- Dự án giải quyết ngập do triều cường tại TP.HCM: 10.000 tỷ đồng sẽ làm những gì?
- 1001 kiểu “đốt” công sức, tài sản, cơ hội đầu tư của doanh nghiệp - Bài 1: Cấp chồng dự án, doanh nghiệp lâm cảnh khốn cùng
- 1001 kiểu “đốt” công sức, tài sản, cơ hội đầu tư của doanh nghiệp - Bài 2: “Hăm hở” tham gia chương trình kích cầu đầu tư rồi điêu đứng
- 1001 kiểu “đốt” công sức, tài sản, cơ hội đầu tư của doanh nghiệp - Bài 3: Hành trình 30 năm “lên bờ, xuống ruộng”
Bài 4: Điển hình về lãng phí bởi vướng mắc pháp lý
Tại TP.HCM, điển hình về lãng phí chính là Dự án giải quyết ngập do triều 10.000 tỷ đồng. Dự án 3 lần phải dừng thi công, đội vốn hơn 14.000 tỷ đồng, dù hoàn thành hơn 90% khối lượng, nhưng “đứng hình” tới tận bây giờ. Đến mức Tổng Bí thư Tô Lâm phải “điểm danh” dự án để dẫn chứng khi nói về sự lãng phí.
Nhà đầu tư mất nhiều cơ hội
Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn I - viết tắt là Dự án ngăn triều) do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28/10/2008.
Dự án ngăn triều gần 10.000 tỷ đồng của TP.HCM ngưng trệ tới nay là điển hình của sự lãng phí |
Mục tiêu của Dự án là kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2, với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM.
Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu gần 10.000 tỷ đồng, nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trung Nam BT 1547).
Đây là dự án nhóm A, theo hình thức PPP, hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất và ngân sách Thành phố.
Chất chồng dự án chậm triển khai, chậm tiến độ
Tại Kỳ họp thứ 20, HĐND TP.HCM khóa X mới đây, các đại biểu đã thống nhất kiến nghị TP.HCM tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, giải quyết các vấn đề còn tồn đọng của các dự án cụ thể chậm triển khai, chậm tiến độ nhiều năm, gây bức xúc trong nhân dân, lãng phí nguồn lực đầu tư như: xây mới cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân); nút giao thông An Phú; nút giao thông Mỹ Thủy; nâng cấp đường Dương Quảng Hàm; xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái (quận 1); đầu tư 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đầu tư Dự án thành phần 1 thuộc Dự án đường Vành đai 3, đoạn qua địa bàn TP.HCM; Dự án thành phần 2 - bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc Dự án vành đai 3 đoạn qua TP.HCM; Hầm chui nút giao Trạm 2 xa lộ Hà Nội; nâng cấp đường Lương Đình Của, đường Nguyễn Duy Trinh; Dự án Sing - Việt, Khu E huyện Bình Chánh; Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng; Trung tâm triển lãm Thành phố; 12.500 căn hộ tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm; 154 căn hộ ở phường Hiệp Phú, TP. Thủ Đức…
TP.HCM sẽ thanh toán cho nhà đầu tư bằng hai hình thức quỹ đất và tiền. Các quỹ đất thanh toán gồm: 5.500 m2 thuộc khu A, Khu đô thị mới Nam Thành phố (quận 7); 17.573,5 m2 tại TP. Thủ Đức; 4.298 m2 tại phường 27, quận Bình Thạnh.
Phần thanh toán bằng tiền tương đương 84% giá trị quyết toán dự án (khoảng 8.380 tỷ đồng), thời hạn đến tháng 5/2026.
BIDV là ngân hàng trung gian tiếp nhận nguồn vốn, tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước để tài trợ cho chủ đầu tư thực hiện Dự án. Lịch thu nợ vay của BIDV đối với chủ đầu tư và lịch thu nợ tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước đối với BIDV được xác định tương ứng theo lịch thanh toán của UBND TP.HCM cho Trung Nam BT 1547 theo quy định tại Hợp đồng BT.
Bản chất đây là khoản cho vay ứng trước cho nhà đầu tư trong khi ngân sách TP.HCM chưa bố trí được nguồn vốn thanh toán
Dự án được khởi công hoành tráng từ giữa năm 2016, dự kiến hoàn thành năm 2018. Nếu đúng tiến độ, chỉ riêng với quỹ đất nhận được sẽ là cơ hội lớn trong đầu tư phát triển lĩnh vực bất động sản của chủ đầu tư.
Nhưng tới tháng 3/2018, BIDV - Chi nhánh Nam Sài Gòn gửi thông báo yêu cầu chủ đầu tư và UBND TP.HCM phải hoàn thiện báo cáo cho vay thanh toán Dự án trong vòng 10 ngày để BIDV đề nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn. Nếu chậm làm báo cáo, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới BIDV, bởi ngân hàng giải ngân vốn vay cho Dự án với vai trò hỗ trợ tạm thời ngân sách TP.HCM giải quyết vấn đề cấp bách. Trong khi đó, ngân hàng phải ứng vốn huy động với lãi suất thương mại 6,9%/năm để cho Dự án vay ra chỉ 3%/năm.
Nhưng bởi UBND TP.HCM chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán về giá trị giải ngân của Dự án để ngân hàng thực hiện tái cấp vốn, nên tới tháng 4/2018, chủ đầu tư phải tạm dừng thi công. Sau đó, tháng 2/2019, Dự án được tái khởi công cầm chừng.
Tới cuối năm 2020, khi Dự án thi công đạt 90% khối lượng thì tiếp tục dừng lần thứ hai, bởi hết thời gian thực hiện dự án theo hợp đồng BT, phụ lục hợp đồng BT và hết hạn giải ngân tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước.
Tới tháng 11/2023, Dự án lại tái khởi động lần 3, rồi sau đó tiếp tục dừng cho tới nay.
Lãi phát sinh mỗi ngày 1,73 tỷ đồng mà hậu quả chưa dừng
Theo BIDV, ngân hàng đã phải thu xếp nguồn vốn thương mại để trả nợ vay tái cấp vốn cho Ngân hàng Nhà nước số tiền 3.560 tỷ đồng.
Theo chủ đầu tư, tới nay Dự án đã hoàn thành hơn 90% khối lượng công việc. Việc tạm dừng và kéo dài dự án do các vướng mắc dẫn đến hiện nay lãi vay phát sinh mỗi ngày 1,73 tỷ đồng. Dù Dự án được khơi thông nguồn vốn, tiếp tục thi công, thì lãi sẽ phát sinh thêm khoảng 845 tỷ đồng, bởi sẽ cần tổng thời gian là 28 tháng, bao gồm 12 tháng làm thủ tục điều chỉnh mức đầu tư, 4 tháng đàm phán Phụ lục Hợp đồng BT và 12 tháng thi công công trình.
Với việc phát sinh lãi vay mỗi ngày 1,73 tỷ đồng, thì 16 tháng làm thủ tục pháp lý tương ứng tiền lãi khoảng 845 tỷ đồng.
Dự án đã đầu tư một lượng lớn vốn và thời gian như trên, nên việc dừng kéo dài không chỉ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Với kỳ vọng sẽ giảm thiểu đáng kể tình trạng ngập lụt do triều cường, đặc biệt là ở các khu vực trung tâm và ven sông, việc dừng dự án khiến tình trạng ngập lụt trở nên thường xuyên hơn, không chỉ gây ra thiệt hại lớn về tài sản của người dân, doanh nghiệp, mà sẽ làm giảm sức hấp dẫn của TP.HCM đối với các nhà đầu tư và du khách, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Bên cạnh đó, việc một dự án lớn bị đình trệ còn làm giảm uy tín của chính quyền địa phương.
Vướng mắc chất chồng
Trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV, lãnh đạo TP.HCM cho hay, vướng mắc gây nên tình cảnh trên bởi không có nguồn vốn để hoàn thành công trình. Điều này xuất phát từ việc BIDV không đủ cơ sở ký Phụ lục hợp đồng tín dụng với Trung Nam BT 1547 để trình Ngân hàng Nhà nước thực hiện gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn.
Vướng mắc thứ hai là chưa xác định rõ thẩm quyền và trình tự thực hiện đối với dự án đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi, mà các nội dung thay đổi dẫn đến dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.
Vướng mắc này xuất phát từ việc dự án có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, nhưng do các chi phí phát sinh và lãi vay kéo dài, con số này đã tăng lên hơn 14.000 tỷ đồng. Việc đội vốn làm thay đổi bản chất, khiến Dự án đang từ cấp TP.HCM phê duyệt (dưới 10.000 tỷ đồng) chuyển thành dự án quan trọng quốc gia, trên 10.000 tỷ đồng, cần Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.
Vướng mắc thứ ba là chưa có cơ sở thanh toán Hợp đồng BT, bởi Dự án thuộc trường hợp chuyển tiếp theo quy định Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), ngoài các quy định tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội và Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định nguyên tắc áp dụng, thì pháp luật hiện hành không có thêm quy định nào khác về việc thực hiện, điều chỉnh hợp đồng BT đã ký kết trước đây.
Việc này dẫn đến hợp đồng ký kết không đúng quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết; chưa xác định được cơ quan có thẩm quyền nào sẽ xác định hợp đồng đã ký đúng quy định và việc xác định hợp đồng ký kết đúng quy định dựa trên các tiêu chí nào. Việc điều chỉnh dự án, hợp đồng không biết phải áp dụng theo văn bản quy phạm pháp luật nào, bởi nếu theo nguyên tắc áp dụng pháp luật tại thời điểm ký kết Hợp đồng như Luật PPP và Nghị định số 35/2021/NĐ-CP của Chính phủ thì sẽ phải áp dụng nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực. Nếu theo nguyên tắc hành vi thời điểm nào áp dụng pháp luật tại thời điểm đó tại Điều 156, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì không phù hợp với Điều 101, Luật PPP; trường hợp kết hợp cả Luật PPP và pháp luật hiện hành thì sẽ áp dụng cả văn bản đã hết hiệu lực và văn bản hiện hành.
Giải pháp nào?
Tại Kỳ họp thứ 20, HĐND TP.HCM khóa X mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay, Thành phố đã bố trí 6.800 tỷ đồng vốn đầu tư cho Dự án, nhưng chưa thể thanh toán.
Lý do bởi cần phải được điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án vì thời gian thực hiện kéo dài, tổng mức đầu tư đã thay đổi. Nếu không, Thành phố sẽ không ký lại được hợp đồng, phụ lục và không có cơ sở thanh toán cho nhà đầu tư. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục tái cấp vốn, gia hạn thời gian tái cấp vốn.
Các vấn đề này Thành phố đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ.
Thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất phương án dùng 3 vị trí đất để thanh toán cho nhà đầu tư, ủy quyền cho TP.HCM định giá và thực hiện thanh toán.
Dự án đã hoàn tất kiểm toán 3.000 tỷ đồng, nên Thành phố cũng đề xuất thanh toán trước phần tiền này để nhà đầu tư hoàn thành phần còn lại của dự án, khoản chênh lệch vốn sẽ dùng trả nợ ngân hàng để giảm lãi.
Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, nếu tháo gỡ xong các vấn đề vướng mắc, nhà đầu tư cam kết hoàn thành Dự án trong vòng 12 tháng, thì Dự án sẽ khởi động đầu năm và có thể hoàn tất vào cuối năm 2025.
(Còn tiếp)