. |
Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương vừa cho biết, đến tháng 7/2019, khu vực miền núi phía Bắc đã có 603/2.280 xã (26,45%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 18,34% so với cuối năm 2015). Con số này dù chưa cao so với các vùng khác trong cả nước nhưng được đánh giá là khả quan. Dự kiến đến hết năm 2019 có khả năng đạt 28,0% (hoàn thành sớm hơn 1 năm so với mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao các tỉnh Miền núi phía Bắc. Bình quân tiêu chí/xã đạt 12,28 tiêu chí (tăng 8,32 tiêu chí so với năm 2011 và tăng 4,14 tiêu chí so với năm 2015), thấp hơn so với bình quân chung của cả nước là 15,16 tiêu chí.
Cả vùng đã có 6 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (cả nước có 82 đơn vị). Các địa phương, dự kiến đến hết năm 2019, một số tỉnh khó khăn như Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái… đang khẩn trương hoàn thành hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận cho 1 đơn vị cấp huyện đat chuẩn nông thôn mới. Việc những địa phương khó khăn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới có sức lan tỏa rất lớn, tạo động lực cho các tỉnh trong vùng phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo hướng chất lượng và bền vững.
Ngoài kết quả đạt được trong 10 năm qua của Chương trình, Hội nghị sẽ tập trung đề xuất định hướng và giải pháp xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020 ở cấp thôn, bản và phát triển du lịch cộng đồng cho vùng miền núi phía Bắc.
Sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc thay đổi rõ rệt. Người dân đã phát huy vai trò chủ thể, tích cực tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia chuỗi giá trị; thu nhập ngày càng tăng, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng cao...