Số phận các kênh YouTube đối tác của Yeah1 đi về đâu? Ảnh minh họa Internet |
Sự việc Yeah1 Network bị YouTube ngừng hợp đồng đối tác khiến số phận của hơn 1.500 kênh YouTube trên hệ thống Yeah1 sẽ ảnh hưởng như thế nào? Yeah1 nằm trong Top 8 Network có nhiều lượt xem nhất trên thế giới. Hiện Yeah1 đang quản lý hơn 1.500 kênh YouTube lớn nhỏ gồm Vân Sơn, Hồ Ngọc Hà, Issac, Miss Universal Vietnam, Minh Hằng, Phan Mạnh Quỳnh...Việc YouTube ngừng thỏa thuận lưu trữ nội dung với hệ thống này từ 31/3/2019 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 1.500 kênh YouTube.
Về mặt bản chất, các đối tác sở hữu các kênh YouTube tham gia hệ thống và nhận chia sẻ doanh thu quảng cáo từ YouTube trên nội dung do mình sáng tạo ra. Yeah1 chỉ là đơn vị quản lí, hỗ trợ và thực hiện các thủ tục thanh toán chi trả giữa đối tác và YouTube.
Mặc dù Yeah1 đã lên tiếng trấn an các đối tác và cam kết sẽ thanh toán đầy đủ theo hợp đồng đã ký, song anh Đặng M.T - một nhà làm nội dung khá nổi tiếng trên YouTube (đề nghị không nêu tên), hiện anh đang quản lý 5 kênh YouTube có lượt người theo dõi rất lớn cho biết: “Cộng đồng YouTube mấy hôm nay náo loạn thật sự, khó khăn của các kênh YouTube trên hệ thống của Yeah1 là rất lớn”.
Theo phân tích của anh T, sai phạm đến từ chính Yeah1, Yeah1 có 3 nhánh công ty con, các tài khoản YouTube do Yeah1 quản lý tiền thu về từ YouTube sẽ vào trực tiếp các tài khoản chung Google Adsense của Yeah1, sau đó phân chia về các công ty con. Những nội dung vi phạm chính sách của YouTube, Yeah1 đã tìm cách lách qua và đổ hết các sai phạm cho một công ty con có trụ sở ở Thái Lan, dù Yeah1 chỉ sở hữu 16% cổ phần ở công ty con nói trên nhưng YouTube ngừng hệ thống Google Adsense thì toàn bộ hệ thống của Yeah1 bị “diệt” luôn.
Yeah1 gửi thư trấn an các đối tác |
“Các kênh YouTube trên hệ thống Yeah1 sẽ bị thiệt hại rất lớn, dù có được Yeah1 thanh toán đầy đủ, thì khả năng bật lại tính năng kiếm tiền của kênh là rất khó vì YouTube phải duyệt kỹ nội dung, hoặc có thể không được bật kiếm tiền, dù cho lượt theo dõi của kênh cao bao nhiêu đi chăng nữa. Nếu các YouTuber này có thể chuyển sang ký hợp đồng với đối tác khác của YouTube ở Việt Nam nhưng khả năng được duyệt cho kiếm tiền trở lại hay không là rất khó khăn”, nhà làm nội dung này cho hay.
Vậy sai phạm của Yeah1 ở mức độ nào mà khiến YouTube phải "xuống tay" với 1 đối tác trong Top 8 toàn cầu của YouTube như vậy. Theo nhà phân tích của anh T, do gần đây YouTube thắt chặt chính sách quản lý nội dung của các đối tác.
Ví dụ, YouTube yêu cầu ngăn chặn các nội dung nhảm nhí, tầm phào không tốt cho người xem, các nội dung gây nguy hại cho trẻ em, ngay cả nội dung nguy hiểm như các clip hướng dẫn chơi game Momo, nội dung liên quan đến từ khóa “Chủ tịch” chẳng hạn. Thế nhưng những nội dung dạng "thách thức", "phỏng vấn bậy" xúi bậy giới trẻ đáng ra phải gắn video 18+ nhưng vẫn được Yeah1 qua mặt để bật kiếm tiền, trong khi YouTube tin tưởng giao quyền cho Yeah1 và các đối tác trực thuộc Yeah1 để kiểm duyệt nội dung. Những nội dung này trái với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, hay có nội dung phản cảm, ảnh hưởng tới sự phát triển đạo đức của giới trẻ, YouTube thường cho "vàng tiền" (có nghĩa là không hiện quảng cáo) thì vẫn được Yeah1 sẵn sàng bật đèn xanh kiếm tiền.
"Yeah1 đã vượt mặt YouTube bật tính năng kiếm tiền cho các kênh có nội dung tào lao, nhảm nhí, vi phạm chính sách của YouTube nên đã bị YouTube trảm. Các kênh có nội dung nhảm khi ra khỏi Yeah1 sẽ khó lòng được YouTube duyệt trở lại. Trong khi YouTube đang cố gắng thắt chặt chính sách kiểm duyệt nội dung thì Yeah1 đã làm ngược lại, phá vỡ chính sách của YouTube để thu lợi nhuận", nhà phân tích nói trên cho biết.
YouTube đang có khoảng 5-6 đối tác lớn ở Việt Nam, do sức hấp dẫn của thị trường này nên đại diện một số đối tác nước ngoài của YouTube cũng nhảy vào thị trường Việt Nam.
Sự việc bắt đầu khi YouTube cho rằng SpringMe - công ty có trụ sở tại Thái Lan mà YGC có 16,5% cổ phần, có hoạt động tuyển chọn kênh trái với quy định của YouTube. Việc này khiến cả hệ thống Yeah1 Network chịu ảnh hưởng liên đới. Yeah1 Network không còn quyền quản lý toàn bộ các kênh YouTube đang liên kết với công ty.
Ngày 3/3, trong khi hàng loạt cổ phiếu tăng mạnh thì YEG là một trong số cổ phiếu hiếm hoi chốt phiên mất đi 7%, tương ứng giảm 17.100 đồng/cổ phiếu, xuống giá 227.900 đồng/cổ phiếu. Điều này khiến vốn hóa thị trường của Yeah1 bị mất 520 tỉ đồng.