Việc truy thu 6,888 tỷ đồng của doanh nghiệp này là bởi qua kiểm tra của cơ quan hải quan đã phát hiện ra một số C/O mẫu D không đáp ứng được yêu cầu của quy chế xuất xứ - hoá đơn do bên thứ 3 phát hành.
Tuy nhiên, theo đại diện Công ty TNHH sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam, khi làm thủ tục hải quan, cán bộ hải quan trực tiếp cũng không phát hiện được ngay từ đầu và đã chấp nhận C/O mẫu D sai của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp này cũng cho hay, theo thông tin mà họ có được thì “tại phiên họpc SCAROO 11, các nước ASEAN đã nhất trí cấp lại C/O mẫu D mới thay thế cho C/O bị lỗi đã hết hạn thời hạn hiệu lực nên nếu Công ty nộp C/O mẫu D cấp thay thế cho C/O cấp lỗi theo quy định hiện hành thì cơ quan hải quan sẽ xem xét chấp nhận”.
Vì vậy, Công ty TNHH sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam đã kiến nghị tạm thời chưa ấn định thuế với những lô hàng có C/O mẫu D bị lỗi trong 3 năm 2009-2011 và cho phép công ty được liên hệ với cơ quan cấp C/O để được cấp lại các C/O hợp lệ.
Nghĩa là, doanh nghiệp sẵn sàng tạm nộp 6,888 tỷ đồng cho các lô hàng có liên quan và xin được nhận lại toàn bộ các tờ khai có C/O mẫu D không đáp ứng được yêu cầu quy chế xuất xứ - hoá đơn do bên thứ 3 phát hành để cấp lại.
Đồng thời Công ty TNHH sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam cũng đề nghị cơ quan hữu trách của Việt Nam có văn thư gửi Bộ Thương mại Thái Lan và Indonesia hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhật Bản trong việc xin cấp lại C/O hợp lệ nếu các cơ quan này có yêu cầu.
Sau khi đã hoàn tất thủ tục chỉnh sửa và nộp lại các C/O mẫu D hợp lệ này, Công ty TNHH sản xuất phụ tùng Yamaha Motor Việt Nam cũng xin được hoàn lại số tiền thuế đã tạm nộp nói trên.
Thanh Hương