TPP là kết quả của nhiều năm đàm phán trước khi ký kết vào tháng 2/2016 |
Ngày 21/9, các trưởng đoàn của 11 nước còn lại tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã bắt đầu vòng đàm phán kéo dài 2 ngày tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản để xem xét việc sửa đổi hoặc bãi bỏ một số điều khoản trong thỏa thuận sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP vào đầu năm nay.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản Kazuyoshi Umemoto bày tỏ hy vọng tại cuộc họp này, các nước có thể đạt được một "bước tiến lớn" hướng tới Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, dự kiến diễn ra tại Việt Nam vào tháng 11 tới.
Ông tái khẳng định tầm quan trọng của việc thiết lập một hệ thống thương mại tự do và đa phương dựa trên những quy định nghiêm ngặt tại châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng hệ thống này thực sự phù hợp đối với thế kỷ 21.
Ông Umemoto cũng cho rằng cần tiếp tục theo đuổi khả năng Mỹ có thể quay trở lại TPP, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải thực thi hiệp định này "càng sớm càng tốt".
Dự kiến tại cuộc họp, các bên đàm phán sẽ xem xét một số đề xuất như điều khoản bảo vệ bản quyền và nhãn hiệu trong 70 năm sau khi người sáng tạo qua đời, hay điều khoản kêu gọi các nước tham gia TPP mở cửa thị trường mua sắm công, theo đó cho phép các công ty nước ngoài trong cùng khối tham dự đấu thầu.
Một điều khoản cũng cần được điều chỉnh là quy định TPP chỉ có hiệu lực khi được ít nhất 6 nước, chiếm tổng cộng 85% sản lượng kinh tế của 12 nước ký kết ban đầu, hoàn tất các thủ tục trong nước. Cho đến nay mới chỉ có Nhật Bản và New Zealand đã phê chuẩn hiệp định này.
Với việc Mỹ, chiếm tới 60% tổng sản lượng, rút khỏi thì hiệp định này không thể có hiệu lực.
TPP được ký kết tháng 2/2016, với 12 nước tham gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam, chiếm khoảng 40% kinh tế toàn cầu.
Ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1/2017, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố Mỹ rút khỏi TPP, cho rằng hiệp định đa phương này làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người Mỹ và nhấn mạnh Mỹ sẽ tiến hành đàm phán hiệp các định thương mại song phương.
Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, Nhật Bản hiện là nền kinh tế lớn nhất trong số 11 nước còn lại. Tokyo hy vọng đạt một sự đồng thuận giữa các nước đàm phán TPP về cách thức duy trì hiệp định, nhấn mạnh rằng TPP là kết quả của nhiều năm đàm phán trước khi ký kết vào tháng 2/2016.
Tuy nhiên, một số nước có thể kêu gọi đàm phán lại nội dung, bao gồm các loại thuế xuất nhập khẩu.