“Bạn đã bao giờ đang đi xe mà hết điện chưa? Chúng tôi tin là có, nếu bạn đi xe đạp điện. Đây là lý do để có Trạm sạc điện dành cho xe đạp điện – EBS”, nhóm tác giả viết trong phần thuyết minh ý tưởng về EBS và Công ty quản lý EBS.
Cơ chế hoạt động của trạm EBS khá đơn giản. Đó là trạm “tiếp tế” năng lượng, được đặt ở các vị trí thuận tiện trong thành phố. Đối tượng khách hàng của trạm EBS trước mắt là học sinh và sinh viên ở Hà Nội. Vì vậy, mạng lưới EBS giai đoạn đầu sẽ được đặt tại các trường học. Thời gian chờ sạc điện là lúc khách hàng đang trong các tiết học.
. |
Công ty quản lý EBS sẽ làm việc để xây dựng trạm EBS tại các trường học. Cùng với đó, Công ty sẽ làm việc với các ngân hàng, xây dựng gói sản phẩm mới là thẻ thành viên EBS dành cho học sinh, sinh viên. Sau khi học sinh sạc và sử dụng thẻ EBS, phí này sẽ tự động được chuyển qua hệ thống ngân hàng vào tài khoản của Công ty. Với những khách hàng không có thẻ EBS, có thể thanh toán bằng các loại thẻ ngân hàng khác thông qua máy cà thẻ tự động (POS).
Theo tính toán ban đầu, mỗi trạm có 10 khối sạc. Cách sạc điện đơn giản là lắp thẻ vào các máy POS, chọn khối sạc và bắt đầu sạc xe đạp. Thời gian sạc khoảng 3-5 giờ.
Giai đoạn đầu, để xây dựng được 30 trạm, cần khoảng 300 cáp sạc. Số tiền đầu tư ban đầu sẽ khoảng 100.000 - 150.000 USD, bao gồm đầu tư cơ sở vật chất, thuê địa điểm và thực hiện truyền thông. Số tiền này đang được kêu gọi từ các nhà đầu tư. Ngoài phần lợi nhuận dự kiến, logo và hình ảnh của nhà đầu tư sẽ được mô tả ngay trên màn hình của các máy POS.
“EBS tạo ra dịch vụ tiện lợi cho người đi xe đap điện, từ đó kích thích số người sử dụng xe điện, thay vì xe máy, để bảo vệ môi trường”, nhóm tác giả mong muốn.