Các Hiệp hội doanh nghiệp đề xuất điều chỉnh định mức chi phí tái chế Fs hợp lý hơn. |
14 hiệp hội gồm 13 hiệp hội ngành hàng trong nước và Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) vừa gửi thư lên Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và 8 Bộ có liên quan, đề nghị các Bộ trưởng xem xét tháo gỡ 2 vướng mắc lớn về Dự thảo định mức chi phí tái chế (Fs) cao bất hợp lý và bất cập trong triển khai thực hiện đóng góp tái chế (EPR)
Các Hiệp hội cho rằng, Dự thảo định mức chi phí tái chế vừa được Bộ Tài nguyên Môi trường trình Thủ tướng hôm 27/7/2023 có nhiều định mức tái chế rất cao, bất hợp lý, gây khó khăn rất lớn cho sản xuất-kinh doanh, cần điều chỉnh cho hợp lý.
Dẫn chứng, tại Dự thảo, một số định mức chi phí tái chế cao hơn cả mức Fs trung bình của 14 nước Tây Âu là các nước rất phát triển và có chi phí đắt đỏ, như Fs dự thảo của nhôm cao gấp 1,26 lần, của thủy tinh cao hơn 2,12 lần,…, , trong khi đáng lẽ chi phí tái chế của Việt Nam chỉ bằng 1/2-1/3 Tây Âu vì chi phí nguyên vật liệu và công nghệ như nhau nhưng chi phí nhân công của nước ta chỉ bằng 1/10 của các nước Tây Âu.
Nguyên nhân chính của dự thảo Fs cao bất hợp lý là do chưa áp dụng kinh tế tuần hoàn để tính Fs khi chưa trừ đi giá trị thu hồi được.
Chỉ riêng 3 loại bao bì giấy, nhựa và kim loại, phí tái chế phải nộp ước tính là 6.127 tỷ đồng mỗi năm. Trong đó hơn 50% phí tái chế phải nộp (khoảng 3.064 tỷ đồng/năm) là để hỗ trợ tái chế bao bì giá trị cao như bao bì kim loại, giấy carton…,, trong khi nhà tái chế chính thức đang có lãi lớn mà chưa cần hỗ trợ.
"Riêng tái chế lon nhôm, ước tính các nhà tái chế chính thức thu lãi khoảng 700 tỷ đồng đến 1.286 tỷ đồng/năm. Tái chế bao bì sắt và giấy cũng đang có lãi lớn. Việc các doanh nghiệp và người tiêu dùng phải nộp thêm nhiều ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho nhà tái chế đang có lãi lớn là rất bất hợp lý", 14 hiệp hội nêu.
Cộng thêm nhiều ngàn tỷ đồng phí tái chế cho các loại bao bì, phương tiện giao thông, sản phẩm thải bỏ khác, đây là một khoản chi phí rất lớn, sẽ gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và đẩy giá sản phẩm tăng cao, đặc biệt là trong tình trạng kinh tế khó khăn như hiện nay.
Nếu định mức này được ban hành thì sẽ ảnh hưởng lớn tới “sức khoẻ” doanh nghiệp và đời sống nhân dân .
Vì vậy, các Hiệp hội đề xuất điều chỉnh định mức chi phí tái chế hợp lý hơn, căn cứ vào nghiên cứu của Liên minh Tái chế Việt nam PRO, thực tiễn tái chế của Việt Nam và mức phí tái chế trung bình thị trường.
Cụ thể: Áp dụng hệ số 0,1 cho các vật liệu có giá trị vật liệu thu hồi được cao hơn nhiều chi phí tái chế, bao gồm bao bì kim loại gồm cả nhôm và sắt, bao bì giấy (thay cho hệ số 0,2 cho nhôm và giấy; hệ số 0,4 cho bao bì sắt trong dự thảo), vì nhà tái chế chính thức đã có lãi lớn hàng ngàn tỷ khi chưa có EPR, việc hỗ trợ thêm cho họ là không hợp lý, tiền đóng góp chỉ nên dùng để hỗ trợ việc thu gom sản phẩm, bao bì ở các vùng sâu, vùng xa.
Đối với các loại bao bì khác, các Hiệp hội đề xuất: Hệ số 0,3 thay cho 0,6 cho bao bì giấy hỗn hợp: để Fs chỉ cao hơn 131% trung bình thị trường theo nghiên cứu của Liên minh tái chế Việt Nam PRO;
Hệ số 0,2 cho nhựa cứng PET và 0,3 cho nhựa cứng HDPE thay cho 0,4: để phù hợp với thực tế là tái chế đang có lãi, tái chế PET có chi phí thấp hơn HDPE nên cần có Fs thấp hơn để khuyến khích nhà sản xuất chuyển HDPE sang PET dễ tái chế hơn.
Áp dụng hệ số 0,15 – 0,19 cho phương tiện giao thông. Theo đó, các sản phẩm phương tiện giao thông có hiệu quả tái chế từ 81% – 85% theo ISO và kinh nghiệm của Nhật Bản, vì vậy kiến nghị hệ số điều chỉnh trong khoảng 0,15 ~ 0,19 để hỗ trợ xử lý những phần khó hoặc không có giá trị tái chế.
Với đề xuất của các Hiệp hội, ước tính phí tái chế 3 loại bao bì giấy, nhựa và kim loại giảm từ 6127 tỷ đồng xuống 3.146 tỷ đồng,
Đây là một cố gắng đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay, hài hòa được cả 2 mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển sản xuất-kinh doanh
Đối với các kiến nghị để tháo gỡ các bất cập trong triển khai thực hiện đóng góp tái chế (EPR) ở Việt Nam, 14 Hiệp hội cho rằng, cần thay đổi cách nộp đóng góp tái chế từ tạm ứng trước vào đầu năm 2024 sang quyết toán theo số lượng thực tế khi kết thúc năm (tức nộp vào 4/2025).
Việc này nhằm giúp doanh nghiệp vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm với môi trường mà giảm được khó khăn, giống với cách nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là nộp vào đầu kỳ sau.
Cho phép các doanh nghiệp thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế trong cùng năm cho cùng một loại bao bì, sản phẩm thải bỏ, thay vì bắt buộc chọn một trong 2 hình thức.
Đồng thời, áp dụng hệ số điều chỉnh Fs bằng 0 đối với phần bao bì đã sử dụng vật liệu tái chế ở Việt Nam, và hệ số điều chỉnh Fs bằng 0,5 đối với các loại vật liệu thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, cần quy định rõ trách nhiệm tái chế đối với nhà sản xuất phụ tùng, bỏ giới hạn xuất khẩu không quá 20% khối lượng sản phẩm đưa ra thị trường cho một số sản phẩm trong nước chưa tái chế được, ví dụ như pin lithium. Tính trách nhiệm EPR theo nghĩa vụ tái chế cho bao bì chưa có giải pháp tái chế. Công nhận phương pháp đồng xử lý như một giải pháp tái chế.