Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị |
Tại Hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo nhấn mạnh, từ khi thành lập nước đến nay, đây là lần thứ 5 tổng điều tra dân số và nhà ở; cuộc gần đây nhất được thực hiện vào ngày 1/4/2009, cách đây 10 năm.
Theo Phó thủ tướng, đây là cuộc tổng điều tra lớn nhất từ trước đến nay với mục đích thu thập thông tin cơ bản về dân số nhà ở trên toàn quốc để phục vụ nghiên cứu quá trình phát triển dân số và nhà ở trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thông tin đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030; Phục vụ cho công tác giám sát của Ban chấp hành Trung ương khóa 12; Giám sát mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và cung cấp thông tin xây dựng cơ sơ dữ liệu thông tin quốc gia.
Việc điều tra sẽ được tiến hành trên 63 tỉnh, thành và 3 Bộ có tính đặc thù là Quốc phòng, Công an và Ngoại giao (bao gồm cả những người đang công tác ở trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài). Với các nội dung được xây dưng: Thông tin chung về dân số; tình trạng di cư; trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật; tình trạng khuyết tật; tình trạng hôn nhân; mức độ sinh, chết và phát triển dân số; tình hình đăng ký khai sinh của trẻ em; tình hình lao động - việc làm; thực trạng về nhà ở; điều kiện sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư.
Với đặc điểm dân cư có nhiều thay đổi như hiện nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định việc điều tra dân số càng có ý nghĩa quan trong đặc biệt. Đơn cử, hàng triệu người ở các tỉnh phía Bắc làm việc ở TP HCM và các tỉnh miền Đông, nếu không cẩn thận sẽ bỏ sót hoặc tính trùng.
“Con số thống kê phải chính xác, trung thưc, khách quan đảm bảo yêu cầu an toàn, tiết kiệm hiệu quả có chất lượng, kịp thời vì còn liên quan đến phân bổ ngân sách”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Báo cáo tại Hội nghị về công tác chuẩn bị cho tổng điều tra, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, để chuẩn bị cho tổng điều tra, hội nghị tập huấn nghiệp vụ và ứng dụng CNTT của tổng điều tra đã được tổ chức tại các cấp. Trong đó, hội nghị tập huấn cấp Trung ương đã được thực hiện vào tháng 12/2018; hội nghị tập huấn các cấp được thực hiện từ tháng 1/2019 đến nay với 77 hội nghị tập huấn cấp tỉnh, 2.500 hội ghị cấp huyện.
Lực lượng tham gia tổng điều tra với khoảng 9.300 giám sát viên các cấp, 110.000 điều tra viên thống kê và tổ trường điều tra. Ban chỉ đạo tổng điều tra Trung ương đã hoàn thiện 2 loại phiếu hỏi tổng điều tra gồm phiếu điều tra toàn bộ với 22 câu hỏi và phiếu điều tra mẫu với 65 câu hỏi.
Về kinh phí thực hiện, Bộ kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) được Bộ Tài chính cấp 1.100 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.
"Chúng ta huy động lực lượng tham gia đông, kinh phí bỏ ra rất lớn với 1.100 tỷ đồng trong điều kiện ngân sách khó khăn, 10 năm mới tiến hành một lần nên phải làm sao để cuộc tổng điều tra dân số chính xác, trung thực, an toàn tuyệt đối và có chất lượng cao", Phó thủ tướng nêu rõ.
Cuộc tổng điều tra sẽ bắt đầu từ ngày 1/4/2019, thời gian thu thập thông tin là 25 ngày. Kết quả sơ bộ được công bố vào tháng 7 năm 2019, kết quả điều tra mẫu được công bố vào quý IV/2019, kết quả điều tra toàn bộ được công bố vào quý II/2020. Các báo cáo phân tích chuyên đề công bố vào quý IV/2020.