Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 13,2 tỷ USD sau 11 tháng, và sắp chạm vạch đích 14,3-14,5 tỷ USD. |
Sắp chạm vạch đích
Những khó khăn về sản xuất trong điều kiện dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn được khống chế, thiếu hụt lao động, đứt gãy chuỗi cung ứng…đã không cản được nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành hàng duy trì sản xuất, hoàn thành đơn hàng. Sau chặng đường 11 tháng, nhiều ngành hàng lớn sắp chạm tay tới vạch đích, khi đạt được tăng trưởng xuất khẩu hơn cả kỳ vọng.
Đặt mục tiêu xuất khẩu 14,3-14,5 tỷ USD trong năm nay, sau 11 tháng, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt 13,235 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020.
Đây là kết quả hết sức ấn tượng, bởi chỉ vài tháng trước, tình hình dịch bệnh căng thẳng, nhiều nhà máy đóng cửa, sản xuất “3 tại chỗ” đạt công suất thấp nên các doanh nghiệp đều rất lo lắng bị đổ bể, nhưng cuối cùng thực tế sản xuất, xuất khẩu đã hồi phục tốt.
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), ông Đỗ Xuân Lập cho biết, hiện tại tình hình sản xuất đã trở lại mức bình thường và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ đang tăng tốc sản xuất để kịp đơn hàng xuất khẩu đã ký kết cho tháng cuối năm và nửa đầu năm 2022. Do đó, hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ tăng liên tiếp trong tháng 10 và tháng 11/2021.
Tính chung 11 tháng năm 2021, ngành gỗ vẫn tăng trưởng tốt, nhờ sự nỗ lực duy trì sản xuất của doanh nghiệp trong khi dịch bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và sản xuất phục hồi nhanh sau khi nới lỏng giãn cách xã hội.
Dự tính năm 2021 trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ đạt 14,3 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2020.
Từng đặt ra 3 kịch bản về đích, trong đó kịch bản tệ nhất là xuất khẩu toàn ngành chỉ đạt 33,5 - 34 tỷ USD, nhưng nhờ sản xuất cải thiện trong 2 tháng qua, xuất khẩu dệt may đã chạm 32 tỷ USD từ cuối tháng 10 và tăng lên gần 34,7 tỷ USD vào cuối tháng 11/2021.
Cụ thể, sau 11 tháng, xuất khẩu hàng dệt may đạt 28,891 tỷ USD, tăng 7,1%, vải mành, kỹ thuật 709 triệu USD, tăng 74,3% và xơ sợi tăng kỷ lục 52,4% so với cùng kỳ, lần đầu tiên vượt mốc 5,049 tỷ USD.
Với đà xuất khẩu như hiện nay, ngành dệt may lại có cửa sáng khi khả năng về đích với kịch bản cao trên 38 tỷ USD.
Ngành gạo đóng góp trên 3 tỷ USD/năm dù bị ảnh hưởng tiến độ giao hàng xuất khẩu trong tháng 8 và 9 nhưng nhờ giá xuất khẩu được cải thiện, nên dù sản lượng xuất khẩu giảm nhưng vẫn có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 6,3 triệu tấn, trị giá khoảng 3,2 tỷ USD. 11 tháng, cả nước đã xuất khẩu 5,75 triệu tấn, kim ngạch 3,035 tỷ USD, tăng 7,3% về trị giá, trong khi sản lượng bằng với cùng kỳ 2020.
Giá xuất khẩu tăng
Bộ Công thương cho biết, đến nay, chỉ có số ít mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, như: túi xách, vali, mũ, ô dù ước đạt 2,66 tỷ USD, giảm 5,4%; chè các loại giảm 2,3%, đạt 195 triệu USD, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc, giảm 0,4%...
Nhưng, tín hiệu mừng một số loại nông sản lại được giá xuất khẩu. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản trong tháng 11 đạt 4,2 tỷ USD, tăng 8,9% so với tháng 11/2020 và tăng 5,8% so với tháng 10/2021. Lũy kế 11 tháng, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt gần 43,5 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ.
"Dù có nhiều thời điểm xuất khẩu nông sản chững lại do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song qua 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các nhóm hàng chủ lực đều tăng mạnh, hơn nữa, giá xuất khẩu hầu hết các mặt hàng đều tăng. Điển hình, giá hồ tiêu tăng tới 54,4%, giá gạo tăng 6,5%, giá cà phê, cao su, sắn lần lượt tăng ở mức 10,5%, 25,8% và 13,5%", Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định.
Đơn cử, 11 tháng, xuất khẩu hồ tiêu giảm 6,7% về lượng, đạt 247.000 tấn nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 54,4% nên trị giá xuất khẩu vẫn tăng 44%, đạt 868 triệu USD; cà phê giảm về lượng 4,4% nhưng trị giá xuất khẩu vẫn tăng 5,9%.
Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có những thuận lợi khi các ngành hàng đang khai thác hiệu quả các Hiệp định FTA và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm.
Để thúc đẩy xuất khẩu trong những tháng cuối năm, Bộ Công thương đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách. Đồng thời, tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng chiến lược.