Yên Bái sẵn sàng bứt phá
Hà Quang - 04/04/2015 06:59
Trong nỗ lực không mệt mỏi của các địa phương vùng Tây Bắc, Yên Bái ghi điểm trong mắt nhà đầu tư với nguồn nhân lực có chất lượng và hệ thống cơ sở hạ tầng khá đồng bộ.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Khuyến khích đầu tư vào Tây Bắc để phát triển kinh tế
Khơi nguồn vốn đầu tư vào Tây Bắc
Phó Thống đốc: Tây Bắc có dự án là có vốn
Bấm nút đột phá cho Tây Bắc
Xúc tiến đầu tư vào vùng Tây Bắc năm 2015

Có mặt trong chuyến thị sát của Đoàn tham tán 13 quốc gia do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức trong chuyến thăm và làm việc với UBND tỉnh Yên Bái về một số nội dung liên quan đến lĩnh vực đầu tư, thu hút kết nối mời gọi đầu tư, ông Trần Hồng Kỳ, Tham tán phụ trách đầu tư tại Washington DC (Hoa Kỳ) khá hài lòng với chính sách thu hút đầu tư, cơ sở hạ tầng và khuyến cáo các doanh nghiệp tới Yên Bái đầu tư. Theo ông Kỳ, những năm qua, Yên Bái đã xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối tốt, chất lượng nguồn nhân lực khá cao so với yêu cầu của một địa phương miền núi.

Yên Bái cam kết tiếp tục hoàn thiện chính sách nhằm tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp

“Với đặc điểm của một tỉnh miền núi, trung tâm của vùng trung du Bắc Bộ, Yên Bái nên tập trung đầu tư vào những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, trọng điểm và phải nắm trước hàng rào kỹ thuật. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Ngoại giao sẽ giúp địa phương đưa danh sách các dự án trọng điểm lên trang đại diện bằng các tiếng Hàn, Anh, Nhật, giúp quảng bá mạnh mẽ để nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư quốc tế, có thể tìm đến Yên Bái”, ông Kỳ nói.

Theo ông Đoàn Hữu Phung, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Yên Bái là một trong những trung tâm đào tạo nghề thứ tư của khu vực phía Bắc, mỗi năm đào tạo nghề cho trên 100.000 lao động. Số người trong độ tuổi lao động tại tỉnh Yên Bái là trên 414.000 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2013 đạt 32%, phấn đấu đến cuối năm 2015 đạt 45%. Toàn tỉnh có 596 cơ sở giáo dục, trong đó có 5 trường cao đẳng, 5 trường trung học chuyên nghiệp, 9 trường trung cấp nghề với hệ thống kiên cố, được đầu tư theo hướng hiện đại và chuẩn hóa, đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhân lực có chất lượng của các dự án đầu tư.                                                                                                                                        

Cùng với nguồn nhân lực có chất lượng, Yên Bái còn có lợi thế thuận lợi khi nằm ở khu vực trung tâm của vùng trung du Bắc Bộ. Về đường bộ, hiện có các tuyến quốc lộ 32, 32C, 70, 37 kết nối liên hoàn với hệ thống đường giao thông nội tỉnh, thuận tiện đi lại và vận tải vật tư, hàng hóa đến các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Đặc biệt, tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai chạy qua địa phận tỉnh Yên Bái đi vào hoạt động năm 2014 đã rút ngắn khoảng cách Yên Bái - Hà Nội xuống còn 120 km, từ Yên Bái đi Cửa khẩu quốc tế Lào Cai còn dưới 130 km và từ Yên Bái đến cảng Hải Phòng xuống còn dưới 190 km.                            

Về đất dành cho công nghiệp, Yên Bái có 5 khu công nghiệp, với tổng diện tích 794 ha, trong đó có 3 khu công nghiệp quốc gia, 2 khu công nghiệp của tỉnh và 13 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 452 ha. Nhiều dự án đầu tư tại các khu công nghiệp đã hoạt động hiệu quả như: Khu công nghiệp phía Nam, Khu công nghiệp Minh Quân, Khu công nghiệp Âu Lâu, Khu công nghiệp Bắc Văn Yên.                   

So với các địa phương khác trong khu vực, Yên Bái có nhiều thế mạnh về nông, lâm nghiệp, tiềm năng về khoáng sản và cảnh quan thiên nhiên, với Danh thắng cấp quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải, hồ Thác Bà, Khu du lịch Suối Giàng, cánh đồng Mường Lò... Đây là điều kiện thuận lợi để Yên Bái khai thác, phát triển ngành chế biến nông, lâm nghiệp và du lịch.

Ông Phung khẳng định, để “đi tắt đón đầu” khai thác hiệu quả lợi thế của địa phương, tỉnh Yên Bái xác định, tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ, du lịch dịch vụ, hạ tầng giao thông và đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn và tay nghề cao phục vụ các doanh nghiệp đóng trên địa bàn là các khâu đột phá phát triển kinh tế.

Nhằm thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước, tỉnh Yên Bái thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, như hỗ trợ 50% kinh phí giải phóng  và san lấp mặt bằng, hỗ trợ về lãi suất đầu tư khi vay vốn tổ chức tín dụng…                                                                      

Trong nỗ lực tạo môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư, tỉnh Yên Bái còn tiến hành đơn giản hóa các thủ tục hành chính, áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông cho việc giải quyết các thủ tục cấp phép đầu tư, để rút ngắn thời gian và chi phí cho các nhà đầu tư.                       

“Yên Bái cam kết tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính sách về thu hút đầu tư, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư đến tìm cơ hội và đầu tư tại địa phương và hoạt động theo đúng cam kết, quy định của pháp luật”, ông Tạ Văn Long, Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết.

Trong quý I/2015, có 7 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đầu tư, tổng vốn đầu tư ước đạt 1,79 triệu USD, tương đương 37,68 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. Số vốn này tập trung chủ yếu vào các hoạt động bồi thường, giải phóng mặt bằng, mua sắm tài sản cố định phục vụ sản xuất, lắp đặt trang thiết bị máy móc, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông vào khu khai thác và sản xuất, nhà xưởng, nhà ở cho công nhân...

Tạo cơ hội giảm nghèo và tăng trưởng toàn diện

() Trước thềm Hội nghị Xúc tiến đầu tư và phát triển an sinh xã hội vùng Tây Bắc tổ chức tại tỉnh Sơn La vào ngày 3 và 4/4/2015, phóng viên Báo Đầu tư có cuộc phỏng vấn bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam về phát triển kinh tế và đô thị Tây Bắc.

Tin liên quan
Tin khác