100 container hạt điều xuất đi châu Âu có nguy cơ bị lừa hiện đã trở về với các doanh nghiệp Việt. |
Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Italia, đến nay, toàn bộ 100 container hạt điều trong vụ việc bị có nguy cơ bị lừa đảo khi xuất khẩu cho đối tác châu Âu đều đã được trả lại quyền sở hữu cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Thông tin về vụ việc 100 container hạt điều của 6 công ty xuất khẩu Việt Nam ký hợp đồng bán cho nhóm 5 công ty nhập khẩu Italia, Thương vụ Việt Nam tại Italia cho hay, ngay khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, các doanh nghiệp Việt Nam phối hợp với các đơn vị đã kịp thời dừng không giao 26 container.
Trong số 74 container đã giao hàng xuống tàu thì có 39 container phía ta đã kịp thời dừng một số container tại cảng transit ở Singapore... cho quay trở lại Việt Nam. Một số container đã và đang trên đường đến cảng ở Italia thì phía Việt Nam đề nghị đơn vị chuyển phát chứng từ giao lại những bộ chứng từ gốc chưa giao cho ngân hàng người mua.
Trong số 35 container mất bộ chứng từ gốc, đã giải quyết được 30 container đưa về Việt Nam, bán cho khách hàng khác tại Italia hoặc bán sang nước thứ ba.
Với 5 container còn nằm lại tại cảng Italia, sau một quá trình làm việc với các cơ quan chức năng của Italia, ngày 27/5, Tòa án dân sự Larino đã ra phán quyết trả lại quyền sở hữu của 3 container nằm trong phạm vi tố tụng của tòa này.
Ngày 15 và 16/6, Cảnh sát Kinh tế - Tài chính Napoli và Cảnh sát Quân đội cảng Genova đã ra quyết định trả 2 container cuối cùng cho doanh nghiệp Việt Nam.
Như vậy, cho đến nay toàn bộ 100 container hạt điều đều đã được trả lại quyền sở hữu cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Kết quả này có được là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các cấp và việc huy động nhanh chóng mọi nguồn lực trực tiếp, gián tiếp để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp hội đàm với Thủ tướng Italia Mario Draghi để đề nghị hỗ trợ giải quyết sự việc. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có công thư gửi Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính, Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italia đề nghị các bên cùng phối hợp tham gia hỗ trợ giải quyết sự việc, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, 5 Bộ ngành (Công thương, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Công an) đã vào cuộc, cùng với sự tham gia tích cực của Hiệp hội Điều Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Italia và nhiều cơ quan, chuyên gia khác.
Đặc biệt, sự hỗ trợ tích cực của Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Italia, làm việc với các cảng, các cơ quan bảo vệ pháp luật, chính quyền, tòa án, luật sư phía Italia để đôn đốc giải quyết vụ việc.
Theo khuyến nghị của các luật sư hỗ trợ phía Việt Nam trong vụ việc này, để tránh những tình huống tương tự xảy ra trong tương lai, điều tối quan trọng là các công ty Việt Nam kinh doanh trên thị trường quốc tế phải quan tâm hơn đến các khía cạnh khác nhau của quá trình đàm phán hợp đồng xuất khẩu.
Còn theo Bộ Công thương, trong bối cảnh tình hình quốc tế nhiều biến động, doanh nghiệp cần cẩn trọng, có các phương án dự phòng rủi ro trong giao dịch thương mại với đối tác nhập khẩu.