồ bảo hộ theo đúng quy định.

Hoạt động theo mô hình “bệnh viện phân đôi”

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp với số ca mắc mới tăng cao, nhiều cơ sở y tế tư nhân đã tự nguyện trở thành tuyến đầu điều trị bệnh nhân. Theo đó, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức (TP.HCM) có nghĩa cử đẹp khi chuyển công năng toàn Bệnh viện, thành lập Trung tâm Điều trị Covid-19 với sự tham gia của 3.000 y, bác sỹ tại 15 bệnh viện và 6 phòng khám trong hệ thống.

Trong giai đoạn đầu, Bệnh viện đưa vào hoạt động 100 giường, trong đó có 10 giường hồi sức cấp cứu và nâng tổng số lên 200 giường (trong đó có 20 giường hồi sức cấp cứu) vào giai đoạn II. Bệnh viện tiếp nhận điều trị cho người bệnh ở tầng thứ 3 theo mô hình tháp 5 tầng trong điều trị Covid-19 của TP.HCM.

Đối với những người bệnh cần điều trị ở cấp độ tầng 4 và 5, Bệnh viện đã kiến nghị Sở Y tế hỗ trợ công tác tư vấn, hội chẩn liên viện, đồng thời có cơ chế đặc biệt trong việc chuyển viện đối với những trường hợp tiên lượng nặng và nguy kịch.

Bệnh viện Triều An đăng ký hoạt động theo mô hình “Bệnh viện phân đôi” (vừa hoạt động khám chữa bệnh thông thường, vừa tiếp nhận bệnh nhân Covid-19) với 100 giường chuyên tiếp nhận và điều trị Covid-19. Trong thời gian qua, Bệnh viện Triều An đã tiếp nhận và điều trị một số trường hợp Covid-19 có triệu chứng tại khu cách ly của Bệnh viện.

Còn Bệnh viện Xuyên Á, mặc dù bệnh nhân nội trú vẫn còn rất đông với nhiều trường hợp nặng cần cần can thiệp phẫu thuật, nhưng Bệnh viện vẫn đăng ký tham gia điều trị Covid-19 theo mô hình “bệnh viện phân đôi” với quy mô 125 giường. Bên cạnh đó, lãnh đạo Bệnh viện cam kết sẽ thiết kế và triển khai xây dựng theo mô hình bệnh viện dã chiến tách rời hẳn khỏi cơ sở hiện nay của Bệnh viện.

Bệnh viện Pháp Việt cũng đã tách đôi, đưa vào sử dụng 74 giường bệnh điều trị bệnh nhân Covid-19 không cần máy thở và cả bệnh nhân nặng. Bệnh viện Pháp Việt vẫn đảm bảo việc cấp cứu 24/7 nhằm tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân thông thường và bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Bệnh viện Quốc tế Becamex Bình Dương cũng được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu của tỉnh để điều trị bệnh nhân Covid-19. Các máy móc trang thiết bị y tế do Tổng công ty Becamex IDC tài trợ và tận dụng hệ thống xét nghiệm PCR, xét nghiệm mô hiện có.

Được biết, các bệnh viện tư tham gia điều trị Covid-19 đều được tập huấn, đào tạo quy trình tiếp nhận, chẩn đoán cho đội ngũ bác sỹ, nhân viên; huấn luyện quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, cách sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân nhằm tránh lây nhiễm chéo.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cuộc chiến chống Covid-19 còn kéo dài, hơn lúc nào hết, đội ngũ y, bác sỹ không phân biệt công hay tư đều phải có trách nhiệm và bổn phận chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tư lệnh ngành y tế mong muốn lãnh đạo các cơ sở y tế tư nhân tiếp tục chung sức, chung lòng trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt trong điều trị, chăm sóc người mắc Covid-19 để các địa phương vượt qua giai đoạn rất khó khăn này.      

Tin liên quan
Tin khác