Đầu tư
Yên Bái đẩy mạnh thu hút đầu tư vào du lịch - dịch vụ
Thu phương - 26/07/2021 07:11
Tập trung thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp và sản xuất, nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản, tỉnh Yên Bái sẽ chú trọng thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch - dịch vụ.
Khởi công Dự án Khu đô thị thương mại du lịch Apec Golden Valley Mường Lò tại Yên Bái

Cải thiện môi trường đầu tư

Những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Trong đó, phải kể đến nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để xây dựng môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, các tổ chức và doanh nghiệp khi hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư tại địa phương.

Năm 2020, tuy chịu ảnh hưởng mạnh từ đại dịch Covid-19, nhưng Yên Bái vẫn thu hút trên 760.000 lượt khách du lịch, doanh thu đạt gần 500 tỷ đồng.

Riêng 6 tháng đầu năm 2021, số lượng khách du lịch đến với Yên Bái đạt khoảng 505.000 lượt, gấp 3,5 lần cùng kỳ năm trước, doanh thu đạt gần 267 tỷ đồng.

 

Đề cập vấn đề này, ông Trần Thanh Chương, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái cho biết: “Trong những năm qua, mặc dù nguồn lực của Yên Bái còn hạn hẹp, thu ngân sách ở mức thấp, nhưng tỉnh đã cân đối, bố trí nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, tỉnh đã triển khai thực hiện đầy đủ, đồng bộ các cơ chế, chính sách của Trung ương nhằm khuyến khích đầu tư. Vừa qua, tỉnh đã ban hành một số nghị quyết hỗ trợ phát triển trong các ngành công nghiệp, du lịch, dịch vụ (giai đoạn 2021 - 2025), đồng thời, ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư”.

Ông Tang Yu Yun, Giám đốc Công ty TNHH Ngành gỗ Thiên An Việt Nam - doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư kinh doanh tại Yên Bái - chia sẻ, Công ty đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của tỉnh và các sở, ban, ngành ngay từ khi bắt đầu quá trình triển khai thủ tục đầu tư, xây dựng nhà máy, đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đến nay, Công ty đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 400 lao động, chủ yếu là người địa phương.

Với cơ chế thông thoáng, minh bạch, Yên Bái đã và đang thu hút một số dự án đầu tư lớn. Các tập đoàn, tổng công ty lớn, như APEC, FLC, Vingroup, TH, Hoa Sen, Eurowindow Holding, Sungroup, Viglacera… cũng đang tìm kiếm cơ hội, khảo sát, nghiên cứu triển khai dự án đầu tư tại tỉnh.

Năm 2021, Yên Bái tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, thông thoáng hơn nữa; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát triển mạnh các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân trong những ngành chủ lực, có lợi thế của tỉnh. Cùng với đó, tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại địa phương.

Trong đó, tỉnh ưu tiên phát triển ngành du lịch - dịch vụ, như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch trải nghiệm và khám phá; du lịch văn hóa, cộng đồng dân tộc; du lịch tìm hiểu lịch sử, văn hóa tâm linh; du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện tại 4 vùng du lịch trọng điểm của tỉnh là vùng du lịch Hồ Thác Bà và dọc sông Chảy, vùng du lịch TP. Yên Bái và Nam Trấn Yên, vùng du lịch Bắc Trấn Yên - Văn Yên và vùng du lịch miền Tây.

Khung cảnh nên thơ, hữu tình của những thửa ruộng bậc thang ở Yên Bái rất hấp dẫn du khách yêu thích trải nghiệm

Thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Bốn vùng du lịch với đặc điểm, thế mạnh khác nhau sẽ là điểm nhấn trong thu hút đầu tư của Yên Bái. Khu du lịch danh thắng hồ Thác Bà với trên 1.300 đảo lớn, nhỏ và nhiều hang, động tự nhiên có tiềm năng phát triển các loại hình du lịch sinh thái với quy mô lớn; vùng du lịch miền Tây với các danh thắng như Suối Giàng, suối nước nóng Bản Bon; vùng ruộng bậc thang Mù Cang Chải, khu suối khoáng nóng Trạm Tấu; khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu (Văn Yên), đầm Vân Hội (Trấn Yên)... là những khu vực rất thích hợp để phát triển các khu nghỉ sinh thái, nghỉ dưỡng, hệ thống các nhà nghỉ đơn lập kiến trúc vùng cao, các khu sinh cảnh...

Bên cạnh đó, Yên Bái còn có nhiều di tích văn hóa, lịch sử  lâu đời phục vụ du lịch văn hóa - tâm linh, như: đền Đông Cuông, đền Nhược Sơn, khu chùa - đền Hắc Y - Đại Cại, đền Thác Bà, động  Hương Thảo, chùa Ngọc Am... cùng với văn hóa ẩm thực của hơn 30 dân tộc và kho tàng văn hóa phi vật thể  phong phú như múa xòe, múa khèn, hát giao duyên... là yếu tố thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Với những tiềm năng du lịch sẵn có, Yên Bái tiếp tục chú trọng đẩy mạnh phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch có chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường gắn với việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tăng cường công tác quảng bá xúc tiến du lịch để thu hút du khách.

Để đảm bảo thu hút đầu tư toàn diện, bền vững, trọng tâm, trọng điểm nhằm phát huy hiệu quả lợi thế tài nguyên du lịch của tỉnh, Yên Bái đã quan tâm, ưu tiên đầu tư hạ tầng cho phát triển du lịch, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư hạ tầng du lịch đồng bộ, đầu tư các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hài hòa với thiên nhiên, khu du lịch thể thao, vui chơi, giải trí… tại các điểm có tiềm năng phát triển, hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái du lịch xanh theo chuỗi giá trị.

Đến nay, tỉnh đã thu hút được một số nhà đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, homestay khá hấp dẫn với tổng số trên 500 cơ sở, trong đó có 240 nhà nghỉ, khách sạn từ tiêu chuẩn đến 3 sao với trên 3.000 buồng và gần 5.000 giường, cùng hàng trăm hộ gia đình kinh doanh dịch vụ nhà ở có phòng cho thuê đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách.

Để “tiếp lửa” cho ngành du lịch của tỉnh phát triển hơn nữa, vừa qua, Hội đồng Nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp đường giao thông kết nối các địa điểm có hoạt động du lịch trên địa bàn; đầu tư cơ sở kinh doanh thương mại đạt tiêu chuẩn, kinh doanh các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh để phục vụ du khách nhằm phấn đấu đến năm 2025, đưa Yên Bái trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc.

Những giá trị văn hóa cùng nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, độc đáo sẵn có sẽ tạo ra sự khác biệt cho các loại hình sản phẩm du lịch, là cơ hội để Yên Bái quảng bá, khai thác, phát huy bản sắc văn hóa và các sản phẩm du lịch đặc trưng, có sức hấp dẫn, thu hút mạnh mẽ du khách trong và ngoài nước, tạo dấu ấn về du lịch Yên Bái trong những năm tiếp theo.

Tin liên quan
Tin khác