Đầu tư
157 dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài; 5.822,9 tỷ đồng xây sân bay Quảng Trị
Hạnh Nguyên - 06/11/2021 09:16
Chính thức ban hành Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài; Đầu tư 5.822,9 tỷ đồng xây dựng sân bay Quảng Trị theo hình thức PPP...

Đó là những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua. 

Đầu tư hơn 156 tỷ đồng xây dựng mới Bến xe Vĩnh Long

Công trình Bến xe Vĩnh Long (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư hơn 156 tỷ đồng, từ nguồn đấu giá khu đất bến xe khách tỉnh Vĩnh Long hiện trạng và các nguồn vốn hợp pháp khác.

UBND tỉnh Vĩnh Long vừa có Quyết định số 2918/QĐ-UBND phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Bến xe Vĩnh Long (giai đoạn 1).

Bến xe Vĩnh Long được xây dựng tại Phường 8, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long với tổng diện tích xây dựng 22.193 m2. Trong đó, nút giao đấu nối và Quốc lộ 53 (giai đoạn 1) có chiều dài mở rộng khoảng 300 m, với diện tích xây dựng 4.413 m2.Diện tích đất thu hồi đất để xây dựng bến xe mới vào khoảng 17.778 m2.

Dự án được chia 2 làm 02 giai đoạn đầu tư: Giai đoạn 1, đầu tư xây dựng bến xe (loại 2) với diện tích khoảng 10.000 m2, gồm các hạng mục: Nhà điều hành, nhà vệ sinh, nhà xe 2 bánh, một phần garage, căn tin, mặt sân (bãi đậu xe khách, bãi chờ vào vị trí đón trả khách, khu vực đón trả khách, bãi trung chuyển), nhà bảo vệ, cổng, hàng rào, san lấp mặt bằng toàn bộ diện tích xây dựng, hệ thống thoát nước mưa, cây xanh, ốp mái taluy phạm vi cầu và phần đấu nối vào Quốc lộ 53.

Giai đoạn 2, đầu tư xây dựng bến xe với diện tích khoảng 7.778 m2 gồm các hạng mục: Garage (phần diện tích còn lại), mặt sân (bãi đậu xe khách, bãi chờ vào vị trí đón trả khách, khu vực đón trả khách, bãi trung chuyển), cây xanh.

Ngoài ra, còn đầu tư các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khác nhằm hoàn chỉnh công trình theo nội dung giải pháp thiết kế.

Công trình Bến xe Vĩnh Long thuộc dự án nhóm B, công trình giao thông cấp III, có tổng mức đầu tư hơn 156 tỷ đồng, từ vốn ngân sách nhà nước (từ nguồn đấu giá khu đất bến xe khách tỉnh Vĩnh Long hiện trạng) và các nguồn vốn hợp pháp khác. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Vĩnh Long được giao làm chủ đầu tư dự án. Thời gian thực hiện: Năm 2021 - 2025.

Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, mục tiêu đầu tư xây dựng Bến xe Vĩnh Long nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và đi lại của người dân, hạn chế lưu lượng xe vào nội ô thành phố, đảm bảo kết nối đồng bộ hệ thống giao thông đô thị TP. Vĩnh Long, từng bước nâng cấp phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải đô thị để tạo mỹ quan và chỉnh trang đô thị, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng TP. Vĩnh Long sáng, xanh, sạch, đẹp.

Quảng Nam: Cộng đồng ký cam kết bàn giao mặt bằng dự án khơi thông sông Cổ Cò

Kiểm tra dự án về tiến độ nạo vét dự án sông Cổ Cò, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, ông Phan Việt Cường chỉ đạo quyết đẩy nhanh tiến độ khơi thông sông Cổ Cò.

Ngày 30/10, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường - Trưởng ban Chỉ đạo về đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các Dự án trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 đã trực tiếp kiểm tra thực tế và làm việc với lãnh đạo TP.Hội An, TX. Điện Bàn về tiến độ nạo vét dự án sông Cổ Cò.

Đại diện hàng chục khu dân cư, khối phố và xã, phường thuộc thành phố Hội An và thị xã Điện Bàn đã ký cam kết đẩy nhanh tiến độ bồi thường, bàn giao mặt bằng dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò cho chính quyền địa phương.

Dự án nạo vét sông Cổ Cò qua tỉnh Quảng Nam dài 19,5 km, đầu tư 2 đoạn với tổng kinh phí được duyệt 1.545 tỷ đồng. Trong đó, đoạn 1 từ km0 (Cửa Đại, Hội An) đến km14 (Điện Dương, Điện Bàn) được đầu tư nạo vét luồng dài 14km và xây 2 cầu qua sông, khởi công từ ngày 30/7/2020 và dự kiến hoàn thành ngày 5/7/2022.

Đoạn 2 từ km14 (Điện Dương) - km19+456 (Điện Ngọc, Điện Bàn) được đầu tư nạo vét luồng sông dài 5,5 km và 1 cầu qua sông, khởi công trong năm 2021 và dự kiến hoàn thành vào ngày 30/12/2022.

Năm 2016 dự án khơi thông, nạo vét sông Cổ Cò được lãnh đạo hai địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng cùng thống nhất hợp tác triển khai để tạo động lực phát triển liên vùng, khôi phục lại giá trị của dòng sông trước đây.

Theo định hướng phát triển, sông Cổ Cò có vai trò quan trọng không chỉ về mặt cảnh quan mà còn thúc đẩy phát triển đô thị, du lịch nghỉ dưỡng... được hình thành dọc theo 28 km đường sông.

Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam cho biết, việc nạo vét luồng, đoạn qua Hội An thực hiện được khoảng 29,1% khối lượng hợp đồng; đoạn qua Điện Bàn khoảng 41,7% khối lượng hợp đồng.

Công trình cầu Ông Điền dự kiến hợp long vào ngày 31/12/2021, phần đường dẫn dự kiến hoàn thành vào ngày 30/4/2022 để hoàn tất toàn bộ công trình; công trình Cầu Nghĩa Tự chưa thi công, dự kiến bàn giao mặt bằng thi công trước 30/12/2021.

Hiện khó khăn, vướng mắc lớn nhất của dự án vẫn là khâu giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư (chủ yếu đoạn qua Điện Bàn). Ngoài ra, tiến độ thi công xây dựng cũng bị ảnh hưởng do Điện Bàn, Hội An vừa trải qua các đợt giãn cách xã hội kéo dài do dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND TX. Điện Bàn cho biết, về phần nạo vét luồng sông có khoảng 90ha đất bị ảnh hưởng với 664 hộ dân nằm trong nơi cần giải phóng mặt bằng.

“Khó khăn lớn nhất của Điện Bàn hiện nay là giải phóng mặt bằng và tái định cư cho người dân. Đến nay, Thị xã đã phê duyệt 14 phương án bồi thường với tổng kinh phí là 111,3 tỷ đồng gồm 605 hộ, diện tích thu hồi khoảng 41,8ha”, ông Hiếu cho hay.

Phía UBND tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó chủ tịch tỉnh cho rằng, các địa phương cần có thêm khu tái định cư, tỉnh sẽ hỗ trợ thêm đất tại các dự án để phục vụ tái định cư cho người dân để bà con nhanh chóng bàn giao mặt bằng thi công dự án.

UBND tỉnh giao TX. Điện Bàn lập tổ công tác bồi thường nhằm giải quyết các vướng mắc khi thực hiện công tác bồi thường, chuyển đổi nghề nghiệp cho bà con để việc giải phóng mặt bằng phục vụ dự án được nhanh chóng.

Nhằm quyết liệt đẩy nhanh tiến độ dự án khơi thông sông Cổ Cò, lần đầu tiên tại tỉnh Quảng Nam, đại diện hàng chục khu dân cư, khối phố và xã, phường thuộc TP. Hội An và TX. Điện Bàn đã ký cam kết đẩy nhanh tiến độ bồi thường, bàn giao mặt bằng dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò cho chính quyền địa phương.

Nghiêm túc đánh giá lại quá trình triển khai 6 dự án đường sắt đô thị

Không thể không xót xa, lo lắng khi theo dõi những thông tin không mấy tích cực liên quan đến tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM.

Nếu không kể các công trình đang trong giai đoạn nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư, thì hiện có 6 tuyến đường sắt đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt Dự án và đã triển khai trên thực địa. Trong số này, Bộ Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư 2 tuyến (Yên Viên - Ngọc Hồi và Cát Linh - Hà Đông, Hà Nội); UBND TP. Hà Nội làm chủ đầu tư 2 tuyến (Nhổn - Ga Hà Nội và Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo); UBND TP. HCM làm chủ đầu tư 2 tuyến (Bến Thành - Suối Tiên và Bến Thành - Tham Lương).

Đường sắt đô thị được xem như xương sống của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải đối với bất kỳ thành phố phát triển nào trên thế giới.

Nếu tính cả tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi đang đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư và tổng mức đầu tư của tư vấn đề xuất, thì tổng số vốn đầu tư cho 6 tuyến này lên trên 243.400 tỷ đồng (gấp đôi số vốn làm 11 đoạn cao tốc kết nối Bắc - Nam).

Các dự án này đều đã cơ bản lo xong vấn đề vốn (nguồn chủ yếu là vốn vay ODA và đối ứng từ ngân sách), trong đó có ít nhất 3 dự án đã được khởi công cách đây 14 - 15 năm.

Điểm chung đáng chú ý của các tuyến metro này đều là chậm tiến độ, đội vốn.

Cho đến thời điểm này, mặc dù chịu nhiều điều tiếng nhất, nhưng cũng chỉ có duy nhất Dự án Đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành xây dựng, đang trong giai đoạn bàn giao. Hai tuyến đường sắt được triển khai gần như cùng thời điểm (tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên và tuyến đường sắt đô thị thí điểm Nhổn - ga Hà Nội) đều phải sau năm 2022 mới có thể đưa vào vận hành khai thác toàn tuyến.

Tính bình quân, cả 3 dự án đường sắt đô thị nói trên đã qua khoảng 15 năm (bao gồm cả công tác chuẩn bị đầu tư) và khoảng 12 năm tính từ khi bắt đầu triển khai xây dựng cùng với việc phải nới đai tổng mức đầu tư 1 - 2 lần. Ngoài chậm tiến độ, tăng chi phí, một số dự án còn sa vào việc tranh chấp với nhà thầu quốc tế, trong đó nguy cơ thua kiện, bị phạt hợp đồng là rất cao.

Với năng lực vận tải lớn, di chuyển nhanh; giúp tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm không khí, đường sắt đô thị được xem như xương sống của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải đối với bất kỳ thành phố phát triển nào trên thế giới. Hà Nội và TP. HCM cũng không ngoại lệ. Hơn nữa, nhu cầu xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết, khi áp lực ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường ngày càng đè nặng lên quỹ hạ tầng eo hẹp của 2 đô thị.

Việc các dự án đường sắt đô thị bị đội vốn, “đứng hình” quá lâu đã để lại nhiều hệ lụy xấu, bao gồm cả gánh nặng tài chính, giải quyết áp lực giao thông, môi trường tại 2 đô thị lớn nhất nước.

Có khá nhiều lý do được các đơn vị chủ quản đầu tư nêu ra để lý giải cho sự bê trễ về tiến độ của các dự án hạ tầng động lực đô thị. Trong đó, 2 lý do thường thấy nhất là sự thiếu hụt kinh nghiệm trong đầu tư các tuyến đường sắt đô thị; năng lực hạn chế của các ban quản lý dự án trong quản lý điều hành các gói thầu xây lắp quy mô rất lớn với sự tham gia của rất nhiều nhà thầu ngoại lọc lõi. Bên cạnh đó, có không ít quan điểm cho rằng, chúng ta đã duy ý chí khi tự tổ chức triển khai các tuyến đường sắt đô thị trong bối cảnh tay trắng về kinh nghiệm, thay vì tiến hành thuê đơn vị quản lý từ nước ngoài, hoặc thực hiện liên danh - liên kết để học hỏi kinh nghiệm.

Điều đáng nói là, dù chủ đầu tư, ban quản lý dự án bên A, đặc biệt là các đơn vị thi công có lỗi rất lớn khi để các dự án đường sắt đô thị bị chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có tổ chức, cá nhân nào bị xử lý kỷ luật.

Chính vì vậy, trong giai đoạn trước mắt, cùng với việc dồn sức hoàn thành dứt điểm 3 dự án đường sắt đô thị là Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên; xem xét xử lý trách nhiệm chủ đầu tư; có chế tài đối với các nhà thầu thi công bê trễ theo đúng quy định hợp đồng, các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền hai thành phố cần nghiêm túc đánh giá lại toàn bộ quá trình triển khai 6 dự án sau gần 15 năm thực hiện để rút ra bài học kinh nghiệm.

Đây cũng là “chiếu nghỉ” cần thiết để từng bước đưa quá trình triển khai các dự án đường sắt đô thị về lại đúng lộ trình mong muốn, qua đó không chỉ góp phần thay đổi diện mạo đô thị Hà Nội, TP.HCM, giải quyết ùn tắc, tai nạn giao thông, mà còn hình thành được thói quen sử dụng phương tiện công cộng và văn hóa giao thông của người dân trong tương lai.

Hateco đề xuất điều chỉnh bến số 5, số 6 cảng Lạch Huyện để đón tàu 18.000 Teus

Nếu đề xuất của nhà đầu tư tư nhân này được chấp thuận, hai bến số 5, số 6 cảng cửa ngõ Lạch Huyện sẽ đón được những cỡ tàu chở container lớn nhất thế giới vào nhận, trả hàng.

Công ty cổ phần Tập đoàn Hateco vừa có văn bản gửi Bộ GTVT, UBND Tp Hải Phòng về việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết bến số 5, số 6 khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng.

Vị trí triển khai Dự án xây dựng Bến số 5, số 6 Khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng.

Nhà đầu tư này cho biết, Dự án đầu tư bến số 5, bến số 6 khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 299/QĐ – TTg ngày 4/3/2021.

Tại Quyết định này, Thủ tướng đồng ý giao Hateco là nhà đầu tư Dự án với quy mô xây dựng 2 bến với chiều dài 750 m (mỗi bến dài 375 m), tiếp nhận cỡ tàu container đến 100.000 DWT (tương đương chức chở 8.000 Teus); 1 bến sà lan tiếp nhận tàu, sà lan sức chở 48 Teus; công trình bảo vệ cảng, hệ thống kho bãi, hạ tầng phục vụ cảng, khu nươc đậu tàu và khu nước kết nối với luồng hàng hải công cộng Lạch Huyện; quy mô sử dụng đất khoảng 47 ha.

Các thông số này được dựa trên Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1037/QĐ – TTg ngày 24/6/2014.

Tuy nhiên hiện Quy hoạch tổng thể hệ thống phát triển cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ – TTg ngày 22/9/2021, trong đó cỡ tàu container container tại khu bến Lạch Huyện có sức chở từ 6.000 Teus đến 18.000 teus.

Đối với Quy hoạch chi tiết khu bến cảng Lạch Huyện, vào cuối tháng 7/2021, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng đề nghị điều chỉnh cỡ tàu tiếp nhận tại bến cảng Lạch Huyện từ 12.000 Teus lên 18.000 Teus; chiều dài bến từ bến số 5 về phía hạ lưu là 450 m/bến; bến sà lan tiếp nhận sà lan sức chở 160 Teus.

Tại công văn số 7705/VPCP – CN ngày 22/10/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với UBND Tp Hải Phòng và các cơ quan liên quan, căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tình hình triển khai các bến cảng, khả năng đầu tư mở rộng luồng để quyết định theo thẩm quyền đối với việc điều chỉnh Quy hoạch chi tiết khu bến Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng trong Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển phía Bắc (Nhóm 1) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm hiệu quả, khả thi, đồng bộ với các quy hoạch khác có liên quan.

Với những cơ sở như trên, Hateco kiến nghị Bộ GTVT, UBND Tp Hải Phòng cho phép điều chỉnh quy hoạch chi tiết bến số 5, số 6 khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng theo quy hoạch chung vừa được phê duyệt.

Ông Hoàng Đình Tuấn, Tổng giám đốc Hateco cho biết, trên cơ sở hợp tác với các đối tác hãng tàu nước ngoài thì cỡ tàu khai thác thông dụng đang sử dụng có chiều dài từ 366m đến 399m. Mặt khác diện tích khu nước trước bến nơi neo đậu tàu làm hàng và khoảng cách từ mép bến ra đến biên luồng hàng hải Lạch Huyện tại bến số 5, bến số 6 lớn hơn rất nhiều các bến khác.

Như vậy, việc tăng chiều dài tuyến bến từ 375m/bến lên 450m//bến và nâng cỡ tàu khai thác từ 6.000 Teus đến 18.000 Teus là rất cần thiết và phù hợp về mặt kỹ thuật cũng như nâng cao hiệu quả khai thác cảng và khả năng cạnh tranh với các cảng quốc tế trong khu vực. Đồng thời việc điều chỉnh quy mô bến sà lan như trên để gom rút hàng bằng đường thủy nội địa là hoàn toàn phù hợp.

“Nhà đầu tư chúng tôi cam kết bố trí đủ nguồn vốn để triển khai Dự án đầu tư bến số 5, bến số 6 với chiều dài 450m/bến, đồng thời tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, hàng hải và pháp luật có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện các bước tiếp theo”, văn bản do ông Hoàng Đình Tuấn, Tổng giám đốc Hateco ký nêu rõ.

Điện gió Thái Hòa chính thức vận hành thương mại

Nhà máy Điện gió Thái Hòa tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đã chính thức được công nhận ngày vận hành thương mại (COD), đảm bảo tiến độ theo đúng quy định.

Đây là nhà máy điện gió trên bờ được xếp vào top đầu có công suất lớn nhất Việt Nam.

Toàn cảnh nhà máy điện gió Thái Hòa

Nhà máy do Tập đoàn Thái Bình Dương là chủ đầu tư và là tổng thầu, với sự tham gia của Tập đoàn Siemens và Fichtner của Đức, Fecon và Techgel của Việt Nam, đã giúp chuyển giao công nghệ quản lý giữa các đối tác hàng đầu thế giới với các doanh nghiệp Việt Nam. 

Vừa qua, toàn bộ các turbine với tổng công suất 90MW của Nhà máy điện gió Thái Hòa đã được công nhận đạt COD theo quy định và chính thức về đích thành công, sau bao khó khăn, thách thức mà Chủ đầu tư cùng các nhà thầu phải đối mặt trước đó.

Nhà máy có tổng công suất 90 MW, tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng, sử dụng công nghệ điện gió mới nhất của Siemens, giúp tăng sản lượng điện cho nhà máy, giảm phát thải tiếng ồn, thân thiện với môi trường.

Từ một vùng đất nắng gió khô cằn, sự hình thành của Nhà máy điện gió Thái Hòa đã tạo nên một diện mạo mới cho khu vực, cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 250 GWh/ năm, góp phần tăng thu cho ngân sách địa phương.

Doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư 22 triệu USD vào Đắk Lắk

Công ty cổ phần Tae Kwang Vina Industrial (Hàn Quốc) đầu tư 22 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất giày da tại Khu công nghiệp Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột.

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đắk Lắk cho biết, UBND Đắk Lắk đã cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất giày tại Khu công nghiệp Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột cho Công ty cổ phần Tae Kwang Vina Industrial (Hàn Quốc).

Dự án được xây dựng trên diện tích 40.875 m2, với tổng mức đầu tư của dự án 486 tỷ đồng (tương đương 22 triệu USD), thời gian hoạt động 37 năm (từ 2021 đến 2058). 

Khu công nghiệp Hòa Phú của tỉnh Đắk Lắk.

Hiện tại, doanh nghiệp này đã hoàn thiện thủ tục pháp lý, cải tạo, xây dựng hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, khi đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho 5.000 lao động. Doanh nghiệp Hàn Quốc đang tuyển 1.000 lao động để đào tạo tại công ty mẹ ở tỉnh Đồng Nai, để sau về làm việc tại chi nhánh Đắk Lắk. Dự kiến, năm 2022, chi nhánh tại Đắk Lắk đi vào hoạt động, trong 3 năm, sẽ tuyển đủ 5.000 công nhân.

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đắk Lắk, nhà máy sản xuất giày là dự án FDI đầu tiên đặt nền móng tại khu công nghiệp là là tín hiệu tích cực cho môi trường đầu tư của tỉnh trong bối cảnh dịch Covid-19. Hiện có thêm 2 doanh nghiệp nước ngoài đang tìm hiểu đầu tư trong Khu công nghiệp Hòa Phú gồm Công ty TNHH Lotte Confectionery, Công ty TNHH Bamboo Nông nghiệp (thuộc Tập đoàn Bamboo Capital Group BCG)…

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2015 đến nay, tỉnh thu hút được 5 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký là 6,65 triệu USD, nâng tổng số dự án FDI đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh lên 14 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 135 triệu USD.

Các dự án đến từ nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc và Hà Lan, thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, trung tâm mua sắm, môi trường. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 21 văn phòng đại diện, tổng đại lý, cửa hàng kinh doanh, cửa hàng giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp FDI khác đặt tại tỉnh.

Bộ GTVT đồng ý quy hoạch bến cảng tổng hợp Vạn Ninh tiếp nhận cỡ tàu 20.000 tấn

Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh, xã Vạn Ninh, Tp Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận cỡ tàu 20.000 tấn sẽ được bổ sung vào Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển số 1.

Bộ GTVT vừa có công văn số 11013/BGTVT – KHĐT gửi UBND tỉnh Quảng Ninh về việc bổ sung Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh tiếp nhận cỡ tàu 20.000 tấn vào Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển số 1.

Phối cảnh công trình.

Tại công văn này, Bộ GTVT cho biết là tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050, bến cảng Vạn Ninh, Vạn Gia thuộc cảng biển Quảng Ninh được quy hoạch phục vụ chủ yếu nhu cầu hàng hóa thông qua Tp Móng Cái, phát triển kinh tế - xã hội liên vùng và cả nước, có bến tổng hợp, hàng lỏng/khí, bến cảng khách và các bến cho phương tiện thủy nội địa, tiếp nhận tàu trọng tải đến 20.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.

Do vậy, Bộ GTVT đánh giá đề xuất của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc đầu tư Dự án đầu tư xây dựng bến cảng tổng hợp Vạn Ninh đón được tàu 20.000 DWT là phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Căn cứ điều khoản chuyển tiếp tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021, Bộ GTVT chấp thuận chủ trương bổ sung Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh tiếp nhận cỡ tàu 20.000 tấn vào Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển số 1”, công văn do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang ký nêu rõ.

Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai và phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng hải Việt Nam cập nhật quy mô, công năng, phương án bố trí mặt bằng bến cảng Vạn Ninh trong quá trình lập các quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành nêu trên để đảm bảo sự thống nhất.

UBND tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ phải phối hợp chặt chẽ với Cục Hàng hải Việt Nam hướng dẫn, giám sát nhà đầu tư triển khai các bước tiếp theo phù hợp với quy hoạch chi tiết cảng biển, quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch chuyên ngành liên quan và quy hoạch chung của khu vực; đảm bảo tuân thủ trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng và các quy định liên quan của phápluật; đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, an ninh, an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường.

Bộ GTVT giao Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm cập nhật thông tin Bến cảng Vạn Ninh trong Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển số 1; hướng dẫn, giám sát Cchủ đầu tư triển khai các bước tiếp theo tuân thủ theo quy định tại Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017 của Chính phủ về quy định chitiết một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải, tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư xây dựng và các quy định liên quan của pháp luật

heo đề xuất của UBND tỉnh Quảng Ninh gửi Bộ GTVT vào cuối tháng 8/2021, Dự án đầu tư xây dựng bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1) có mục tiêu xây dựng bến cảng hàng hóa tổng hợp và container phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại khu vực, tiếp nhận cỡ tàu có trọngtải đến 20.000 DWT, trong đó giai đoạn đến năm 2024 có công suất thông qua 1,68 triệu tấn/năm, giai đoạn đến năm 2028 có tổng công suất thông qua 2,8 triệu tấn/năm.

Dự án sẽ xây dựng 500m bến cầu chính tiếp nhận đồng thời 2 tàu trọng tải 20.000 DWT hoặc 3 tàu trọng tải 10.000 DWT và tiếp nhận các sà lan ở mặt sau; xây dựng 180m bến sà lan ở phía trong, tiếp giáp bờ; xây dựng 3 cầu dẫn; nạo vét khu nước trước bến, vũng quay tàu và thiết lập hệ thống báo hiệu hàng hải; xây dựng tuyến đường giao thông kết nối cảng dài khoảng 2,5 km cùng hệ thống hạ tầng kho, bãi và các công trình phụ trợ, thiết bị với tổng diện tích đầu tư xây dựng là 827.944 m2 (diện tích vùng đất là 465.522 m2, diện tích vùng nước là 362.472 m2).

Dự án có tổng vốn đầu tư 2.248,5 tỷ đồng này đã được khởi công xây dựng vào ngày 24/10/2021

Chính thức ban hành Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài

Có 157 dự án nằm trong danh mục này. Đây là cơ sở để Việt Nam thực hiện việc xúc tiến đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025.

Sau nhiều chờ đợi, Danh mục quốc gia các Dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 vừa chính thức được Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa quyết định ban hành.

Theo đó, như đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Danh mục bao gồm 157 dự án, chủ yếu trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông; hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế; hạ tầng năng lượng; hạ tầng công nghệ thông tin; hệ thống xử lý rác, nước thải; hạ tầng giáo dục và y tế; hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch; ngành nông, lâm, thủy sản; lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.

Hạ tầng giao thông là lĩnh vực có nhiều dự án quy mô lớn nhất. Trong đó, có thể kể đến Tuyến đường sắt đô thị (metro) số 4 TP.HCM, kêu gọi đầu tư theo hình thức ODA, PPP, vốn đầu tư dự kiến 4,57 tỷ USD; cảng biển tổng hợp Hòn Khoai - Cà Mau, kêu gọi đầu tư theo hình thức liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài, vốn đầu tư 3,5 tỷ USD…

Ngoài hai dự án này, còn các dự án đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng, tuyến đường sắt Thống Nhất; cảng biển nước sâu (cảng Trần Đề); đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu; đường sắt vào cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng…

Có tới 34 dự án được kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực giao thông. Đây là lĩnh vực có nhiều dự án nằm trong Danh mục nhất, quy mô vốn đầu tư cũng rất cao.

Lĩnh vực hạ tầng năng lượng cũng có nhiều dự án quy mô lớn. Chẳng hạn, Dự án Tổ hợp Hóa dầu và sản xuất vật liệu nhựa mới ở KKT Nghi Sơn (Thanh Hóa), vốn đầu tư dự kiến 4-6 tỷ USD; Dự án Điện khí Quảng Bình, 4 tỷ USD; Nhiệt điện Long An 3 tỷ USD…

Trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, các dự án Xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp phía bắc huyện Bến Lức, xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu kinh tế Ninh Cơ, xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Ninh... đều nằm trong Danh mục.

Trong khi đó, với hạ tầng giáo dục và y tế, có các dự án Xây dựng bệnh viện đa khoa 1.000 giường thuộc Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc; xây dựng Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội; nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang và Trung tâm Y tế huyện Yên Sơn, Trung tâm Y tế huyện Hàm Yên…

Theo Quyết định 1831/QĐ-TTg ban hành Danh mục, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm chủ trì, hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Quyết định.

Đồng thời, chủ trì phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng chi tiết nội dung thông tin dự án; tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến Danh mục; tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình xúc tiến các dự án thuộc Danh mục; rà soát, kiến nghị bổ sung hoặc điều chỉnh Danh mục phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ; kinh phí của các hoạt động thực hiện theo quy định.

Hiện tại, trong Danh mục, các dự án đang được xây dựng với những thông tin cơ bản nhất, như mục tiêu dự án, địa điểm thực hiện, quy mô/thông số kỹ thuật, tổng vốn đầu tư, hình thức đầu tư và địa chỉ liên hệ.

Tuy nhiên, việc xây dựng hồ sơ cụ thể cho từng dự án đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ ngành, địa phương tiến hành. Điều này sẽ đảm bảo quá trình xúc tiến đầu tư thuận lợi hơn, các nhà đầu tư cũng dễ dàng hơn trong việc ra quyết định đầu tư.

Tập đoàn Orsted (Đan Mạch) đề xuất làm dự án điện gió 3.900 MW ngoài khơi Hải Phòng

Dự án điện gió mà Tập đoàn Orsted (Đan Mạch) đề xuất nghiên cứu có tổng công suất 3.900 MW, mức đầu tư ước tính 11,9 đến 13,6 tỷ USD.

UBND TP.Hải Phòng vừa có buổi làm việc với đoàn công tác Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam do ông Troels Jakobsen, Tham tán thương mại, làm trưởng đoàn.

Đoàn công tác của Đại sứ quán Đan Mạch. Ảnh: Đàm Thanh

Tại buổi làm việc, ông Troels Jakobsen Tham tán thương mại, Đại sứ quán Đan Mạch đã bày tỏ mong muốn, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Đan Mạch và Hải Phòng thời gian tới tiếp tục được thúc đẩy trên các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, du lịch, chuyển đổi kinh tế xanh... Đồng thời, làm việc về Dự án điện gió ngoài khơi TP Hải Phòng do Tập đoàn Orsted đề xuất nghiên cứu, khảo sát.

Dự án điện gió ngoài khơi Hải Phòng có tổng công suất là 3.900 MW, chia làm 3 giai đoạn. Sản lượng gió dự kiến là khoảng 13.665.600 MWh/năm; tuabin gió dự kiến lắp đặt công suất khoảng 20 MW, chiều cao trụ từ 150 đến 200 m. Vị trí dự án ở vùng biển ngoài khơi, phía đông nam cách đảo Bạch Long Vỹ 14 km; phía tây bắc cách quần đảo Long Châu 36 km, cách đảo Cát Bà 88 km, cách huyện Tiên Lãng 76 km, cách huyện Kiến Thụy 74 km, cách quận Đồ Sơn 70 km. Tổng mức đầu tư ước tính 11,9 đến 13,6 tỷ USD.

Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND Thành cho biết, Dự án phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, với quan điểm ưu tiên khai thác và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo...

Đánh giá cao năng lực của Tập đoàn Orsted trong lĩnh vực phát triển điện gió ngoài khơi đối với sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố, ông Thọ khẳng định sẽ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi đối với nhà đầu tư.

Để đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai, nghiên cứu quy hoạch sau này, ông Thọ đề nghị nhà đầu tư cung cấp thêm các tài liệu, bổ sung những vấn đề được các sở, ngành nêu ra tại cuộc làm việc, hoàn thiện hồ sơ để dự án có tính khả thi cao.

UBND Thành phố yêu cầu phía Tập đoàn rà soát, làm rõ các nội dung liên quan đến vị trí khảo sát, khoảng cách bố trí các tuabin gió phù hợp để kết hợp và phát triển hợp lý không gian biển một cách khoa học, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành; việc phân kỳ đầu tư, không làm tác động ảnh hưởng đến luồng hàng hải, vấn đề an ninh quốc phòng.

Tập đoàn Orsted là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi do Chính phủ Đan Mạch chiếm cổ phần chi phối. Năm 2020, doanh thu của doanh nghiệp này là 8,6 tỷ USD, lợi nhuận 3 tỷ USD. Tập đoàn Orsted hiện cung cấp năng lượng xanh cho hơn 15 triệu người trên toàn thế giới và dự kiến nâng con số này lên gấp đôi vào năm 2025.

Quảng Trị nghiên cứu quy hoạch tuyến tránh phía Tây Quốc lộ 1

Dự án nhằm mở rộng không gian phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Trị về phía Tây; giảm áp lực giao thông đi qua các đô thị trên trục Quốc lộ 1A hiện hữu...

Theo UBND tỉnh Quảng Trị, hiện nay đơn vị tư vấn Dự án TEDI đã đưa ra 3 phương án quy hoạch đường tránh phía Tây Quốc lộ 1 có điểm đầu giao với Quốc lộ 1 tại Km719+500 (phía Nam cầu Chấp Lễ, huyện Vĩnh Linh), điểm cuối giao với Quốc lộ 15D tại vị trí cách Quốc lộ 1 khoảng 3km về phía Tây, thuộc địa bàn huyện Hải Lăng.

Đầu tư tuyến tránh phía Tây Quốc lộ 1 sẽ góp phần giảm tải áp lực giao thông hiện đang rất lớn tại các đô thị nằm trên trục Quốc lộ 1A của tỉnh Quảng Trị.

Phương án 1 có tổng chiều dài khoảng 62 km (bao gồm đoạn tuyến dài khoảng 2,5 km đi trùng với tuyến tránh Hiền Lương); phương án 2 có chiều dài tuyến khoảng 64 km (bao gồm các đoạn đi trùng với đường hiện hữu khoảng 5,8 km là cầu Cam Hiếu và đường hai đầu cầu dài 3,3 km, Quốc lộ 9 tuyến tránh phía Nam khoảng 2,5 km); phương án 3 có tổng chiều dài khoảng 66 km (bao gồm các đoạn đi trùng với đường hiện hữu khoảng 5,8 km như phương án 2).

Cũng theo UBND tỉnh Quảng Trị, việc đầu tư tuyến đường tránh phía Tây Quốc lộ 1 nhằm mở rộng không gian phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Trị về phía Tây; giảm áp lực giao thông qua các đô thị trên địa bàn tỉnh và đảm bảo trật tự an toàn giao thông; kết nối đồng bộ vào hệ thống giao thông quốc gia đi qua địa bàn tỉnh như cao tốc Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao…

Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, việc đầu tư xây dựng tuyến đường tránh thành phố Đông Hà là cấp thiết, giải quyết được bức xúc cũng như nguyện vọng của nhân dân. Do vậy, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã rất quyết liệt đề xuất các bộ ngành trung ương để sớm xây dựng và hoàn thiện tuyến tránh trên. Tuy nhiên, từ cơ sở thực tiễn, hiện trạng, cũng như quá trình phân tích, nghiên cứu của tư vấn và ý kiến của các ngành, địa phương cho thấy, việc đầu tư xây dựng đường tránh phía Đông không còn phù hợp với quy hoạch và chiến lược phát triển đô thị giai đoạn 2025-2030.

Do vậy, UBND tỉnh đã giao Sở Giao thông Vận tải Quảng Trị phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu, xây dựng báo cáo dự án đường tránh phía Tây Quốc lộ 1. Trong đó, việc nghiên cứu, khảo sát tuyến đường tránh phía Tây thì ngoài việc nghiên cứu năng lực lưu thông cần tính đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, phát triển các khu dân cư, khu đô thị trong khu vực để phát huy hiệu suất cao nhất của dự án.

Cũng theo lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, hiện nay tỉnh mới chỉ đang tiến hành khảo sát để bổ sung vào quy hoạch, và nếu đảm bảo được nguồn lực thì sẽ thực hiện các thủ tục để có thể tiến hành xây dựng giai đoạn 1 của dự án.

Kon Tum chấp thuận chủ trương đầu tư dự án sản xuất viên nén 100 tỷ đồng

Dự án có địa điểm thực hiện tại Lô D6 và D7 cụm công nghiệp Đăk La, huyện Đăk Hà với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng, công suất 5.000 tấn/ tháng.

UBND tỉnh Kon Tum cho biết vừa chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất viên nén Tâm Phúc Kon Tum của Công ty Cổ phần Tâm Phúc Kon Tum.

Dự án có địa điểm thực hiện tại Lô D6 và D7 cụm công nghiệp Đăk La, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Công suất thiết kế 5.000 tấn/tháng; với sản phẩm dịch vụ cung cấp là viên nén gỗ; diện tích mặt đất sử dụng 46.146 m2.

Tổng vốn đầu tư của dự án 100 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của doanh nghiệp là 30 tỷ đồng, chiếm 30% tổng vốn dự án đầu tư và vốn vay 70 tỷ đồng, chiếm 70% tổng mức đầu tư.

Về tiến độ thực hiện, dự án dự kiến khởi công công trình từ tháng 12/2021 và hoàn thành dự án đưa vào sử dụng/hoạt động vào khoảng cuối tháng 8/2022.

Dự án được hưởng chính sách miễn giảm tiền thuế đất do nằm trong khu vực được áp dụng các chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước.

Theo UBND tỉnh Kon Tum, công nghệ áp dụng của dự án là công nghệ sản xuất viên nén kết hợp giữa lao động thô sơ và lao động cơ giới không thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao hay công nghệ cấm chuyển giao. Dự án được hưởng chính sách miễn, giảm tiền thuê đất; chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, thuế theo quy định.

UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Công ty Cổ phần Tâm Phúc Kon Tum có trách nhiệm triển khai thực hiện dự án theo đúng mục tiêu, nội dung, tiến độ cam kết; tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng, đất đai, rừng, môi trường, khoáng sản, lao động, nghĩa vụ tài chính và các quy định khác có liên quan. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết với địa phương về các giải pháp, biện pháp không làm ảnh hưởng đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân tại khu vực lân cận và thực hiện ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện, xây dựng các hạng mục của dự án, tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến rừng trong khu vực dự án và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, Luật Lâm nghiệp năm 2017 và các văn bản hướng có liên quan; đảm bảo nguồn nguyên liệu có nguồn gốc hợp pháp.

Được biết, Công ty Cổ phần Tâm Phúc Kon Tum được Sở Kế hoạch và Đầu tư Kon Tum cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu ngày 24/12/2020 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Doanh nghiệp này có trụ sở tại Lô B2, đường Quy hoạch, khu công nghiệp Hoà Bình, phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum do bà Nguyễn Thị Thu Hằng (SN 1978, trú tại TP Pleiku, Gia Lai) làm người đại diện pháp luật kiêm giám đốc, chủ tịch HĐQT với tỷ lệ sở hữu 40% cổ phần.

Tại Cụm công nghiệp Đắk La, huyện Đắk Hà, ngoài dự án vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư của Công ty Cổ phần Tâm Tâm Phúc, hiện tại đây còn có 2 dự án sản xuất viên nén khác của Công ty TNHH một thành viên Trường Nguyên Khánh với công suất 100 - 150 tấn thành phẩm/ngày, tổng vốn đầu tư 11 tỷ đồng; và dự án sản xuất viên nén năng lượng của Công ty TNHH Phúc Thịnh Kon Tum với công suất thiết kế 700-1.000 tấn thành phẩm/tháng, tổng vốn đầu tư 15 tỷ đồng.

Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa: 55 tuyến vận tải chính với tổng chiều dài khoảng 7.300 km

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 1829/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu đến năm 2030, phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa đồng bộ, từng bước hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Cụ thể, về vận tải, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt khoảng 715 triệu tấn; khối lượng vận chuyển hành khách đạt khoảng 397 triệu lượt khách; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt khoảng 150 tỷ tấn.km; khối lượng luân chuyển hành khách đạt khoảng 7,7 tỷ khách.km.

Về kết cấu hạ tầng: Cải tạo nâng cấp các tuyến chính có mật độ vận tải cao, đáp ứng chạy tàu 24/24 giờ; phấn đấu tổng chiều dài các tuyến khai thác đồng bộ theo cấp kỹ thuật đạt khoảng 5.000 km; phát triển hệ thống cảng, bến thủy nội địa đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách trên các hành lang vận tải thủy; từng bước hiện đại hóa các cảng chính, cảng chuyên dùng; kênh hóa các đoạn sông qua đô thị lớn và chuyển đổi công năng cảng thủy nội địa xếp dỡ hàng hóa phù hợp với quá trình đô thị hóa; hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.

Quyết định nêu rõ, quy hoạch 9 hành lang vận tải thủy gồm: 1 hành lang ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang (khu vực miền Trung thuộc hành lang ven biển), 4 hành lang khu vực miền Bắc (Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội, Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình, Hà Nội - Nam Định - Ninh Bình và Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai) và 4 hành lang khu vực miền Nam (TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau, TP. Hồ Chí Minh - An Giang - Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu - Tây Ninh - TP. Hồ Chí Minh và hành lang vận tải thủy kết nối với Campuchia qua sông Tiền, sông Hậu). Trên hành lang gồm các tuyến vận tải chính và một số tuyến vận tải nhánh.

Quy hoạch 55 tuyến vận tải chính trên 140 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 7.300 km (trong đó khai thác đồng bộ theo cấp kỹ thuật đạt khoảng 5.000 km). Trong đó, miền Bắc có 18 tuyến chính trên 49 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 3.028 km; miền Trung có 11 tuyến chính trên 28 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 1.229 km và miền Nam có 26 tuyến chính trên 63 sông, kênh với tổng chiều dài khoảng 3.043 km. Trên các tuyến vận tải, đầu tư đồng bộ các kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.

Quy hoạch 54 cụm cảng hàng hóa, tổng công suất khoảng 361 triệu tấn, gồm: miền Bắc có 25 cụm cảng, tổng công suất khoảng 199 triệu tấn; miền Trung có 8 cụm cảng, tổng công suất khoảng 9 triệu tấn và miền Nam có 21 cụm cảng, tổng công suất khoảng 153 triệu tấn.

Quy hoạch 39 cụm cảng hành khách chính với tổng công suất khoảng 53,4 triệu lượt khách. Trong đó miền Bắc có 10 cụm cảng, tổng công suất khoảng 10,9 triệu lượt khách; miền Trung có 14 cụm cảng, tổng công suất khoảng 2,5 triệu lượt khách và miền Nam có 15 cụm cảng, tổng công suất khoảng 40 triệu lượt khách.

Mỗi cụm cảng hàng hóa, hành khách gồm các cảng thủy nội địa chính và cảng thủy nội địa vệ tinh. Cỡ tàu quy hoạch cảng thủy nội địa là cỡ tàu đồng bộ theo cấp kỹ thuật quy hoạch tuyến luồng đường thủy, trong quá trình triển khai, tùy theo điều kiện về hạ tầng luồng, thông số phương tiện, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định cỡ tàu khai thác bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Cảng chuyên dùng được quy hoạch phát triển theo nhu cầu vận tải phục vụ trực tiếp và phù hợp với quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy sản xuất, đóng mới sửa chữa phương tiện, chế biến nông, lâm, thủy sản.

Về định hướng phát triển đường thủy nội địa địa phương, quy hoạch đường thủy nội địa địa phương thực hiện theo phương án phát triển mạng lưới giao thông tỉnh trong quy hoạch tỉnh được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 27 Luật Quy hoạch.

Quy hoạch cảng, bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy địa phương và cảng hành khách, cảng chuyên dùng, bến thủy nội địa trên tuyến đường thủy quốc gia trong quy hoạch tỉnh được phát triển phù hợp với quy hoạch phát triển không gian tỉnh, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với Quy hoạch này. Các địa phương hạn chế phát triển và có lộ trình di dời bến thủy nội địa xếp dỡ hàng hóa tại các khu vực nội đô ảnh hưởng lớn đến giao thông đô thị; từng bước nâng cấp các bến thủy nội địa có đủ điều kiện và phù hợp với quy hoạch lên thành cảng thủy nội địa; ưu tiên quy hoạch phát triển bến thủy nội địa để tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên phục vụ vận tải thủy tại các vùng sâu, vùng xa.

Scavi đề xuất dự án hơn 500 tỷ đồng tại Quảng Trị

Công ty Scavi Huế vừa đề xuất đầu tư dự án Nhà máy sản xuất trang phục lót và hàng thể thao với tổng mức đầu tư 575 tỷ đồng tại Quảng Trị.

UBND tỉnh Quảng Trị cho biết vừa có văn bản xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị về việc xem xét chủ trương đối với Dự án Nhà máy sản xuất trang phục lót và hàng thể thao của Công ty Scavi Huế.

Trụ sở nhà máy may Scavi Huế tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay.

Theo đó, dự án được đề xuất với tổng mức đầu tư 575 tỷ đồng (tương đương 25 triệu USD), trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 115 tỷ đồng và vốn huy động là 460 tỷ đồng. Dự án diện tích 18,5ha với mục tiêu sản xuất hàng dệt sẵn, quần áo lót, quần áo thể thao và quần áo trẻ em với công suất sản xuất dự kiến khoảng 90 triệu sản phẩm/năm.

Dự án chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, từ năm 2021 đến 2022, sẽ xây dựng 1 phân xưởng/kho và các hạng mục phụ trợ với công suất 45 triệu sản phẩm/năm; Giai đoạn 2, từ năm 2023 đến 2024, xây dựng 1 phân xưởng và các hạng mục phụ trợ với công suất 45 triệu sản phẩm/năm;

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm. Địa điểm thực hiện tại Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Về tiến độ dự kiến thực hiện dự án, dự kiến trong tháng 1/2022, hoàn thành các thủ tục pháp lý của dự án và khởi công xây dựng. Đến tháng 8/2022, hoàn thành và đưa vào hoạt động giai đoạn 1 dự án; đến tháng 12/2024, hoàn thành toàn bộ dự án.

Theo đánh giá sơ bộ của UBND tỉnh Quảng Trị, dự án phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Trị theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị đến năm 2020; Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện Vĩnh Linh đã được UBND tỉnh phê duyệt tại ngày 31/8/2021.

Ngoài ra, mục tiêu của dự án phù hợp Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt năm 2012 và cơ bản phù hợp với quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 321 8/QĐ-BCT ngày 11/4/2014. Đồng thời, dự án cơ bản phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng Khu công nghiệp Bắc Hồ Xá theo Quyết định số 2255/QĐ-UBND ngày 25/8/2021 của UBND Quảng Trị.

Theo UBND tỉnh Quảng Trị, phạm vi 15,64ha đất xây dựng nhà máy đảm bảo theo quy hoạch, còn 2,48ha đất hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp và 0,38 ha đất giao thông, sẽ được điều chỉnh cục bộ quy hoạch sử dụng đất trong tộc tiếp theo để đảm bảo theo đúng quy hoạch được duyệt.

Về hình thức thuê đất, dự án được xác định sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh tại huyện Vĩnh Linh thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư, trong đó có miễn tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ nên việc thuê đất được thực hiện không thông qua hình thức đấu giá.

Việc cho thuê đất thực hiện theo từng giai đoạn của dự án, sau khi hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng giai đoạn 1 mới lập hồ sơ thuê đất giai đoạn 2.

Về hiệu quả đầu tư, theo báo cáo thẩm định của Ban Quản lý Khu kinh tế Tỉnh Quảng Trị thì giá trị tại thời điểm hiện nay của toàn bộ dòng tiền Dự án trong tương lai 50 năm tới được chiết khấu về hiện tại là NPV = 742 tỷ đồng; Lãi ròng của Dự án IRR = 10%, nằm trong mức lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở các ngân hàng thương mại, cho thấy dự án có tính khả thi. Thời gian hoàn vốn của dự án là 5,2 năm, nhỏ hơn số năm trong dòng đời dự án (50 năm), điều này cho thấy dự án thu hồi vốn đầu tư nhanh, là dự án tiềm năng.

Tác động và hiệu quả về mặt xã hội, theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Trị, dự án khi dự án triển khai và hoạt động sẽ tạo thêm cơ hội việc làm cho khoảng 7.000 lao động trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là lao động tại huyện Vĩnh Linh và vùng lân cận. Đây là cơ hội việc làm cho người dân trên địa bàn tỉnh nhằm ổn định đời sống và phát triển kinh tế xã hội.

Ngoài ra, khi nhà máy hoàn thành đi vào hoạt động, dự kiến doanh thu khoảng 4.000-6.000 tỷ đồng/năm, đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 100 - 200 tỷ đồng/năm.

Trên cơ sở đánh giá trên, UBND tỉnh Quảng Trị đã kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị thống nhất chủ trương cho Công ty Scavi Huế thực hiện dự án này.

Được biết, Công ty Scavi Huế là thành viên trực thuộc Tập đoàn Corèle International (Pháp). doanh nghiệp này được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp  lần đầu ngày 27/3/2008. Địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp hiện nay tại Khu công nghiệp Phong Điền, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế - đây cũng là trụ sở chính của nhà máy dệt may Scavi Huế hiện nay. Doanh nghiệp này do ông Trần Văn Mỹ (có địa chỉ thường trú tại phường An Phú, Quận 2, TP. Hồ Chí Minh) làm gười đại diện theo pháp luật .

Về năng lực tài chính, Công ty Scavi Huế có vốn điều lệ đăng ký 204,8 tỷ đồng; gồm các cổ đông là Công ty cổ phần Scavi góp 182,7 tỷ đồng và ông Trần Văn Phú góp 22 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu năm 2020 là 1.401,8 tỷ đồng, tăng 530,5 tỷ đồng so với năm 2019.

Đầu tư 5.822,9 tỷ đồng xây dựng sân bay Quảng Trị theo hình thức PPP

Sân bay Quảng Trị có tổng vốn đầu tư dự kiến 5.822,9 tỷ đồng, phân kỳ thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1, tổng mức đầu tư là 2.913,6 tỷ đồng.

UBND tỉnh Quảng Trị vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc quyết định chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Theo đó, dự án thuộc dự án nhóm A với nhà đầu tư lập đề xuất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án là Tập đoàn T&T. Địa điểm thực hiện dự án tại các xã Gio Quang, xã Gio Hải và xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Sân bay Quảng Trị do Tập đoàn T&T lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Mục tiêu đầu tư của dự án nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải đường hàng không ngày càng tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế  xã hội; đồng thời đảm bảo tính cơ động cao trong việc phòng thủ, cũng như trong công tác cứu hộ, cứu nạn; đảm bảo quốc phòng - an ninh của khu vực Trung bộ nói chung và của tỉnh Quảng Trị nói riêng, phù hợp quy hoạch và định hướng phát triển ngành giao thông vận tải.

Về quy mô đầu tư, dự án đầu tư theo cấp sân bay 4C và sân bay quân sự cấp II với công suất theo quy hoạch 1 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm. Loại tàu bay khai thác là tàu bay code C hoặc tương đương với tổng số 5 vị trí đỗ tàu bay (có khả năng đỗ tàu bay code E).

Dự án được chia thành 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1, dự án sẽ tiến hành xây dựng các công trình cơ bản của Cảng hàng không Quảng Trị đạt tiêu chuẩn cấp 4C và sân bay quân sự cấp II theo quy hoạch và đạt công suất theo dự báo khai thác khoảng 2,2 triệu hành khách/năm vào năm 2046 và khoảng 5.600 tấn hàng hóa vào năm 2042.

Giai đoạn 2, đầu tư hạ tầng khu phục vụ mặt đất tại Cảng hàng không năm 2029; Mở rộng nhà ga hành khách năm 2047 đảm bảo khai thác đến 5 triệu hành khách; Mở rộng nhà ga hàng hóa đợt 1 năm 2043 với công suất khai thác khoảng 13.700 tấn/năm, đợt 2 năm 2059 với công suất khai thác khoảng 25.500 tấn/năm. Đồng thời, xây dựng các văn phòng cơ quan nhà nước và các công trình dịch vụ hàng không và phi hàng không phù hợp với quy hoạch. Đối với khu đất quân sự (51,2 ha) sẽ đầu tư khi quân đội có nhu cầu.

Dự án có nhu cầu sử dụng đất dự kiến là 265,372 ha, trong đó, diện tích đất dùng chung là 177,642 ha, diện tích đất khu hàng không dân dụng là 87,73 ha).

Về hình thức đầu tư của dự án, đối với dự án giải phóng mặt bằng Cảng hàng không và xây dựng cơ quan Nhà nước tại cảng hàng không (Dự án thành phần 1): Thực hiện theo hình thức đầu tư công riêng dự án giải phóng mặt bằng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tách thành dự án riêng để giao địa phương tổ chức thực hiện. Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không (Dự án thành phần 2): Thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) - Vốn do Nhà đầu tư huy động (không sử dụng ngân sách nhà nước). Loại hợp đồng dự án PPP dự kiến là hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Tổng mức đầu tư dự kiến cho cả 2 giai đoạn là 5.822,9 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1, tổng mức đầu tư là 2.913,6 tỷ đồng; bao gồm: Vốn do nhà đầu tư huy động là 2.680,5 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu 380 tỷ đồng, vốn vay tín dụng 2.300,5 tỷ đồng) và vốn ngân sách trung ương hỗ trợ là 233,103 tỷ đồng.

Giai đoạn 2, tổng mức đầu tư dự kiến là 2.909,3 tỷ đồng, bao gồm: Vốn nhà đầu tư là 2.829,6 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu 1.080,1 tỷ đồng, vốn vay tín dụng 1.749,5 tỷ đồng) và vốn ngân sách Nhà nước là 79,7 tỷ đồng.

Dự kiến, thời gian thực hiện dự án là 50 năm, trong đó, giai đoạn chuẩn bị dự án và đầu tư xây dựng bắt đầu từ 2021 - 2024 với thời gian thực hiện đầu tư xây dựng khoảng 22 tháng. Thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn dự án là 47 năm 4 tháng.

Bàn giao, khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông từ ngày 6/11

Lễ bàn giao Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông diễn ra vào sáng ngày 6/11 giữa chủ đầu tư là Bộ GTVT và đơn vị tiếp nhận là UBND Tp Hà Nội.

Đây là một trong những thông tin quan trọng được lãnh đạo Bộ GTVT công bố tại buổi họp báo cung cấp thông tin về kế hoạch bàn giao, khai thác vận hành Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vừa kết thúc cách đây ít phút.

Buổi họp báo do lãnh đạo Bộ GTVT và lãnh đạo UBND Tp Hà Nội đồng chủ trì.

Theo đó, ngay sau lễ bàn giao tiếp nhận dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông giữa Bộ GTVT và UBND Tp Hà Nội vào lúc 7h sáng ngày 6/11, các đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ chính thức khai thác thương mại. 

Lễ khánh thành sẽ được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổ chức trong một thời điểm thích hợp.

Trong những ngày đầu đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ chạy 6 đoàn tàu với  giãn cách 10 phút/chuyến. Sau 6 tháng sau sẽ chạy 12 đoàn tàu với tần suất 6 phút/ chuyến, còn 1 đoàn tàu dự phòng.

“Chúng tôi đã quyết định miễn phí đi tàu 15 ngày đầu tiên để hành khách làm quen với tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội và Việt Nam. Sau đó sẽ thu từ 8.000 đồng -15.000 đồng/chặng, giá mở cửa 7.000 đồng, mỗi km thêm 600 đồng. Bên cạnh đó có vé ngày, vé tháng với giá ưu đãi cho hành khách”, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND Tp Hà Nội thông tin.

Theo Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội (Metro Hà Nội) – đơn vị khai thác công trình cho biết là dọc tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 55 tuyến xe buýt đã có phương án kết nối với đường sắt này từ năm 2020 và bố. Ga đầu Cát Linh và ga cuối Yên Nghĩa có 16 tuyến buýt, ga ít nhất 7 tuyến. Trong tương lai sẽ có 59 tuyến xe buýt kết nối với đường sắt Cát Linh - Hà Đông. 

Hiện Metro Hà Nội chưa bố trí chỗ gửi xe ô tô cá nhân nhưng có 12 ga bố trí đều có chỗ gửi xe máy cho người dân đi tàu. Bên cạnh đó, toàn bộ hành khách đi tàu đều được bảo hiểm trong trường hợp có tai nạn như với xe buýt, tàu hỏa, máy bay.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông là công trình đường sắt đô thị thí điểm đầu tiên được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 3136/QĐ-BGTVT ngày 15/10/2008 (phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 513/QĐ-BGTVT ngày 23/2/2016), bằng nguồn vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Dự án có tổng chiều dài chính tuyến 13,05km, toàn bộ đi trên cao (điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa, có 12 nhà ga trên cao) và khu Depot tại Phú Lương – quận Hà Đông; mua sắm 13 đoàn tàu.

Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đôi, khổ 1435 mm; tốc độ tối đa 80km/h, tốc độ khai thác là 35km/h; thời gian chạy tàu từ Cát Linh đến Hà Đông (hoặc ngược lại) là 23,63 phút; khi đưa vào khai thác thương mại sẽ hoạt động liên tục từ 5h-23h hàng ngày.

Khung giờ cao điểm, các đoàn tàu chạy giãn cách với tần suất 6 phút có một đoàn tàu cập ga với sức chở tối đa 960 người/đoàn. Trong giờ bình thường tàu được khai thác 10 phút/chuyến. Lưu lượng vận chuyển tối đa đạt 1,02 triệu người/ngày.

Qua 2 lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư Dự án là 18.001,5 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), tăng 9.231,632 tỷ đồng (tương đương 315,18 triệu USD) so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu, trong đó vốn vay của Trung Quốc là 13.867,1 tỷ đồng (tương đương 669,62 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam là 4.134,399 tỷ đồng (tương đương 198,42 triệu USD.

Từ tháng 10/2011 Dự án chính thức được khởi công xây dựng và cơ bản hoàn thành công tác thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị vào tháng 11/2018.

Từ tháng 12/2018 Dự án thực hiện căn chỉnh đồng bộ, vận hành thử kỹ thuật và vận hành thử nghiệm. Do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đến cuối tháng 12/2020, dự án mới hoàn thành công tác chạy thử liên động toàn hệ thống.

Trong thời gian chạy thử 20 ngày Tổng thầu EPC đã thực hiện vận hành hơn 5.740 chuyến tàu chạy, với tổng số hơn 70.000km vận hành an toàn dưới sự giám sát bởi các đơn vị tư vấn giám sát, Tư vấn đánh giá an toàn, các cơ quan chức năng và Hội đồng kiểm tra Nhà nước.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, do đây là công trình trọng điểm với công nghệ mới áp dụng vào Việt Nam, ngay từ khi bắt đầu triển khai Dự án đã được Hội đồng Kiểm tra Nhà nước, Bộ GTVT, các Bộ ngành và các cơ quan liên quan của Nhà nước theo chức năng nhiệm vụ đã kiểm tra, theo dõi và chỉ đạo sát sao.

Các công việc xây dựng đã được thi công đầy đủ theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt; kết quả thí nghiệm, kiểm tra, kiểm định, thử nghiệm, chạy thử đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của thiết kế xây dựng; và dự án đã được đơn vị đánh giá an toàn cấp Chứng nhận an toàn hệ thống.

Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết là sau khi bàn giao cho đơn vị tiếp nhận, chủ đầu tư sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thiện các nội dung còn tồn tại của dự án cũng như thực hiện công tác bảo hành công trình theo quy định Hợp đồng và phối hợp với đơn vị vận hành trong giai đoạn khai thác.

“Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND TP Hà Nội để quá trình vận hành tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô được suôn sẻ, an toàn và hiệu quả”, ông Đông khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác