TIN LIÊN QUAN | |
Góc nhìn tổng quan của Bộ Xây dựng về thị trường BĐS | |
Bộ Xây dựng phân định trách nhiệm vụ sập hầm Thủy điện Đạ Dâng | |
Địa ốc kỳ vọng vào người nước ngoài |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, năm 2014 là năm mà Bộ Xây dựng đã tập trung cao độ cho công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế quản lý nhà nước. Trong đó, đặc biệt đã hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua 3 dự án Luật quan trọng gồm: Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi).
Năm 2015, ngành xây dựng sẽ tập trung để hoàn thành các nhiệm vụ sau:
Hội nghị trực tuyến về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ kế hoạch năm 2015 của ngành xây dựng. |
1. Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành, trong đó trọng tâm là xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật mới được Quốc hội thông qua năm 2014 (Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản); sửa đổi, bổ sung các Nghị định về nâng loại đô thị, quản lý vật liệu xây dựng...
2. Đổi mới và tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát trong đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014 và các luật có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng, nhất là đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, các công trình quy mô lớn, phức tạp có ảnh hưởng lớn đến an toàn của cộng đồng, nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí, bảo đảm chất lượng công trình, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
3. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng, rà soát điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch vùng liên tỉnh, quy hoạch khu chức năng đặc thù, quy hoạch chung đô thị trên phạm vi cả nước; đẩy nhanh tốc độ phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
4. Tăng cường quản lý và kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; tích cực thực hiện Nghị định số 11/2013/NĐ-CP, chỉ đạo các địa phương khẩn trương xây dựng chương trình phát triển đô thị, phê duyệt các khu vực phát triển đô thị, thành lập các Ban quản lý khu vực phát triển đô thị...; tích cực thực hiện các chương trình, dự án phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật theo kế hoạch.
5. Triển khai thực hiện Luật Nhà ở 2014 và các văn bản hướng dẫn. Chỉ đạo các địa phương hoàn thành việc phê duyệt chương trình phát triển nhà ở của địa phương. Thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, người nghèo khu vực nông thôn, khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, lũ. Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị, nhà ở cho công nhân, nhà ở cho sinh viên.
6. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội. Tiếp tục rà soát, phân loại, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa các dự án bất động sản; đẩy mạnh tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích trung bình và nhỏ, giá bán thấp; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng.
7. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, chương trình, đề án phát triển vật liệu xây dựng, đặc biệt là xi măng và các vật liệu xây dựng chủ yếu, bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu; tích cực phát triển vật liệu xây không nung; kiểm soát chặt chẽ việc khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
8. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách TTHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành, đặc biệt là TTHC trong đầu tư xây dựng; tổ chức thực hiện Đề án xác định vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng.
9. Tổ chức thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Xây dựng; nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành Xây dựng; tích cực thực hiện cổ phần hóa các Tổng công ty nhà nước thuộc Bộ theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
10. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng và Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành Xây dựng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ gắn kết chặt chẽ với thực tiễn sản xuất và quản lý của Ngành.
11. Kiện toàn, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên môn về xây dựng các cấp, đáp ứng với yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động đầu tư xây dựng. Nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường tính tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc ngành Xây dựng.
12. Tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành xây dựng, tích cực phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành.
Một số chỉ tiêu của Ngành phấn đấu đạt được trong năm 2015:
Tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 35,5%. Tỷ lệ quy hoạch vùng tỉnh đạt 100%, quy hoạch chung đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt khoảng 72-75%, quy hoạch chi tiết 1/500 đạt khoảng 35%, quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 100%. Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 80,5-81%, tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm xuống còn 25%, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt khoảng 84,5-85%. Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 21,5m2 sàn/người. Tổng sản lượng xi măng tiêu thụ đạt khoảng 70-72 triệu tấn. Giá trị sản xuất xây dựng toàn Ngành (tính theo giá hiện hành) tăng khoảng 10% so với năm 2014.
Quang Hưng